Đặng Trần Tùng, sinh năm 1993, ở Hà Nội, là người Việt Nam đầu tiên bốn lần đạt 9.0 IELTS tại cả hai hình thức thi trên giấy và máy tính. Anh sáng lập trung tâm tiếng Anh, là tác giả của một số cuốn sách dạy ôn thi IELTS. Từ kinh nghiệm thi IELTS gần 20 lần, anh Tùng đưa ra một số phương pháp giúp người học đạt điểm cao tại phần thi Reading (đọc-hiểu) của IELTS.
Hiểu câu hỏi
Để làm bài đọc - hiểu, đầu tiên bạn phải hiểu câu hỏi. Phép đo của việc này là bạn có thể rút gọn và ghi nhớ được câu hỏi đó hay không. Nếu không làm được, coi như bạn chưa hiểu. Khi nhớ được câu hỏi một cách ngắn gọn, bạn không cần lật đi lật lại bài đọc mà chỉ cần tập trung tìm dữ kiện trong bài.
Trường hợp vẫn muốn chắc chắn, bạn có thể ghi tóm tắt nội dung câu hỏi dựa trên việc đã rút gọn lên trang đằng trước, tức là mặt giấy được in bài đọc, để dễ nhìn khi tìm dữ kiện. Khi đó cả câu hỏi và bài đọc nằm trong cùng một trang, giảm thao tác và tiết kiệm thời gian lật giấy. Việc này cũng giúp bạn tập trung vào bài đọc hơn.
Nếu gặp từ vựng không hiểu, bạn nên để nguyên từ đó ở tiếng Anh và chuyển hết các từ xung quanh sang tiếng Việt. Sau đó, bạn cần đoán xem từ mới đó nên mang nghĩa nào để câu hợp lý nhất. Tuy nhiên, đoán nghĩa của từ không quan trọng bằng việc bạn có khả năng xác định từ đó cần thiết phải đoán hay không.
"Nếu không biết nghĩa từ này, mình có làm được tiếp không?", "Nội dung câu có phụ thuộc vào từ này không?", bạn cần tự trả lời được các câu hỏi này thì mới vượt qua được "cuộc chiến từ vựng" trong các bài đọc. Sở dĩ, mỗi bài có nhiều từ mới và rất khó, chính mình nhiều lúc cũng gặp khó khăn khi đoán nghĩa.
Đọc câu hỏi trước
Câu hỏi nhiều người ôn thi IELTS phân vân là nên đọc câu hỏi trước hay đọc toàn bộ bài trước. Mình thường dạy học viên kỹ năng của cả hai phương án này, nhưng để chọn một, mình khuyên nên đọc câu hỏi trước.
Khi đi thi IELTS, bạn sẽ không vận dụng cả bài đọc mà chỉ cần phần thông tin có liên quan đến câu hỏi, bởi chúng thường đi theo trình tự bài đọc, bao quát hết nội dung của từng đoạn và cả bài.
Việc này giống như trong thời gian ngắn, bạn phải đọc hết một số lượng sách được giao. Bạn cần biết đánh giá sơ bộ dựa trên mục lục, tên các chương chứ không thể đọc hết. Dựa vào danh sách câu hỏi, bạn sẽ biết phần nào cần và không cần đọc, hiểu yêu cầu cốt lỗi của từng bài.
Tuy nhiên, khi luyện đề ở nhà, sau khi hoàn thành bài bằng phương pháp đọc câu hỏi, bạn vẫn phải đọc lại toàn bộ bài đọc để học từ mới. Đó mới là cách học triệt để bởi bài đọc của IELTS mang tính học thuật cao, có giá trị chuyên môn và từ vựng có thể ứng dụng đa dạng. Mình vẫn thường áp dụng cách này để tích lũy từ mới.
Không cần gạch chân
Với mình, gạch chân chỉ là động tác thừa, trấn an não bộ rằng chúng ta đang đọc, tiếp tục đọc chứ không dừng lại. Việc này không tạo được kết quả gì đáng kể bởi để làm bài đọc, một là hiểu câu hỏi, sau đó tìm đúng thông tin của bài, so sánh giữa các đáp án để lựa chọn chính xác. Trong số đó, không thao tác nào cần gạch chân.
Nhiều bạn gạch để đánh dấu từ mới hoặc key word (từ khóa). Tuy nhiên, khi bạn hiểu câu hỏi và rút gọn được, thông tin và yêu cầu chính thông thường chỉ nằm trong 1-2 từ, bạn không cần gạch chân mà vẫn tìm được dữ kiện. Việc gạch chân quá nhiều có thể khiến bài đọc của bạn trở nên rối rắm và khó nhìn hơn ban đầu. Khi đã làm được hai bước phía trên, bạn không cần làm thao thác này, giúp tiết kiệm thời gian.
Hiện IELTS đã cho phép người học đăng ký thi trên máy tính. Nếu bạn lựa chọn hình thức này, các thao tác trên giấy không cần thiết nữa bởi màn hình để song song bài đọc và câu hỏi. Đối với mình, máy tính là hình thức thi thuận tiện hơn. Ngay cả khi chưa quen và cần ghi chép, bạn vẫn được phát một tờ nháp đi kèm. Để xem bản thân phù hợp với hình thức thi nào, bạn nên đăng ký thi thử để trải nghiệm cả hai, lựa chọn phương án phù hợp để tự tin đạt điểm cao nhất.
Thanh Hằng (ghi)