NATO năm nay sẽ họp thượng đỉnh tại Washington, Mỹ ngày 9-11/7, kỷ niệm 75 năm thành lập. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh còn vài tháng nữa Mỹ sẽ bầu tổng thống và ông Trump có cơ hội quay trở lại Nhà Trắng. Điều này gợi nhớ đến hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018, khi ông Trump còn là tổng thống.
Các cuộc phỏng vấn với hơn 20 lãnh đạo, quan chức và cố vấn có mặt trong sự kiện 2018 khắc họa lại bức tranh toàn cảnh ông Trump đã làm rung chuyển hai ngày họp như thế nào.
Ngày thứ nhất
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sẽ có một hội nghị thượng đỉnh NATO đầy biến động xuất hiện sáng 11/7/2018, ngày đầu tiên của sự kiện, tại tư dinh của trưởng phái đoàn Mỹ ở Brussels. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có bữa sáng làm việc với ông Trump.
Thông thường, lãnh đạo và phái đoàn hai bên chỉ chụp ảnh chung, bắt tay và phát biểu ngắn gọn với truyền thông trước khi bắt đầu họp kín. Nhưng khi ống kính đang hướng về phía các quan chức, một phóng viên hỏi lớn "Thưa ngài Tổng thống, ngài muốn quốc gia cụ thể nào trong NATO phải tăng chi tiêu?".
"Nhiều quốc gia không chi tiêu tương ứng với mức yêu cầu", ông Trump trả lời. "Thành thực mà nói, nhiều quốc gia đang nợ chúng tôi lượng lớn tiền, suốt nhiều năm. Họ bỏ bê nghĩa vụ, bởi Mỹ đã trả tiền thay họ".
Tháp tùng ông Trump có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Ông chủ Nhà Trắng đôi khi hướng ánh mắt về phía các đại diện liên minh đang nhìn chằm chằm vào ly nước cam của họ.
"Mỹ đã đứng ra chi tiền. Tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm, qua nhiều đời tổng thống. Nhưng chưa tổng thống nào nêu vấn đề ra như tôi. Phải có điều gì đó được thực hiện", ông Trump nhấn mạnh.
Nhóm tháp tùng ông Trump đã quen thuộc với những lời chỉ trích này. Phái đoàn Mỹ muốn rời Brussels với một thông điệp cứng rắn, nhưng không tạo ra tổn thất về lâu dài cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tổng thư ký Stoltenberg không tỏ vẻ lo ngại. Stoltenberg đã lãnh đạo NATO gần 4 năm và từng chứng kiến những tuyên bố tương tự, nhưng các quan chức ngồi cạnh tỏ ra lúng túng.
"Tôi không biết ông Trump có lên kế hoạch trước hay không, nhưng đó là đòn đánh úp, một đòn đánh úp hoàn toàn", một người có mặt tại sự kiện chia sẻ. Ông Trump sau đó ra hiệu với ông Stoltenberg, hỏi Tổng thư ký NATO có muốn nêu quan điểm hay không.
Vài tuần trước hội nghị, đội ngũ của Stoltenberg đã liên lạc với các cố vấn Tổng thống Mỹ để chuẩn bị trước cho những công kích từ ông Trump. Nỗ lực này phần nào giúp lãnh đạo liên minh quân sự có chiến lược để ứng phó.
Đức bị ông Trump nhắm mục tiêu. Quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu chi chưa đến 2% GDP cho quốc phòng, trong khi nhập khẩu lượng lớn khí đốt từ Nga, quốc gia NATO coi là đối thủ. "Vậy là chúng ta bảo vệ họ khỏi Nga, nhưng họ lại thanh toán hàng tỷ USD cho Nga?", ông Trump hỏi với giọng châm biếm. "Chúng ta phải làm gì đó, vì tôi cảm thấy như vậy là không phù hợp".
"Tôi nghĩ hai cuộc Thế chiến và Chiến tranh Lạnh đã dạy chúng ta một điều rằng đoàn kết mạnh hơn là chia rẽ", ông Stoltenberg đáp lại.
