Tâm trí Tổng thống Joe Biden đang ở nơi khác khi ngắm màn bắn pháo hoa trên bầu trời Nhà Trắng vào ngày quốc khánh 4/7.
Hai biến động lớn đang diễn ra nơi hậu trường. Một cuộc trao đổi tù nhân quốc tế do Mỹ làm trung gian đang bước vào giai đoạn nhạy cảm, và chiến dịch tranh cử của ông cũng đang trên đà sụp đổ.
Các trợ lý của Tổng thống cho biết, ngày hôm đó, ông dường như chỉ tập trung vào một vấn đề: Đưa Evan Gershkovich, Paul Whelan và Alsu Kurmasheva, ba công dân Mỹ bị giam ở Nga, trở về.
Khi phát biểu tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng nhân ngày quốc khánh, Tổng thống Biden thể hiện một thái độ tràn ngập tự tin và mạnh mẽ với tuyên bố: "Chúng ta phải nhớ mình là ai. Chúng ta là nước Mỹ".
Nhưng bên trong, ông và nhóm thân tín đang vô cùng căng thẳng, hoang mang không biết những tuần tiếp theo sẽ đi về đâu. Tháng 7 đặc biệt quan trọng đối với ông cả về mặt chính trị lẫn cá nhân. Và điều có thể cho công chúng Mỹ thấy rằng Tổng thống đang rất tích cực trong việc điều hành đất nước lại là thứ mà họ không thể nói ra.
"Điều mà mọi người không biết là có bao nhiêu thứ đang diễn ra nơi hậu trường trên mặt trận đối ngoại", một quan chức chính quyền cho hay. "Và nó đòi hỏi Tổng thống phải tập trung ở từng chi tiết. Ông ấy tham gia vào mọi cuộc thảo luận".
Thỏa thuận giải thoát công dân Mỹ khỏi nhà tù Nga đã được tiến hành từ lâu trước cuộc tranh luận trực tiếp của Tổng thống Biden với đối thủ Donald Trump vào ngày 27/6 và các quan chức Mỹ lưu ý rằng những tính toán ông đề ra liên quan đến cuộc trao đổi hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cân nhắc rút lui khỏi đường đua Nhà Trắng.
Ngày 21/7, một trong những ngày tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, việc biết rằng ông sắp đưa được các công dân Mỹ từ Nga về nước trở thành điểm sáng duy nhất, nhưng nó không thể xua tan những bóng đen u ám.
Theo đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake, vào ngày chủ nhật mà Tổng thống tuyên bố ông sẽ rút lui khỏi cuộc tranh cử, ông vừa phải đối phó với cơn khủng hoảng vừa phải thực hiện những cuộc gọi quan trọng để đảm bảo thỏa thuận trao đổi tù nhân được thực hiện.
"Điều đó thực sự phi thường", Flake nói.
Nhưng Tổng thống Biden phải đợi hơn một tuần sau mới có thể chia sẻ tin tức về cuộc trao đổi tù nhân với thế giới.
Câu chuyện này dựa trên các cuộc phỏng vấn với 13 viên chức, nhân viên và nhà ngoại giao, hầu hết trong số họ đều giấu tên để có thể nói chuyện cởi mở về hoạt động bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Biden. Họ đã khắc họa chi tiết cách Nhà Trắng xử lý một cuộc đàm phán toàn cầu đầy rủi ro, trong khi chấp nhận thực tế rằng người dẫn đầu nỗ lực này có khả năng sắp phải kết thúc sự nghiệp chính trị của mình.
Khi sức ép kêu gọi Tổng thống Biden từ bỏ nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai ngày càng trở nên nặng nề vào tuần thứ hai của tháng 7, ông vẫn kiên định với con đường đã chọn.
"Tôi sẽ không đi đâu", ông nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/7.
Và ông tiếp tục thể hiện tâm thế tự tin trong các cuộc thảo luận kín rằng cuộc trao đổi tù nhân với Nga sẽ diễn ra thuận lợi.
Ngày 9/7, các quan chức châu Âu đổ về Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng đội ngũ của họ đã tận dụng cơ hội này để nói chuyện với các đối tác Đức về đề xuất trao đổi tù nhân.
Lúc bấy giờ, Nga đã thông báo với Mỹ thông qua các kênh tình báo rằng họ sẵn sàng tiến hành trao đổi tù nhân.
"Khi mọi chuyện xảy ra, tất cả đều vào cuộc", một quan chức Mỹ kể lại.
