Viêm mũi dị ứng là tình trạng cơ thể phản ứng quá mức đối với các chất gây kích ứng từ môi trường xung quanh như phấn hoa, lông và da của động vật, nấm mốc, mạt bụi hoặc không khí bị ô nhiễm. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể ngay lập tức kích hoạt để chống lại các tác nhân này và mũi là cơ quan chính tiếp nhận phản ứng phòng vệ.
Theo Healthline, viêm mũi dị ứng thường thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh, như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa, đau hoặc ngứa cổ họng, chảy nước mắt.
Cách phân biệt
Điểm khác biệt đầu tiên mà mỗi người nên quan tâm là nguyên nhân gây bệnh. Cảm cúm, cảm lạnh đều là những bệnh do virus gây ra. Còn tình trạng viêm mũi dị ứng là do sự phản ứng của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Vì vậy, bệnh cảm có khả năng lây truyền sang người khác khi tiếp xúc gần và viêm mũi dị ứng sẽ không lây.
Thứ hai, triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ngay khi tiếp xúc với dị nguyên và hết khi được kiểm soát. Trong khi đó, người mắc bệnh cảm sẽ có thời gian ủ bệnh, sau đó mới bộc lộ các dấu hiệu và khỏi bệnh khoảng 7-14 ngày.
Cuối cùng, bên cạnh triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi như người bị viêm mũi dị ứng, những trường hợp mắc bệnh cảm lạnh cũng thường đi kèm sốt hoặc đau nhức.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh do dị ứng thường không có các biểu hiện trên mà chỉ gây ra ngứa mắt, phát ban. Do đó, người bệnh viêm mũi dị ứng nên chú ý những dấu hiệu khác biệt điển hình trên để phân biệt bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Rủi ro do chữa bệnh sai cách
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ gây phát ban, mệt mỏi, đuối sức, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây biến chứng viêm xoang, viêm mũi xoang nhiễm trùng vì ứ đọng dịch tiết, viêm họng - viêm thanh quản do phải thở bằng miệng...
Chị Hoài Trang (TP HCM) là trường hợp bị viêm mũi dị ứng nhưng lại nhầm lẫn mắc cảm cúm. Theo chị Trang, việc thường xuyên hắt hơi, sổ mũi khiến chị nghĩ mình bị cảm cúm và mua thuốc uống qua loa. Sau thời gian dài dùng thuốc nhưng uống mãi không khỏi, chị đến bệnh viện thăm khám và nhận kết quả viêm mũi dị ứng. Đây là nguyên nhân của những cơn hắt hơi kéo dài.
Anh Hoàng Phúc (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng "hiểu lầm" bệnh và dùng sản phẩm bổ trợ. Khoảng hai tuần, anh Phúc cảm thấy bệnh không thuyên giảm. Anh cho biết: "Mỗi sáng ngủ dậy hoặc tầm chiều tối, mũi tôi bắt đầu ngứa rồi chuyển sang nghẹt mũi. Tình trạng này làm hạn chế khả năng hít thở nên tôi phải chuyển sang thở bằng miệng, bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập lại kéo theo tình trạng viêm họng, viêm thanh quản".
Cách phòng bệnh
Những người có tiền sử dị ứng nên tránh tiếp xúc các tác nhân gây bệnh như: bụi bẩn, lông động vật, hoa có mùi thơm hoặc nhiều phấn, mùi lạ, khói thuốc lá.
Khi đi ra đường hoặc lúc quét dọn nhà, mỗi người cũng nên đeo khẩu trang; đồng thời, cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm để hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng.
Khi xuất hiện triệu chứng viêm mũi dị ứng, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối để rửa mũi. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ phấn hoa và tạp chất trong mũi; đồng thời duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc chống dị ứng (đường uống và xịt). Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng thuốc để tránh bị lệ thuộc vào chúng và giảm tác dụng phụ đi kèm.
Bên cạnh việc vệ sinh mũi, một số loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 có mặt trên thị trường hiện nay như Fexofenadine, Loratadin, Cetirizin,... cũng được các chuyên gia y tế khuyến nghị nhằm làm giảm nhanh các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy mũi. Nhờ cơ chế ngăn chặn hoạt động của histamin, Fexofenadine không gây buồn ngủ hay suy giảm tâm thần vận động và đã được FDA công nhận về hiệu quả điều trị, an toàn và ít tác dụng phụ cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Thanh Hoa
Tuần lễ Phòng chống Dị ứng Thế giới (World Allergy Week) diễn ra từ 18-24/6/2023. Mục tiêu nhằm góp phần giúp các cá nhân nâng cao nhận thức về các bệnh dị ứng nói chung. Trong đó, dị ứng do môi trường thay đổi đang là trọng tâm vì tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động. Tại Việt Nam, tình trạng dị ứng đang gia tăng.
Theo điều tra của Khoa Dị ứng - Miễn dịch Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm mũi dị ứng chiếm 32,2% trong các bệnh về tai mũi họng. Nguyên nhân do nước ta là đất nước nhiệt đới, thời tiết thay đổi theo mùa. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm không khí và sự xuất hiện của những dị nguyên (chất gây dị ứng) cũng làm số lượng bệnh gia tăng.
Thống kê từ Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) năm 2022 cũng cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ 30 trên toàn cầu về ô nhiễm không khí, với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 5,4 lần so với ngưỡng khuyến cáo 10 μg mỗi m3 của WHO.
Để hưởng ứng tuần lễ Phòng chống Dị ứng Thế giới và kiểm tra tình trạng viêm mũi dị ứng cũng như tìm hiểu giải pháp điều trị phù hợp, người dân có thể tham khảo thêm tại đây.