"Nhưng làm sao có thể đoàn kết khi một thành viên mua năng lượng từ bên mà chúng ta muốn đối phó? Không, các bạn chỉ đang giúp Nga giàu hơn", ông chủ Nhà Trắng cau mày. Loạt công kích của Trump kéo dài 13 phút. Khoảng 9h30, phóng viên được yêu cầu rời đi.
Ông Trump sau đó tiếp tục nêu quan điểm về ngân sách NATO. Trụ sở mới của liên minh, khánh thành năm 2017, được ông mô tả là một sai lầm. Tổng thống Mỹ cho rằng thay vì chi 1,1 tỷ euro cho công trình, NATO nên xây một boongke 500 triệu euro và dành số tiền còn lại cho xe tăng.
"Ông Trump rất gay gắt, nhưng Tổng thư ký NATO cũng chuyên nghiệp. Ông ấy chỉ lắng nghe, không lộ vẻ bị sốc hay khó chịu hay thất vọng", một quan chức dự họp nói. "Đó là một buổi trút giận".
Ông Trump giữ nguyên quan điểm và im lặng trong những phiên họp sau đó tại trụ sở NATO. Các cuộc thảo luận về biện pháp củng cố sườn đông NATO trước những mối đe dọa tiềm ẩn trôi qua mà không dấy lên căng thẳng. Các lãnh đạo nhất trí về tuyên bố chung. Mọi chuyện giữa Mỹ và đồng minh đều ổn thỏa.
Nhưng tại tiệc tối 11/7/2018, tâm trạng ông Trump dường như không tốt. Ông Trump đi cùng phu nhân Melania và bà Hutchison. Sau khi chụp ảnh tập thể và theo dõi biểu diễn, các khách mời bắt đầu dùng bữa tối được đầu bếp chuẩn bị tại bảo tàng nghệ thuật gần đó.
Một số quan chức đã trò chuyện cùng ông Trump rời tiệc với cảm giác lo ngại về những gì có thể xảy đến trong ngày hôm sau.
Ngày thứ hai
Những thông tin trên truyền thông sau ngày họp đầu tiên đều trung tính. Hầu hết tập trung vào tuyên bố chung và tín hiệu tích cực từ các thành viên về tăng chi tiêu. Nhưng ông Trump muốn vấn đề được xem xét nghiêm túc.
Trong lúc đoàn xe chở ông di chuyển qua đường phố Brussels, Bỉ để đến trụ sở NATO, Trump gọi điện cho cố vấn John Bolton và nói "Chúng ta đang bị đối xử bất công".
"Các quốc gia phải cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, với hạn chót ngày 1/1/2019, hoặc chúng ta sẽ rời đi và không bảo vệ những nước không thực hiện", ông Trump nói rồi cúp máy, khoanh tay và mỉm cười.
Thông tin nhanh chóng lan truyền trong phái đoàn Mỹ tháp tùng ông dự sự kiện. Hầu hết lãnh đạo các nước thành viên NATO khi đó đều đã có mặt tại phòng họp ở trụ sở liên minh, trò chuyện với nhau nhưng không biết chuyện gì sắp xảy đến. Lời đe dọa của ông Trump đánh dấu bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử của NATO, liên minh đã góp phần đảm bảo an ninh cho châu Âu từ năm 1949.
"Thậm chí không ai trong chúng tôi biết quy trình rút khỏi NATO được thực hiện như thế nào", một quan chức Mỹ nói. "Ai đó đến chỗ tôi và hỏi 'ông có bản sao hiệp ước không?'. Tôi không có. 'Hãy lấy cho tôi một bản sao hiệp ước, Trump nói ông ấy muốn rời NATO'. Chúng tôi đều tìm xem hiệp ước đề cập gì về vấn đề. Tất nhiên là không có gì. Từ ngày đó trở đi, tôi luôn mang theo mình một bản sao hiệp ước".