Thỏa thuận là kết quả của nỗ lực ngoại giao được tiến hành trong hơn một năm. Sau khi ngôi sao bóng rổ Brittney Griner được trả tự do trong cuộc trao đổi với Nga ngày 8/12/2022, Tổng thống Biden và cố vấn Sullivan đã vạch kế hoạch tiếp theo để đưa thêm nhiều tù nhân Mỹ trở về.
Khi Nga từ chối đề xuất ban đầu vào tháng 1/2023, Sullivan đề ra chiến lược rằng họ sẽ phải thu hút nhiều quốc gia khác ở châu Âu, đặc biệt là Đức, cùng tham gia. Nếu mở rộng được phạm vi thỏa thuận, Mỹ có thể tạo ra nhiều đòn bẩy mặc cả hơn trên bàn đàm phán.
Nhưng Nga đã tạo ra một trở ngại khác trong kế hoạch của Sullivan. Họ thông báo với Mỹ vào tháng 3/2023 rằng họ muốn Vadim Krasikov, điệp viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã giết một người bất đồng chính kiến Chechnya vào năm 2019 tại Berlin, được thả khỏi nhà tù Đức. Ngày 29/3/2023, phóng viên báo Wall Street Journal Gershovich bị bắt tại Nga.
Trong suốt thời gian còn lại của năm 2023, Sullivan và giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã nói chuyện nhiều lần với các đối tác ở châu Âu và Nga để cố gắng tìm ra cách thực hiện thỏa thuận trao đổi tù nhân. Rào cản lớn nhất đối với Washington là thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng ý thả Krasikov. Theo một quan chức Mỹ khác, chính phủ Đức ban đầu không chấp nhận ý tưởng này.
Sau nhiều lần Mỹ gây áp lực, Đức đã nhượng bộ. Vào đầu tháng 6, Nga đồng ý trao đổi tù nhân và thỏa thuận được ký vào giữa tháng 7, theo một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề.
Nhưng khi giai đoạn đàm phán cuối cùng diễn ra, Tổng thống Biden cùng lúc lại phải cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng từ chính bên trong đảng của mình.
Sau cuộc tranh luận gây thất vọng của Tổng thống Biden vào cuối tháng 6, hàng loạt nghị sĩ đã kêu gọi ông rút lui. Đầu tiên là từ đảng Cộng hòa, sau đó những tiếng nói từ đảng Dân chủ cũng bắt đầu xuất hiện, như cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay thượng nghị sĩ Chuck Schumer.
Tổng thống Biden ban đầu phớt lờ. Ông xuất hiện trên sân khấu tại một cuộc mít tinh trong những ngày sau cuộc tranh luận, nói rằng mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn vô cùng mạnh mẽ. Các trợ lý khẳng định Tổng thống vẫn đủ sức khỏe để đảm nhiệm chức vụ và rằng ông là người mà Mỹ cần để vượt qua những thách thức khó khăn trên toàn cầu.
"Trước mọi vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với thế giới, các lãnh đạo nước ngoài vẫn tìm đến ông ấy như họ vẫn luôn làm vậy", Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden phụ trách vấn đề Trung Đông tháng trước tuyên bố. "Và khi tôi nói chuyện với các đồng minh và lãnh đạo quan trọng nhất với chúng ta, tất cả đều bày tỏ tin tưởng vào khả năng hoàn thành công việc của Tổng thống".
Các quan chức Nhà Trắng mô tả hai tuần giữa tháng 7 là thời điểm căng thẳng nhất trong toàn bộ quãng thời gian họ làm việc dưới chính quyền Biden.
Họ phải nỗ lực đàm phán hậu trường với thỏa thuận trao đổi tù nhân, cố gắng cứu vãn cuộc đàm phán ngừng bắn đang gặp khó khăn ở Trung Đông, giải quyết hậu quả từ vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump và cố gắng thuyết phục công chúng Mỹ rằng Tổng thống Biden vẫn đủ khả năng lãnh đạo. Điều này là một thách thức thậm chí với cả những nhân viên và quan chức Nhà Trắng dày dạn kinh nghiệm chính trị nhất.
Giữa tháng 7 cũng là lúc áp lực đòi Tổng thống Biden rút khỏi đường đua Nhà Trắng lên tới đỉnh điểm.
Trong khi cơn khủng hoảng chính trị nhấn chìm nỗ lực vận động tranh cử, Tổng thống Biden và đội ngũ trợ lý lại phải bận rộn với nhiệm vụ hoàn thiện các chi tiết hậu cần cuối cùng cho cuộc trao đổi tù nhân.
