Trung Quốc là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, không chỉ số xe được sản xuất cũng như bán ra, mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển, nơi có thể tìm thấy các mẫu xe điện giá cả phải chăng nhất. Quốc gia Đông Á còn là mảnh đất quan trọng giúp rất nhiều hãng xe trên thế giới tăng trưởng và kiếm lời.
Sức mạnh của thị trường này chính là nhu cầu nội tại khổng lồ cho phép nhiều thương hiệu bán nhiều mẫu xe thuộc mọi phân khúc. Đây cũng là cơ hội cho bất cứ ai có kế hoạch sản phẩm minh bạch, và thỏa mãn sự hài lòng của người sử dụng về thiết kế và kích cỡ.
Các hãng ôtô Trung Quốc còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Việc mở rộng ra thị trường toàn cầu của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc là một phần của kế hoạch tăng trưởng kinh tế của chính phủ nước này. Nhưng các mẫu ôtô mới nhất của Trung Quốc có thực sự ngang tầm với các mẫu xe châu Âu, Mỹ, Hàn hay Nhật không? Dưới đây là phân tích của Juan Felipe Munoz - một chuyên gia của Jato Dynamics, hãng thống kê và phân tích thị trường đa quốc gia.
Thiết kế bắt mắt
Những mẫu xe mới nhất có ngoại hình rất thú vị, mang lại cảm giác hiện đại, tươi mới và sinh động với nhiều cá tính. Ôtô Trung Quốc thời kỳ này cũng phần nào xóa mờ tiếng xấu là xe copy.
Thiết kế thực sự là một chủ đề quan trọng, nhưng sự thật là các nhà thiết kế phương Tây đứng đằng sau nhiều mẫu xe mới do Trung Quốc sản xuất. Thực tế, nhiều hãng xe tại quốc gia này có các trung tâm thiết kế ở châu Âu và Mỹ.
Có rất nhiều ví dụ có thể đưa ra. Các mẫu xe điện ES8 và ET7 của Nio đều để lại ấn tượng tốt nhờ thiết kế. Changan Uni-K lại sở hữu ngôn ngữ thiết kế "không biên giới" với nhiều đường nét hiện đại. Hay Haval Shenshou - "Quái thú thần thoại" - với ngoại hình bắt mắt, nhiều đường cắt xẻ táo bạo, điểm nhấn là lưới tản nhiệt cỡ lớn và góc cạnh.
Ở phân khúc cao cấp, thương hiệu Hongqi (Hồng Kỳ) không gây thất vọng với mẫu H9 và E-HS9 dù ngoại hình hao hao một số mẫu siêu sang nổi tiếng như Maybach và Rolls-Royce. Hay Zeekr - thương hiệu con của Geely - mang đến mẫu hatchback thể thao thuần điện 001 với thiết kế khác biệt.
Thương hiệu MG cũng vừa ra mắt mẫu MG7 - sedan hạng D có thể là đối thủ tiềm năng của những Toyota Camry và Mazda6. Hay Tank 500 của hãng Great Wall (Trường Thành) - mẫu SUV hầm hố sẽ đấu với Toyota Prado.
Sự cải thiện chất lượng và công nghệ
Phía sau thiết kế bắt mắt, các hãng xe Trung Quốc cũng tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm. Vật liệu sử dụng và cách các mẫu xe được sản xuất cho thấy gần như không có sự khác biệt so với các đối thủ phương Tây. Công nghệ giống nhau, với hệ thống định vị, liên lạc và các giải pháp phần mềm thú vị.
Thiếu nhận diện, danh tiếng và di sản
Ba yếu tố bị thiếu là nguyên nhân chính khiến xe hơi Trung Quốc chưa "chạy đầy đường" ở những nơi khác trên thế giới. Hai yếu tố đầu tiên có thể được giải quyết bằng việc mang tới những mẫu xe chất lượng cao và hấp dẫn hơn nữa. Người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ bắt đầu biết rõ hơn và ôtô Trung Quốc một khi chúng được bán ra ở các thị trường địa phương và cạnh tranh với những đối thủ xứng tầm. Các mẫu xe chất lượng sẽ giúp cải thiện hình ảnh sản phẩm đến từ quốc gia Đông Á.
Riêng việc thiếu tính kế thừa là yếu tố phức tạp hơn. Trung Quốc không có lịch sử lâu đời về sản xuất xe hơi, vì thế sẽ là thách thức lớn đối với các thương hiệu nội địa khi cạnh tranh ở những phân khúc cao cấp.
Trong năm 2021, có hơn 125 thương hiệu ôtô Trung Quốc với tổng doanh số 13,2 triệu xe bán trên toàn thế giới. Kết quả này tăng 21% so với 2020, trong khi thị trường toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng 6%.
Nhưng trong số 13,2 triệu xe bán ra trong năm qua, thì chỉ 885.000 xe được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, tức chưa đến 7%. Mặt tích cực của vấn đề là doanh số ở các thị trường nước ngoài trong 2021 đã tăng 113% so với 2020.
Mỹ Anh (theo Motor1)