Ông Trump bước vào phòng họp, ngồi vào bàn tròn với lãnh đạo các đồng minh, khi đó đang thảo luận về hai chủ đề của phiên liên quan Gruzia và Ukraine. Hai quốc gia muốn gia nhập NATO này đều có vấn đề với Nga.
"Trump đến muộn, một mình đi qua hành lang trụ sở NATO, gương mặt lộ vẻ thịnh nộ. Tôi vẫn nhớ suy nghĩ lúc đó của mình là 'điều này không tốt chút nào'".
Ông chủ Nhà Trắng ám chỉ muốn được phát biểu. Cố vấn Bolton ngả người khuyên ông Trump chỉ nêu việc Mỹ rút khỏi NATO là một khả năng, đừng biến thành lời đe dọa trực tiếp. Trump nhắm mắt, gật đầu. Vài phút sau, Trump phát biểu và không đề cập gì Gruzia hay Ukraine.
"Tôi thấy truyền thông đưa tin rằng các vị đều hài lòng. Tôi thì không. Chúng ta cần bàn về vấn đề tiền bạc", ông Trump nói.
Trong 15 phút sau, Trump kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp đôi mức chuẩn 2% GDP, mức cao đến khó tin với hầu hết lãnh đạo có mặt. Trump cho rằng các nước thành viên đang lợi dụng Mỹ, yêu cầu họ chi tiền, nếu không Washington sẽ rời liên minh vào năm 2019.
"Tôi ủng hộ NATO một nghìn triệu phần trăm, nhưng không phải với những điều kiện như bây giờ", ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.
Trong các cuộc họp của NATO, đại diện nước thành viên ngồi theo thứ tự bảng chữ cái. Ông Trump ngồi ở vị trí sau cùng, cạnh ông Stoltenberg. Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng dậy ngay khi ông Trump dứt lời. Bà vòng ra chỗ ông Stoltenberg, nói thầm điều gì đó và lãnh đạo NATO gật đầu. Lãnh đạo Đức tiến đến nói thầm vào tai ông Trump rồi quay lại chỗ ông Stoltenberg. Tổng thư ký liên minh gật đầu lần nữa.
"Bà Merkel lập tức nhận ra tình hình có thể vượt tầm kiểm soát", theo một quan chức dự họp. "Bà ấy và ông Stoltenberg đều cảm thấy phải kiểm soát tình hình".
Ông Stoltenberg đề nghị mọi người rời phòng họp, ngoại trừ lãnh đạo các nước NATO cùng một quan chức tháp tùng. "Chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận quan trọng cần phải thực hiện", Tổng thư ký NATO nói.
Điều này đồng nghĩa lãnh đạo Gruzia và Ukraine buộc phải rời phiên họp mà lẽ ra sẽ thảo luận về triển vọng họ gia nhập NATO. "Nhưng đó là lần duy nhất họ cảm thấy vui vì không tham gia họp", một nhà ngoại giao bình luận. "Về cơ bản, Tổng thư ký NATO muốn càng nhiều người ra khỏi phòng càng tốt".
Sự thay đổi chương trình nghị sự này là chưa từng có tiền lệ tại hội nghị thượng đỉnh NATO, vốn bị ràng buộc bởi các thủ tục và nghi thức. Tình huống này dẫn đến sự lộn xộn, khi hàng chục cố vấn, trợ lý phải rời đi.
Ngay cả trong họp bất thường, lãnh đạo các nước cũng không thường được đề nghị phát biểu nếu chưa có chuẩn bị trước hay bản ghi tóm tắt. Nhưng lần này, họ phải thương lượng với ông Trump và chỉ có thể dựa vào trí nhớ của mình cùng những gì trợ lý kịp liệt kê.
"Trump có thông tin về điều các quốc gia khác đang làm", một nhà ngoại giao NATO nói. "Ông ấy có thể dẫn chứng nước này chi bao nhiêu % GDP cho quốc phòng. Ông ấy đi quanh phòng, chỉ trích tất cả".
