Một buổi chiều tháng 8, chiếc taxi rẽ vào một khách sạn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm người đàn ông nói tiếng Nga bước xuống xe và kéo theo những chiếc vali.
Các vali chứa đầy những thiết bị điện tử chuyên nghiệp để sử dụng trong trường học mà họ mua ở Áo. Chúng không phải món hàng độc lạ, nhưng được sản xuất bởi một thương hiệu phương Tây đã tẩy chay Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Tất nhiên đó là hàng lậu", Stanislav, người đã gặp nhóm người nói tiếng Nga ở khách sạn Istanbul, cho biết. Stanislav đưa họ đi ăn tối, trước khi họ bay về Moskva với các kiện hàng.
Stanislav là một trong số ngày càng nhiều người được gọi là chuyên gia xuất nhập khẩu của Nga. Họ tìm cách lách luật và đưa qua cửa hải quan các mặt hàng nằm trong danh sách lệnh trừng phạt của phương Tây. Stanislav thường sử dụng xe tải để tuồn những mặt hàng như vật liệu xây dựng và các thiết bị máy móc của ngành công nghiệp nặng ra khỏi châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau khi xung đột Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng của Nga, khiến nhiều công ty phải vật lộn tìm nguồn cung thay thế. Nga đang phải cố vận hành một nền kinh tế hiện đại mà không có khả năng nhập khẩu nhiều thành phần, nguyên liệu thô và công nghệ cao từ phương Tây.
Tác động của lệnh trừng phạt rất đáng kể. Dữ liệu từ các đối tác thương mại của Nga cho thấy nhập khẩu của quốc gia này đã giảm 20-25% kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu.
"Nếu nhìn vào ngành dược phẩm, sản xuất hóa chất, chế tạo máy, kim loại hay khai thác mỏ, thật khó tìm thấy một ngành công nghiệp của Nga không phụ thuộc vào nhập khẩu ít nhất 50%", Elina Ribakova, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế ở Mỹ, nói.
Đối với Stanislav, các lệnh trừng phạt đã mang tới cơ hội làm ăn. Trước đây, hàng hóa nước ngoài được nhập khẩu công khai vào Nga nên nhu cầu hàng hóa nhập lậu rất hạn chế. "Bây giờ tôi có thể nhập cái này, cái kia. Cơ hội đã mở ra", ông nói.
Stanislav chủ yếu mua hàng thông qua các công ty bình phong được thành lập ở châu Âu và không có mối liên hệ rõ ràng nào với Nga. Các sản phẩm sau đó được gửi bằng xe tải từ EU đến một trong những quốc gia có liên minh thuế quan với Nga, như Kazakhstan và Armenia.
"Bất kỳ thương hiệu nào đã rời khỏi Nga, từ máy hút bụi, quần áo, rượu, đều đang được nhập khẩu vào Nga", một công dân Nga ở châu Âu tham gia vào mạng lưới xuất nhập khẩu cho biết.
Nhưng quá trình này khá chắp vá. Gạch ốp tường là một ví dụ. "Lô hàng cuối cùng được giao vào tháng 6 và hiện chưa có cách nào để nhập thêm", người này cho hay, thêm rằng một số nhà xây dựng mới đủ gạch ốp nửa tòa nhà của họ. "Không ai biết sẽ phải làm gì với nửa còn lại".
Xuất khẩu từ Mỹ sang Nga trong tháng 5 đã giảm 85% so với cùng kỳ năm trước, theo Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác dự báo nhập khẩu của Nga trong năm nay giảm 1/4 so với năm trước. Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, Nga nhập khẩu ít hơn 4,5 tỷ USD mỗi tháng so với năm 2021, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Sản xuất ôtô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì thiếu hụt hàng nhập khẩu, với sản lượng giảm gần 80% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, theo cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat. Tình trạng thiếu linh kiện nhập khẩu khiến giới chức Nga hồi mùa hè nới lỏng một số yêu cầu an toàn đối với hệ thống chống bó cứng phanh và túi khí trên xe hơi.
Hiện chỉ còn 14 nhà sản xuất ôtô trên thị trường dành cho người Nga. Hầu hết đều là thương hiệu Trung Quốc, trừ ba hãng nội địa, trong đó có Lada.
Một tỷ phú Nga cho biết lợi nhuận với các mặt hàng nhập lậu cao tới mức xa xỉ phẩm sẽ luôn được đưa vào nước này, bất kể loạt lệnh trừng phạt chưa từng có. Tỷ phú này nói ông đã mua hai chiếc Maybach hồi mùa hè, sau khi không tìm được nguồn mua chiếc Mercedes yêu thích.
"Tình hình sẽ rất khó khăn trong hai, ba hoặc bốn năm tới. Nhưng sau đó, chúng tôi sẽ thích nghi", một tài phiệt khác của Nga chia sẻ. "Hãy nhìn Iran xem, họ tự làm mọi thứ. Họ có chuỗi cung ứng riêng và nếu không có phụ tùng thay thế, họ có thể tìm nó trên chợ đen. Họ có thể làm bất kỳ điều gì. Chúng tôi cũng đang học cách thích nghi và sẽ như vậy".
