"Chúng ta nên duy trì TikTok thêm một thời gian nữa", Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22/12 phát biểu trước người ủng hộ tại Phoenix, bang Arizona. Vài ngày trước, ông Trump đã gặp Shou Zi Chew, CEO của TikTok, ở dinh thự riêng Mar-a-Lago, bang Florida.
TikTok đang cận kề hạn chót phải cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc hoặc bị cấm ở Mỹ. Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA) mà Tổng thống Joe Biden ký ban hành hồi tháng 4 ấn định thời điểm này là ngày 19/1/2025, một ngày trước khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Trump tham gia TikTok hồi tháng 6, khi đang chạy đua vào Nhà Trắng. Ngày 16/12, Trump công nhận nền tảng này giúp ông tiếp cận lượng lớn cử tri trẻ tuổi và chiến thắng. Các nguồn tin cho biết ông Trump đã nói với Shou Zi Chew rằng ông có "một vị trí ấm áp trong tim dành cho TikTok".
Loạt động thái của Tổng thống đắc cử làm dấy lên đồn đoán ông sẽ cứu TikTok trước hạn chót để nền tảng này tiếp tục hoạt động ở Mỹ.
TikTok có một số phương án thoát hiểm khả thi và chính quyền ông Trump sắp tới có thể nắm vai trò quyết định, Sarah Kreps, giám đốc Viện Chính sách Công nghệ, Đại học Cornell, bang New York, nói.
Theo bà Kreps, ông Trump có một số lựa chọn khi chính thức nhậm chức ngày 20/1/2025. "Nếu muốn cứu TikTok, ông Trump có thể đề nghị quốc hội bác bỏ lệnh cấm. Nhưng tôi không nghĩ chuyện đó sẽ dễ dàng", bà Kreps nhận định.
PAFACA nằm trong số ít luật được Hạ viện, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, đều thông qua với số phiếu áp đảo. Các quan chức và nghị sĩ Mỹ lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng lên ByteDance hoặc tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ. Do đó, dù đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát lưỡng viện trong khóa mới, quốc hội Mỹ cũng khó thuận theo ý ông Trump trong vấn đề này.
"Ông ấy cũng có thể đề nghị Bộ Tư pháp không thực thi PAFACA và gửi thông điệp đến Apple, Google rằng họ sẽ không bị truy tố. Nhưng tôi cũng không nghĩ kịch bản này khả thi", bà Kreps bổ sung.
Apple, Google đóng vai trò lớn nếu lệnh cấm TikTok được triển khai, vì họ sở hữu hai cửa hàng ứng dụng điện thoại App Store, Google Play. Các lãnh đạo Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc ngày 13/12 đã gửi thư đề nghị Apple và Google "sẵn sàng" xóa TikTok khỏi hai cửa hàng vào ngày 19/1/2025.
Hai công ty công nghệ đều đã vướng bê bối pháp lý với Bộ Tư pháp Mỹ liên quan vấn đề khác và không đáng mạo hiểm vì TikTok.
Bà Kreps đưa ra một phương án dễ thực hiện hơn là ông Trump không cung cấp đủ nguồn lực để thực hiện lệnh cấm. Tổng thống đắc cử không đảo ngược PAFACA, nhưng cũng không thực hiện nghiêm ngặt.
Theo PAFACA, ông Trump khi nhậm chức có quyền ân hạn 90 ngày với TikTok, nhưng điều này đòi hỏi ông chủ Nhà Trắng phải xác nhận trước quốc hội rằng quá trình thoái vốn "đã có tiến triển đáng kể".
Một điều khoản trong luật cho phép Tổng thống "xác định rằng một ứng dụng không còn bị đối thủ bên ngoài kiểm soát" và đây cũng là hướng đi tiềm năng, theo Erik Stallman, giáo sư luật Đại học California, Berkeley. "Ông Trump có thể tuyên bố hài lòng vì thực thể ở Mỹ mà họ thiết lập đã đủ tách biệt khỏi ByteDance và không cần phải thoái vốn nữa".
Trong suốt nhiều năm bất đồng với chính phủ Mỹ, TikTok đã lập chi nhánh trụ sở Mỹ là TikTok US Data Security để hạn chế khả năng ByteDance tiếp cận dữ liệu người dùng. Công ty công nghệ Mỹ Oracle phụ trách lưu trữ và bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ cho rằng như vậy là chưa đủ.
Bộ Tư pháp trong chính quyền mới có thể kết luận ByteDance đã giải quyết được lo ngại của về an ninh quốc gia, nhưng động thái này dễ bị quốc hội coi là nhượng bộ Trung Quốc.
Bản thân TikTok đã nỗ lực cứu mình thông qua tòa án. TikTok và ByteDance hồi tháng 5 đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ lên Tòa phúc thẩm liên bang Quận Columbia. Do tính chất "thẩm quyền chuyên biệt" được quy định trong PAFACA, chỉ tòa này mới có thẩm quyền xét xử các khiếu nại liên quan đến đạo luật. Đây cũng được coi là tòa án cấp cao thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Tòa án Tối cao, do thụ lý nhiều vụ kiện tác động đến người dân khắp nước này.
Trong đơn kiện, ByteDance và TikTok cáo buộc chính phủ Mỹ vi phạm Tu chính án thứ nhất trong hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận. Họ cũng lập luận rằng việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok là "bất khả thi cả về mặt thương mại, công nghệ và pháp lý".
Tòa phúc thẩm ngày 13/12 bác yêu cầu từ TikTok và ByteDance là "vô căn cứ". Hai công ty ngày 16/12 kháng cáo lên Tòa án Tối cao, đề nghị tòa dừng PAFACA trong thời gian ra phán quyết, có thể kéo dài nhiều tháng. Tòa án Tối cao đã thụ lý và dự kiến bắt đầu nghe tranh tụng vào ngày 10/1/2025, đồng nghĩa khả năng sẽ tạm dừng PAFACA.
Lựa chọn cuối cùng của ByteDance là tuân thủ PAFACA, "bán mình" cho một bên mua không phải Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok nhiều lần bác bỏ phương án này. TikTok có khoảng 170 triệu người dùng mỗi tháng ở Mỹ. Việc tiếp quản hoạt động quy mô này đòi hỏi bên mua phải sở hữu nguồn lực đáng kể, do đó có rất ít ứng viên tiềm năng.
Một nghị sĩ Cộng hòa cấp cao gần đây gợi ý ông Trump có thể làm trung gian cho "một thỏa thuận thế kỷ", dung hòa lợi ích của Mỹ và ByteDance. Nhưng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ cần Trung Quốc chấp thuận, trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington được dự đoán căng thẳng trong nhiệm kỳ ông Trump.
"Tình hình hiện tại phức tạp, do ông Trump là người rất khó đoán", Carl Tobias, giáo sư Trường Luật Đại học Richmond, bang Virginia, nói.
Như Tâm (Theo AFP, CBS News)