Trump nêu chi tiêu của Tây Ban Nha chưa đạt 2%, tiếp đó là Cộng hòa Czech. Tổng thống Milos Zeman cố phản bác rằng GDP Czech tăng quá nhanh nên chi tiêu quốc phòng không bắt kịp. Ông Trump có vẻ không chấp nhận cách giải thích này. Tổng thống Mỹ nhắc đến Đức, chỉ trích Berlin vì tiếp nhận quá nhiều người nhập cư, một ngày nào đó sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh mà Mỹ cũng phải đối phó.
"Đó là khoảnh khắc trời giáng", một người dự họp nói. "Các lãnh đạo nghe rõ từng từ: tăng chi tiêu hoặc bị bỏ mặc".
Trong khoảng thời gian thu xếp phòng họp, một số lãnh đạo châu Âu đã kịp vạch ra một kế hoạch khẩn cấp. Ông Stoltenberg, bà Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tập trung một góc, trao đổi nhanh xem họ có thể giải quyết mớ hỗn độn này thế nào.
"Về cơ bản họ kết luận ba việc", một nguồn thạo tin nói. "Tán dương ông ấy vì đã nêu ra vấn đề, đã khiến các nước khác phải tăng chi tiêu và cam kết hành động hơn nữa".
Nhóm lãnh đạo muốn chọn ra một người truyền tải thông điệp nhưng bà Merkel không thể đảm nhận, do Đức mua khí đốt Nga. Macron hiểu cần làm gì nhưng ông không sẵn sàng đóng vai chính. Lựa chọn còn lại là ông Rutte, người giữ chức thủ tướng Hà Lan nhiều nhiệm kỳ nhờ thiết lập các liên minh vốn được cho là không thể.
"Ông ấy là người phù hợp, có thể tán dương, xoa dịu Trump thay vì châm ngòi căng thẳng. Và Hà Lan là một nước quan trọng, dù không trong nhóm lớn nhất", một nguồn tin nói.
Thủ tướng Rutte sau đó đã giải quyết được cả ba việc: tâng bốc, đồng ý và trì hoãn. "Trong số lãnh đạo châu Âu, ông ấy dường như là người duy nhất có thể ứng phó Trump trong những năm tới, nếu Trump trở lại Nhà Trắng", một nhà ngoại giao châu Âu nhận định.
Nhưng không phải ai cũng thuận theo Trump. Thủ tướng Xavier Bettel của Luxembourg, quốc gia chi tiêu cho quốc phòng thấp nhất trong NATO, ở mức 0,5% GDP, quyết định đáp trả Trump.
"'Thay mặt 1.000 binh sĩ lực lượng vũ trang Luxembourg, tôi phải bác bỏ cách ông mô tả chúng tôi là ăn bám'", một nhà quan sát nhắc lại lời ông Bettel. "Những lãnh đạo khác như tự hỏi 'ôi trời, ông ấy đang làm gì vậy?'".
Diễn biến mới này khiến Tổng thống Mỹ thêm tức giận. Giới chức NATO đã chuẩn bị một phương án khác để hạ nhiệt là số liệu. Ngay khi ông Trump khiến chương trình nghị sự bị ảnh hưởng, họ nhanh chóng in số liệu đã chuẩn bị sẵn nhằm chứng minh các thành viên đã và đang có biện pháp để đáp ứng yêu cầu từ Tổng thống Mỹ. Con số ước tính mức tăng chi tiêu 33 tỷ USD trong năm 2018 được cho là đã làm ông Trump nguôi giận.
"Không khí dần bớt căng thẳng khi các bên tiếp tục đối thoại", một quan chức nói. "Ông ấy đưa ra đe dọa cùng yêu cầu, chúng tôi tiếp nhận cả hai và ông ấy phần nào hài lòng".
Sau 90 phút họp bất thường, cánh cửa phòng họp mở ra và các quan chức khác trở lại bàn làm việc. Ông Stoltenberg tiếp tục điều phối theo chương trình nghị sự đã chuẩn bị. NATO trở lại đường ray.
