Thành công của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công tái kiểm soát khu vực bờ tây sông Dnieper ở tỉnh Kherson phần lớn là nhờ sử dụng Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) để công phá các tuyến tiếp tế của lực lượng Nga trong khu vực, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định.
Với pháo HIMARS có tầm bắn hơn 80 km, quân đội Ukraine phá hủy gần như mọi cây cầu nằm trong khu vực Nga kiểm soát ở phía nam tỉnh Kherson. Điều này khiến lực lượng Nga đồn trú ở thành phố Kherson mất nguồn cung vũ khí, thiết bị quân sự và nhân lực từ bán đảo Crimea gần đó. Ukraine cũng liên tục sử dụng pháo HIMARS tập kích các kho tiếp liệu, đạn dược và chỉ huy sở của Nga.
ISW nhận định các loại rocket HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vốn không được thiết kế để phá hủy các cây cầu, do chúng chỉ trang bị đầu đạn chứa khoảng 50 kg thuốc nổ, không đủ sức công phá để vô hiệu hóa các công trình kiên cố. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã tìm ra cách giải quyết vấn đề.
"Quân đội Ukraine nghĩ ra chiến thuật khắc phục hạn chế đó bằng cách tiến hành nhiều đợt tập kích chính xác bằng pháo HIMARS nhằm vào cầu chiến lược Antonovsky và cầu trên đập thủy điện Kakhovka. Rocket HIMARS không làm sập cầu, nhưng tạo ra những lỗ thủng cạnh nhau trên mặt cầu, khiến phương tiện hạng nặng của Nga không thể chạy qua những công trình này", ISW nhận định.
Ngay khi Nga tìm cách sửa chữa, quân đội Ukraine lại tiếp tục tung đòn tập kích, nhắm vào máy móc, thiết bị sửa chữa cầu đường của Nga. Những đợt tập kích này diễn ra liên tục "tới khi lực lượng Nga bỏ cuộc".
Quân đội Nga cũng tìm cách xây dựng cầu phao dưới cầu chiến lược Antonovsky bắc qua sông Dnieper để giảm thiểu thiệt hại từ các đợt tập kích, song quân đội Ukraine tiếp tục tấn công mục tiêu này. Những đợt tập kích liên tiếp khiến Nga phải dừng hoạt động dựng cầu phao qua sông Dnieper.
"Cực chẳng đã, Nga phải sử dụng sà lan để vận chuyển vật tư, thiết bị và quân tiếp viện từ bờ đông sang bờ tây sông Dnieper, nhưng pháo HIMARS lại tập kích sà lan và khu vực cập bến. Khi không bị tập kích, những chuyến sà lan như vậy cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tiếp tế cho khoảng 20.000 lính bộ binh cơ giới của Nga đóng tại bờ tây sông Dnieper", ISW nhận định.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Tùy vào loại đạn và cấu hình, HIMARS có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km, nhưng Ukraine chưa được Mỹ trang bị loại đạn này.
Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo. Mỹ đã chuyển giao khoảng 20 tổ hợp HIMARS cho Ukraine, loại pháo này được coi là một trong những vũ khí uy lực nhất của Ukraine trong chiến sự với Nga.
Trong chuyến thăm thành phố Kherson ngày 14/11, Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi HIMARS, đồng thời cảm ơn Mỹ và phương Tây cung cấp loại vũ khí giúp thay đổi cục diện chiến trường Ukraine.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định khi bố trí pháo phản lực HIMARS tại thành phố Kherson, Ukraine hoàn toàn có thể đe dọa hành lang trên bộ nối biên giới phía tây Nga với bán đảo Crimea, cũng như hàng loạt kho hậu cần và đạn dược của Nga trong khu vực.
Lợi thế của pháo HIMARS từ Kherson sẽ càng được phát huy khi Lầu Năm Góc gần đây thông báo viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó bổ sung đạn cho tổ hợp pháo phản lực này.
Jordan Cohen, nhà phân tích chính sách tại Viện CATO ở Mỹ, cho rằng khi tuyến tiếp tế quan trọng từ Crimea bị đe dọa, Nga sẽ không thể xây dựng hành lang trên bộ an toàn nối bán đảo này với biên giới phía tây, đồng thời giúp Ukraine có thêm lý do thuyết phục các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
Nguyễn Tiến (Theo NewsWeek)