Sáng 4/9, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột cho biết, đã lập hai chốt chính và bốn chốt phụ, cách ly y tế khoảng 200 hộ dân, với hơn 1.000 người ở thôn 7 từ 0h ngày 4/9 đến 0h ngày 11/9.
Chính quyền yêu cầu người dân dừng các hoạt động tập trung đông người, các trường học trong thôn cho học sinh nghỉ đến hết thời gian cách ly.
Theo Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, ngày 29/8, bé trai 3 tuổi người Ê đê ở thôn 7 bị sốt, hai hôm sau được gia đình đưa vào Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột điều trị. Ngày 2/9 bé được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Ngành y tế địa phương sau đó điều tra dịch tễ, lấy mẫu để xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, triển khai phun thuốc khử khuẩn khu vực thôn.
Cơ quan chức năng sẽ điều tra, lập danh sách tất cả người từ 49 tháng tuổi trở lên trên địa bàn xã Cư Êbur để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Tại trường Mầm non 1/6, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột - nơi ca bệnh đang theo học, ngành y tế đang xác định những trường hợp tiếp xúc gần để uống kháng sinh dự phòng. Toàn bộ trường sẽ được phun khử khuẩn.
Tại Đăk Lăk, dịch bạch hầu bùng phát đầu tiên tại huyện Lăk hồi tháng 7. Đến nay tỉnh này ghi nhận 41 ca bệnh ở 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố.
Từ đầu năm đến nay, Tây Nguyên ghi nhận hơn 150 ca dương tính bạch hầu, trong đó 3 ca tử vong. Gia Lai hôm qua xuất hiện thêm 3 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tỉnh này lên 38. Tỉnh Đăk Nông ghi nhận 39 ca, hơn một tháng qua không phát hiện ca nhiễm mới.
Trần Hóa