Khi Trump rời phòng họp thượng đỉnh, các trợ lý hy vọng có thể đưa ông đến sân bay Zaventem để khởi hành đến Anh, bắt đầu chuyến thăm quốc gia này 4 ngày. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ muốn trò chuyện với báo giới. Các quy tắc một lần nữa bị xé toạc.
"Thông thường, Tổng thư ký NATO là người đầu tiên trả lời truyền thông sau họp thượng đỉnh", một quan chức NATO nói. "Nhưng giờ đây, chúng tôi thuận theo ông Trump. Chúng tôi chờ nghe điều ông ấy nói, từ đó có thể xác định cần làm gì tiếp theo. Chúng tôi đều lo sợ ông ấy sẽ khiến mọi chuyện bung bét".
"Chúng tôi đã có hai ngày rất tuyệt vời ở Brussels", ông Trump phát biểu. "Chúng tôi thực sự đã đạt được nhiều vấn đề liên quan NATO. Tôi cho họ biết tôi cực kỳ không vui với tình trạng hiện tại, và họ đã tăng cam kết. Giờ đây, chúng tôi rất vui và có một NATO rất mạnh, hơn nhiều so với hai ngày trước".
Phía sau cánh gà, đội ngũ báo chí và các trợ lý của ông Stoltenberg lo lắng theo dõi. Họ nở nụ cười đầu tiên 75 giây sau khi ông Trump phát biểu. "Chúng tôi đã lo lắng ông ấy sẽ nói điều gì đó gây chấn động, nhưng cuối cùng lại không có gì. Thực tế, tình hình khá tích cực", một người nói.
Phóng viên CNN hỏi Trump liệu ông có nghĩ lời đe dọa của mình với các đồng minh NATO đã hiệu quả. "Tôi chỉ muốn công bằng cho Mỹ", ông Trump trả lời. "Và nếu bạn hỏi Tổng thư ký Stoltenberg, ông ấy sẽ ghi công chúng tôi, tôi đoán trong trường hợp này là ghi công tôi".
Trong những năm sau hội nghị thượng đỉnh năm 2018, chi tiêu quốc phòng của các thành viên đã tăng. Con số này năm nay ước tính lên khoảng 430 tỷ USD, tăng 55% so với thời điểm đó. Năm 2018, ngoài Mỹ chỉ có ba quốc gia đáp ứng chỉ tiêu 2% GDP. Năm nay, con số này là 22 nước.
Dù Nga mở chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022 được cho là xúc tác chính khiến NATO tăng chi quốc phòng trong hai năm qua, "hạt giống" của nỗ lực có thể được coi là do ông Trump "gieo" từ mùa hè năm 2018 ở Brussels.
"Động lực tăng chi quốc phòng không phải chỉ vì Trump, mà còn liên quan các mối đe dọa tiềm tàng khác. Tôi không nghĩ bạn sẽ nghe thấy bất kỳ lãnh đạo châu Âu nào nói họ tăng chi quốc phòng vì cảnh báo từ Trump. Nhưng tôi chắc điều đó có ảnh hưởng đến tính toán của một số nước", một nguồn tin nói.
Khi tranh cử năm nay, ông Trump nhiều lần nhắc việc các đồng minh NATO chưa chi trả đủ. Ông hồi tháng 2 cảnh báo sẽ để Nga "làm bất kỳ điều gì họ muốn" với những quốc gia thành viên NATO không đạt mức chi tiêu quốc phòng.
Dù quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngăn một tổng thống Mỹ đơn phương làm vậy, một số quan chức NATO vẫn lo lắng trước viễn cảnh sắp tới. "Tôi đã làm việc ở NATO trong nhiệm kỳ đầu của Trump", một quan chức nói. "Và tôi thực sự không mong muốn có thêm một giai đoạn như vậy nữa".
Như Tâm (Theo FT, Reuters)