Ông Biden phải giải quyết cả hai thách thức với gánh nặng làm việc từ xa. Tổng thống mắc Covid-19 sau một đợt vận động tranh cử, buộc ông phải tự cách ly vào thời điểm không thể nhạy cảm hơn.
Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan khi tham dự Hội nghị An ninh Aspen ở Colorado đã hết lời bảo vệ ông chủ Nhà Trắng trên sân khấu sự kiện khi nói rằng ông rất mừng khi "người ngồi ở đầu bàn trong Phòng Tình huống" là Tổng thống Biden.
Bên lề hội nghị, ông thực hiện những cuộc điện thoại vào phút chót với các đồng nghiệp châu Âu, bàn về việc trao đổi tù nhân. Thỏa thuận với Nga lại gặp thách thức, đối mặt nguy cơ đổ vỡ.
Một sự cố pháp lý ở Slovenia có khả năng làm đảo lộn toàn bộ thỏa thuận. Chi tiết của vấn đề vẫn còn mơ hồ, nhưng nó dường như liên quan đến việc yêu cầu tòa án Slovenia cho phép thả tù nhân người Nga.
Ngày 21/7, khi vẫn trong quá trình hồi phục sau Covid-19 và cách ly tại ngôi nhà bên bờ biển Delaware, Tổng thống Biden gọi điện cho Thủ tướng Slovenia Robert Golob, thuyết phục ông hành động nhanh chóng để tù nhân Nga bị giam tại nước này có thể được thả cùng những người còn lại.
Tổng thống Biden lúc bấy giờ đã quyết định dừng nỗ lực tranh cử, một bước ngoặt mà ông đã chấp nhận vào đêm hôm trước và hoàn tất ngay trong sáng sớm hôm đó. Cuộc trò chuyện giữa ông với Thủ tướng Golob là một trong những cuộc gọi cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất trước khi công khai thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Mọi chi tiết liên quan đã được hoàn tất, ngoại trừ một số vấn đề hậu cần. Nhưng nó vẫn được giữ bí mật đến khi các công dân Mỹ thực sự được chuyển ra khỏi nhà giam của Nga hôm 1/8.
Cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia diễn ra hôm 1/8 tại đường băng sân bay ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó 10 người Nga, gồm hai trẻ vị thành niên, đã được trao đổi với 16 người phương Tây và người Nga bị giam tại Nga và Belarus.
Nhóm người phương Tây được thả gồm công dân các nước Mỹ, Slovenia, Na Uy, Đức, Ba Lan. Nhà báo Gershkovich và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan nằm trong số những người được trả tự do.
Khoảng một tiếng sau khi Nhà Trắng công bố thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nga, cựu tổng thống Trump đăng thông điệp chỉ trích Tổng thống Biden đã tạo ra "tiền lệ xấu" trong đàm phán giải cứu công dân Mỹ. Bài viết không có thông điệp chúc mừng gia đình những công dân Mỹ vừa được trả tự do.
"Chúng ta nhận được bao nhiêu người so với phe kia? Chúng ta có phải trả tiền mặt cho họ không? Họ có trả tiền cho chúng ta không (Người dân hãy tự đặt câu hỏi này, vì tôi chắc rằng câu trả lời là không)? Chúng ta có thả những tù nhân giết người và tội phạm hay không?', ông Trump viết.
Nhưng các quan chức Nhà Trắng khẳng định cuộc trao đổi tù nhân là thử thách mà chỉ Tổng thống Biden mới có thể giải quyết được. Theo họ, nó không thể thành công nếu thiếu đi những liên minh quốc tế, điều mà Tổng thống Biden rất coi trọng nhưng cựu tổng thống Trump lại hoài nghi.
"Cuộc trao đổi này không phải tự nhiên mà có. Nó thực sự là kết quả từ sự lãnh đạo tuyệt vời của Tổng thống Biden và sức mạnh của các mối quan hệ với đồng minh", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Fiona Hill, cựu cố vấn cấp cao về Nga của Trump, người hiện chỉ trích ông gay gắt, cho rằng "Đức chắc chắn sẽ khó chấp nhận làm điều này nếu đó là Trump".
Trên bục phát biểu hôm 1/8, giữa thành viên gia đình các tù nhân Mỹ được trao trả, Tổng thống Biden thừa nhận ông đã dựa vào các đồng nghiệp ở nước ngoài để giúp đạt được thỏa thuận lịch sử giúp khẳng định uy tín của ông trong những tháng cuối nhiệm kỳ.
"Thỏa thuận này trở thành hiện thực là một kỳ tích của ngoại giao và tình bạn", ông nói. "Tôi không thể nghĩ ra kết quả nào khác có hậu hơn".
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)