Ngày 18/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với người đàn ông 47 tuổi (quê Hải Phòng) do "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", theo khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Người này bị kết luận đã sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh 20 tuổi trong thang máy chung cư ở đường Lê Văn Lương vào tối 4/3.
Tháng 8/2018 ở Quảng Trị, một nam cán bộ 39 tuổi của huyện Triệu Phong cũng bị xử phạt 200.000 đồng do "xin hôn" và sờ soạng nữ đồng nghiệp trong phòng làm việc. Nạn nhân cố thoát khỏi phòng nhưng bị nam kế toán ghì lại vào ghế. Ít phút sau, nữ công chức thoát ra ngoài với áo quần xộc xệch, môi bị rách, có vết lằn ở cổ và vết xước trên tay.
Hai nữ nạn nhân nêu trên đều phản đối quyết định xử phạt của công an. Người phụ nữ ở Quảng Trị còn gửi đơn khiếu nại về việc công an không khởi tố vụ án. Nữ công chức cho rằng kết quả xác minh của công an chưa phản ánh đúng sự thật, chứa nhiều mâu thuẫn song bị công an bác bỏ. Dù chỉ bị xử phạt 200.000 đồng song nam công chức sau đó cũng bị UBND huyện Triệu Phong buộc thôi việc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng cần tăng mức phạt gấp nhiều lần với hành vi sàm sỡ phụ nữ. Nghị định 167/2013/NĐ-CP cần được chỉnh sửa, bổ sung với quy định nêu rõ thế nào là sàm sỡ hay quấy rối tình dục và đến mức nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, trong hai vụ việc nêu trên, nếu hành vi ép hôn, sàm sỡ khiến người phụ nữ bị sang chấn tâm lý, xấu hổ, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhà chức trách cần nghiêm khắc xử lý, có thể truy cứu người vi phạm về tội Làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt lên đến 5 năm tù.
Nếu thấy mức phạt chưa thỏa đáng, nạn nhân có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng bị xâm hại. Đây sẽ là vụ án dân sự và mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu thoả thuận bất thành, mức bồi thường do tòa án quyết định song tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng việc xử phạt hành chính mức 200.000 đồng nằm trong khung quy định song mức này còn "quá nhẹ". "Hành vi của hai người đàn ông trên rõ ràng là quấy rối tình dục song hiện nay lại không có quy định về tội danh này. Tất cả những hành vi sàm sỡ, quấy rối đều xử phạt chung chung theo điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP", luật sư nói.
Theo luật sư, việc gộp hành vi sàm sỡ vào xử phạt theo nghị định này lại "rất khập khiễng" bởi ở đây bao gồm từ việc xử phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy tới phòng chống bạo lực gia đình... Ông Tú đề xuất nhà chức trách sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể về tội danh sàm sỡ, quấy rối tình dục... và có những mức phạt thích đáng mới đủ sức răn đe.