Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ, Tổng thư ký Hội Hô hấp TP HCM và Dược sĩ Đặng Hà Phương nhận nhiều câu hỏi của độc giả gửi về buổi Tư vấn trực tuyến cách xử trí ho khi viêm nhiễm đường hô hấp diễn ra lúc 14h30-16h30 ngày 20/9 trên VnExpress.
Theo chuyên gia, mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dị ứng tái phát. Đồng cũng là thời điểm bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nhiễm siêu vi hô hấp trên.
Để bảo vệ đường hô hấp của bé, tránh bị ho khi giao mùa, phụ huynh nên cho bé đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, tìm hiểu xem bé có dị ứng với phấn hoa hay không và tránh cho bé ra ngoài ở thời điểm phấn hoa phát tán mạnh.
Cha mẹ cũng nên chuẩn bị trước lúc giao mùa bằng cách tăng cường sức đề kháng cho bé thông qua thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, chích ngừa cúm.
Dưới đây là phần tư vấn của chuyên gia.
- Tôi hay bị ho, nhất là khi trời chuyển mùa, thời tiết lạnh. Nhờ bác sĩ cho tôi biết nguyên nhân, cách điều trị các cơn ho kéo dài. (Hương Nhàn, 32 tuổi, Huyện Hóc Môn)
- Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ, Tổng thư ký Hội Hô hấp TP HCM:
Chào bạn,
Nếu ho liên quan đến chuyển mùa, thời tiết lạnh thường do hen hoặc viêm mũi dị ứng. Nếu bị hen, bạn có biểu hiện như khò khè, nặng ngực, khó thở; còn viêm mũi dị ứng thì hay hắt hơi, ngứa mũi. Khi ho trên 8 tuần được xem là ho kéo dài. Ho kéo dài kèm thay đổi thời tiết cần nghĩ đến hen, viêm mũi dị ứng.
Ho kéo dài không liên quan đến thay đổi thời tiết, bạn cần kiểm tra lao, ung thư, ho do thuốc ức chế men chuyển, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bạn nên đến khám ở các cơ sở có chăm sóc hen và viêm mũi dị ứng để khám và điều trị các cơn ho kéo dài.
- Xin bác sĩ tư vấn giúp giữa ho khan và họ có đàm thì bệnh nào dễ điều trị hơn ạ? Người nhà em đều bị ho 2 dạng này, em thấy uống thuốc mãi mà không hết ho ạ (Nguyễn Đình Toàn, 35 tuổi, An Giang)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào bạn,
Ho khan thường có nguyên nhân từ đường hô hấp trên, vì vậy thường gặp nhất là do nhiễm siêu vi, thường sẽ hết sau 3 tuần khi được điều trị đúng cách
Ho có đàm thường liên quan đến viêm đường hô hấp dưới, có thể chậm hết hơn. Nếu ho trên 8 tuần được xem là ho kéo dài, khi đó bạn nên đưa người nhà đi khám tại cơ sở y tế để được chụp XQ, làm hô hấp ký... để có hướng điều trị. Khi đi khám, bạn cần mang theo hồ sơ y tế, kết quả xét nghiệm, đơn và các loại thuốc đang dùng để bác sĩ tham khảo thêm.
- Trẻ nhỏ thường bị ho kéo dài làm cách nào để phòng bệnh cho bé thưa bác sĩ? (Ngọc Mỹ, 48 tuổi, Long Thành, Tiền Giang)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào Mỹ,
Trẻ nhỏ thường bị ho tái đi tái lại nhiều lần mỗi khi bị nhiễm siêu vi hô hấp trên lây từ các bạn trong lớp. Để phòng bệnh, bạn nên cho bé chích ngừa cúm, chích ngừa đủ theo các chương trình tiêm chủng quốc gia. Bạn nên cho bé ăn uống đầy đủ các chất, nhất là các loại trái cây có chứa vitamin C như cam, quýt, bưởi... Bé nên vận động ngoài trời, không nên sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ quá chênh lệch với môi trường ngoài. Khi ra đường, bạn cho bé đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn và các nguồn lây lan. Bạn nên tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên.
- Bác tôi vừa mất bị ung thư phổi cách đây một năm. Tôi nghe nói ung thư phổi có tính di truyền dù tỷ lệ không cao. Dạo gần đây tôi bị ho kéo dài. Nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi cách phân biệt giữa ho thông thường và ho cảnh báo dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi. Xin cám ơn bác sĩ. (Hiền Thảo, 32 tuổi, Quận Bình Tân, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Trường hợp ho kéo dài trên người hút thuốc lá rất có thể là triệu chứng của bệnh ung thư. Bạn nên đi khám bác sĩ, tiến hành chụp XQ để xác định chính xác nguyên nhân gây ho. Ho do cảm, nhiễm siêu vi thường kéo dài hơn một tuần và sẽ dứt hẳn khi được điều trị.