Cho đến nay, nền kinh tế Nga vẫn tránh được những kịch bản tồi tệ nhất, một phần nhờ doanh thu lớn từ năng lượng xuất khẩu, khi Nga tìm được các khách hàng thay thế châu Âu. Các nhà kinh tế dự đoán GDP Nga sẽ giảm 3,5-5,5% trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Nga sẽ đối mặt với suy thoái trong dài hạn, vì loạt biện pháp hạn chế nhập khẩu đã khiến các ngành kinh tế nước này khó nâng cấp công nghệ.
"Rất khó để xây dựng chuỗi cung ứng khi bạn hứng chịu những biện pháp trừng phạt toàn diện như vậy", nhà kinh tế Jacob Nell chia sẻ.
Stanislav đồng tình. Các lô hàng nhập lậu rất rủi ro và những quốc gia trung gian đang đưa ra quy tắc mới nhằm ngăn chặn tình trạng này. Đầu tháng 12, EU đề xuất đưa hành vi tránh né lệnh trừng phạt thành tội hình sự và Stanislav lập tức cảm nhận được tác động. Một chuyến hàng của ông đã bị mắc kẹt ở hải quan Kazakhstan.
"Tình hình càng ngày càng khó khăn hơn", ông nói.
Các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước Nga cũng đang tìm cách ứng phó tình trạng thiếu hụt nguồn nhập khẩu.
Vào tháng 7, Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm Bộ trưởng Thương mại giàu kinh nghiệm Denis Manturov làm Phó thủ tướng Nga với nhiệm vụ khôi phục chuỗi cung ứng. Manturov cam kết duy trì "chủ quyền công nghệ" và biến việc thay thế nguồn cung nhập khẩu trở thành "vấn đề an ninh quốc gia".
Cuộc khảo sát hồi tháng 4 chỉ ra 2/3 các công ty Nga gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng gián đoạn. Tới mùa hè, con số này giảm xuống 50%.
Chính phủ Nga tuyên bố họ đã thay thế thành công các mặt hàng nhập khẩu trong một số lĩnh vực. "Họ muốn chặn đội bay của chúng tôi để giành lấy bầu trời. Nhưng chúng tôi đã duy trì được những chiếc máy bay của mình và tăng cường công nghệ trong nước", Thủ tướng Mikhail Mishustin nói tháng trước, khi có nhiều thông tin cho rằng các hãng hàng không Nga gặp khó khăn về tìm nguồn cung phụ tùng thay thế.
Một cách mà chính phủ Nga can thiệp để hỗ trợ các nhà nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa công nghệ tiêu dùng, là hợp pháp hóa cái mà họ gọi là "nhập khẩu song song". Luật này cho phép nhập một loạt hàng hóa phương Tây dù không có sự đồng ý của các thương hiệu đó.
Chính phủ Nga ước tính khoảng 10 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu vào Nga theo cách này trong năm nay, trong đó có iPhone 14. "Nếu người tiêu dùng muốn mua những chiếc điện thoại này, bạn có thể làm như vậy", Phó thủ tướng Manturov nói hồi tháng 9.
Bên cạnh nhập khẩu song song, giới doanh nghiệp Nga lập tức tìm cách xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Ngay sau khi các gói trừng phạt đầu tiên được đưa ra, Grigory Bolotin, người đứng đầu nhà máy sản xuất máy móc Cheboksary, đã nhóm họp các cộng sự để thảo luận kế hoạch tương lai. Ông vẽ một bản đồ khổng lồ về nhà máy bên bờ sông Volga ở Moskva, chuyên sản xuất xe nâng, máy kéo và các máy móc hạng nặng khác, cũng như các chuỗi cung ứng mà nó đang phụ thuộc.
Nhóm nghiên cứu nhận ra một số lĩnh vực của họ đang quá phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây. Những dòng sản phẩm đó lập tức dừng sản xuất.
Trong các lĩnh vực sản xuất khác, họ tìm cách sáng tạo. Họ quyết định tự chế tạo vi mạch dùng trong máy kéo, thay vì nhập khẩu như trước. Họ mua các chất bán dẫn cơ bản và linh kiện chip điện tử từ châu Á và học cách sản xuất chúng. "Hóa ra, chúng khá đơn giản, nhưng lại mang đến kết quả tích cực", Bolotin nói.
Đối với các thành phần sản xuất quan trọng khác, họ tìm kiếm mặt hàng thay thế trong nước. Các động cơ Nhật Bản được sử dụng trong xe nâng của họ được thay bằng thiết bị sản xuất tại Minsk, thủ đô Belarus, đồng minh của Nga.
"Tất nhiên, động cơ của Minsk có tiếng ồn lớn hơn, đắt hơn và kém chất lượng hơn. Nhưng chúng có sẵn. Mọi người đã dần quen với nó", Bolotin nói.
Ông Bolotin thừa nhận những tác động lớn của việc hạn chế nhập khẩu, khi họ không thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng như trước. "Chúng tôi có thể sẽ không sản xuất được các sản phẩm có công nghệ tương tự như phương Tây", ông nói, nhưng thêm rằng giờ khách hàng Nga không còn quan tâm điều đó.
Thanh Tâm (Theo FT)