Ho ra máu cũng là một dấu hiệu báo động bạn bị ung thư phổi. Ho kèm đau ngực, khó thở hoặc khò khè thường biểu hiện ở giai đoạn trễ của bệnh. Vì vậy, nếu bạn đã ho kéo dài thì dù có hút thuốc hay không, bạn cần đi kiểm tra sớm để loại trừ khả năng mắc bệnh.
- Chào bác sĩ. Em đang mang thai 7 tháng và vốn bị viêm mũi dị ứng, mỗi khi trở trời hay ngồi máy lạnh nhiều là em bị nhảy mũi, ngứa mắt, ngứa cổ họng và bị ho kéo dài, nhất là ban đêm ho càng nhiều, khiến em không ngủ được. Mỗi lúc như thế thì em có ngâm nước muối, xịt mũi, ăn tắc chưng mật ong, tần dày lá nhưng cũng chậm bớt và dẫn đến rất mệt mỏi. Nhờ bác sĩ tư vấn thêm giúp em có cách nào khác để hạn chế ho cho người mang thai không ạ? (Huỳnh Hạnh, 32 tuổi, Bình Tân - HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Nhảy mũi, ngứa mắt, ngứa cổ họng thường biểu hiện của viêm mũi dị ứng, tuy nhiên viêm mũi dị ứng ít khi ho kéo dài. Bạn cần kiểm tra về bệnh hen (hen cũng có triệu chứng ho vào ban đêm). Cả viêm mũi dị ứng lẫn hen đều có thể kiểm soát tốt với thuốc mà vẫn an toàn cho thai nhi. Mỗi người sẽ bị dị ứng với một số tác nhân, hoàn cảnh, bạn nên lưu ý tránh các điều kiện gây hắt hơi, ho như trời lạnh, ngồi dưới máy lạnh, tránh đi mưa... Bạn cần đi khám ở bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra cách điều trị thích hợp.
- Mặc dù tôi không uống lạnh, đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường, giữ vệ sinh răng miệng nhưng rất dễ viêm họng cấp. Vào mùa này hàng năm là bị rất nặng ho dữ dội, đờm và nghẹt mũi. Hiện tôi đang bị điều trị tại bệnh viện, bác sĩ cho uống thuốc và xông rửa mũi, thấy đỡ đau họng, ho cũng giảm nhưng mỗi lần ho là rất mệt và hôm nay tôi thấy trong đờm có chút máu, không biết có sao không? Bác sĩ cho tôi hỏi có thể điều trị dứt hoàn toàn không? Rất mong lời khuyên của bác sĩ. Xin cám ơn và chúc bác sĩ nhiều sức khỏe. (Phạm Thị Yến Vân, 53 tuổi, 993/3/19 Nguyễn kiệm , gò vấp , TP HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào chị,
Theo mô tả của chị, mỗi lần ho đều rất mệt, có đờm, chứng tỏ ngoài bệnh về đường hô hấp trên, chị còn mắc bệnh về đường hô hấp dưới. Vì vậy, chị uống thuốc và xông rửa mũi có thể không đủ mà đôi khi cần thêm các dạng thuốc hít, thuốc phun khí dung.
Chị ho ra máu là triệu chứng nặng hơn, có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm như lao, giãn phế quản, ung thư... nhưng cũng có khả năng do ho quá nhiều khiến tổn thương niêm mạc đường hô hấp, trầy xước.
Tùy vào nguyên nhân ho ra máu có thể được điều trị dứt hoàn toàn. Chị nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Hô hấp và Tai - mũi - họng để điều trị kịp thời.
- Biến chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có nguy hiểm không thưa bác sĩ? Con tôi đang nằm bệnh viện điều trị, bác sĩ bảo là bệnh có biến chứng. Ho ra máu có phải là một trong những biến chứng của bệnh không? Con tôi 2 ngày nay bắt đầu ho ra máu, mỗi ngày ho nhiều lần, ban đêm con trằn trọc khó ngủ hay quấy khóc. Con tôi năm nay 5 tuổi. Cảm ơn bác sĩ. (Tiến Thành, 51 tuổi, Đồng Nai)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào anh,
Bé 5 tuổi mà ho ra máu là có triệu chứng nặng, thường phải được khám và điều trị tại bệnh viện. Viêm phế quản, lao, viêm phổi, áp xe phổi... là những nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp. Một số bệnh lý tim mạch, rối loạn đông máu cũng có thể gây ra tình trạng ho ra máu mà không liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp. Bạn nên tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Chúc bé mau khỏi bệnh.
- Công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và hay bị những cơn ho kéo dài, thường là ho khan. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cách đề phòng. (Hùynh Hùng, 40 tuổi, Buôn Mê Thuộc)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào bạn,
Tôi cần biết thêm là bạn đã khởi phát ho khan trước hay sau khi làm công việc hiện tại. Nếu bạn bị ho trước khi làm công việc này, nguyên nhân ho có thể không liên quan đến hóa chất. Nếu ho xảy ra bắt đầu từ khi làm việc, bạn cần nghĩ đến những bệnh lý gây ra do tiếp xúc với hóa chất như viêm phế quản mạn, hen...
Bạn cần trang bị công cụ bảo hộ lao động do công ty quy định để hạn chế tối đa tiếp xúc với hóa chất. Trong trường hợp vẫn còn ho khan, bạn cần đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ho và có hướng điều trị kịp thời.
Trong trường hợp xác nhận các hóa chất là nguyên nhân gây ho, bạn cần thay đổi công tác để tránh bệnh diễn biến nặng hơn, dẫn đến những tổn thương phổi không hồi phục.
- Mẹ của tôi năm nay 72 tuổi. Bà không có bệnh gì nhiều nhưng sức khỏe ngày càng yếu đi. Mỗi khi trời vào mùa mưa là lại bị ho. Mỗi lần ho là kéo dài mấy tháng, có uống thuốc ở bệnh viện cũng không giảm. Bà bị ho khan nhiều hơn, ho làm són tiểu nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi cách trị ho cho bà. (Thanh Nhường, 36 tuổi, Huyện Bình Chánh)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào em,
Em cần nói rõ hơn các bệnh bà mắc vì một số bệnh có vẻ không liên quan như tăng huyết áp cũng có thể liên quan đến tình trạng ho của bà. Ho dẫn đến són tiểu thường có nghĩa là ho nặng, có thể kèm theo tình trạng sa sinh dục ở phụ nữ lớn tuổi. Bà hay ho vào mùa mưa cần xem xét các chẩn đoán như hen, hội chứng ho hô hấp trên, ho hậu nhiễm, viêm mũi dị ứng... Em nên đưa bà đến bác sĩ để khám sớm.
- Bé nhà tôi bị cảm sốt và chảy mũi, ho đàm. Tôi cho cháu uống thuốc cảm thì hạ sốt nhưng vẫn bị chảy mũi kéo dài có dùng Paxirasol được không ạ? (Na Hoàng, 35 tuổi, TP HCM)
- Dược sĩ Đặng Hà Phương:
Chào bạn,
Bé đã uống thuốc cảm và hạ sốt. Các loại thuốc chứa hoạt chất Bromhexin có thể sử dụng điều trị ho đàm, tuy nhiên bạn cần lưu ý độ tuổi của bé, có thể một số loại thuốc ho chứa hoạt chất này chỉ sử dụng cho bé từ 2 tuổi trở lên.
Bạn chưa nói rõ bé bao nhiêu tuổi và đã uống thuốc bao lâu nên chưa thể xác định được là có nên sử dụng Bromhexine hay không. Nếu bạn đã cho bé uống thuốc hơn 2 tuần mà vẫn chảy mũi kéo dài thì nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị. Để hiệu quả hơn trong việc điều trị, bạn nên giữ ấm cho bé, rửa mũi với nước muối sinh lý, giữ vệ sinh môi trường sống.
- Dạo gần đây tôi ho rất nhiều và thường xuyên, uống thuốc kháng sinh dài ngày nhưng vẫn không khỏi. Tôi có đến bệnh viện khám, chụp XQ và vẫn được cho thuốc điều trị nhưng uống liều nặng và cao hơn thì mới khỏi. Tôi không biết là tôi có bị kháng thuốc kháng sinh hay là do sức đề kháng tôi yếu nên bệnh ho kéo dài? Hay là do virus bệnh ho ngày càng nhiều và mạnh hơn? Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn. (Minh Tâm, 29 tuổi, Long An)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Kháng sinh là một phương tiện hiệu quả để điều trị nhiễm trùng chứ không phải thuốc trị ho. Vì vậy, kháng sinh chỉ giúp ích khi ho do nguyên nhân là nhiễm trùng.
Các nguyên nhân ho do nhiễm trùng thường kèm theo biểu hiện sốt. Khi đó, cần làm các xét nghiệm xác nhận tác nhân gây bệnh như tìm vi trùng lao hoặc vi trùng gây bệnh khác. Các xét nghiệm này cũng sẽ giúp phát hiện vi khuẩn kháng thuốc nếu có.
Ho nhiều, thường xuyên mặc dù đã khám và chụp XQ đòi hỏi bạn cần kiểm tra kỹ hơn với bác sĩ chuyên khoa và làm xét nghiệm máu, CT scan, hô hấp ký... để tìm ra nguyên nhân; bao gồm cả đánh giá tình trạng sức đề kháng của bạn.
Chích ngừa cúm hàng năm là một cách để tăng cường sức đề kháng tốt vì vắc xin cúm thường được cập nhật theo sự thay đổi của những chủng virus gây bệnh.
- Con của em hiện nay được 17 tháng, vừa rồi cháu ho rất nhiều, thở khò khè như có đờm và ho nhiều từ khuya đến rạng sáng. Cách đây hơn 2 tuần em có chở cháu đi khám bác sĩ ở ngoài và được chẩn đoán bị viêm phế quản dạng hen. Về uống thuốc, cháu vẫn còn ho nên em chở cháu vào khám ở Khoa nhi của bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp trên. Em mua thuốc uống theo đơn của bác sĩ nhưng hiện cháu vẫn còn ho. Xin tư vấn cho em cách chữa trị cho cháu. Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyên Thắng, 29 tuổi, TT Huế)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Chào em,
Bệnh viêm hô hấp trên ở trẻ em có thể thay đổi theo thời gian. Bạn nên đưa bé đi khám lại để điều trị phù hợp. Nếu cháu vẫn chưa hết ho xem chừng bé có thể bị viêm phế quản dạng hen tái phát. Trẻ dưới 3 tuổi mà khò khè nhiều lần cần nghĩ đến chẩn đoán hen. Đặc biệt, khi gia đình có nhiều người mắc hen hoặc dị ứng thì có thể di truyền cho bé.
- Làm sao để xử trí đờm trong miệng khi bị ho thưa bác sĩ? Đờm của tôi có lúc màu xanh, lúc chuyển màu vàng. Mỗi khi xuất hiện đờm nhiều là ho kéo dài khoảng một tháng hơn luôn bác sĩ ạ? (Thanh Nhu, 46 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Ở người lớn tuổi và trẻ con, đờm có thể gây nghẹt thở. Vì vậy, ở bất cứ đối tượng nào cũng nên nhổ hoặc khạc đàm ra ngoài, tránh nuốt hoặc để ứ đọng trong miệng. Bạn có thể dùng khăn giấy khi ho, khạc để giữ vệ sinh chung.
Đờm xanh, vàng kèm sốt là biểu hiện của nhiễm trùng, do đó, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định kháng sinh phù hợp. Đờm xanh, vàng không kèm sốt trong trường hợp viêm phế quản ở ngày 3-5 của bệnh ở bệnh nhân hen lại không liên quan đến nhiễm trùng. Trong những trường hợp này, bạn nên uống đủ nước kèm với thuốc loãng đàm có thể giúp ích, làm ngắn thời gian ho.
- Xin chào bác sĩ, cho em hỏi khi trẻ nhỏ bị viêm nhiễm đường hô hấp thì có cần phải ăn kiêng đồ tanh: cá, tôm, trứng và thịt gà không ạ? Xin cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Đức Hạnh, 36 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp cần có chế độ ăn phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung trái cây chứa vitamin C tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, bạn cần cho bé uống nhiều nước, sữa, dùng thức ăn loãng như cháo, súp sẽ giúp làm loãng chất tiết đường hô hấp, bé dễ ho khạc, mau khỏi bệnh hơn.
Các thực phẩm tanh như tôm, cá... nếu không gây dị ứng cho bé thì vẫn sử dụng được.
- Dược sĩ cho hỏi, tôi bị ho kéo dài, tôi được biết Paxirasol có điều trị ho nhưng chưa biết mua ở đâu? Khi mua, tôi có cần toa của bác sĩ không? (Trần Thị Hà, Tây Ninh)
- Dược sĩ Đặng Hà Phương:
Theo thông tư số 7/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc không kê đơn, thuốc bạn đề cập có chứa hoạt chất Bromhexine liều 8mg thuộc nhóm thuốc không kê toa. Bạn có thể mua tại các nhà thuốc mà không cần toa của bác sĩ. Bromhexine có tác dụng tiêu đàm, làm tăng hoạt tính của men thủy phân, làm giảm độ nhầy của đàm, giúp đàm dễ ra ngoài theo phản xạ ho, điều trị ho trong các bệnh lý viêm đường hô hấp cấp và mãn tính.
- Tôi thường ho nặng vào ban đêm, ho nhiều mỗi khi gắng sức mang vác vật nặng, đôi lúc còn kèm theo tức ngực, khó thở, mệt mỏi nữa. Nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi đang bị gì ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Kiều Ngọc Thanh, Quận 8, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Ho nặng ban đêm thường gặp nhất là hen hoặc suy tim. Nếu bạn ho mỗi khi gắng sức, kèm theo tức ngực, khó thở, mệt mỏi thì có khả năng bạn đang có vấn đề về tim mạch. Bạn nên đi thăm khám sớm để phát hiện các vấn đề tim mạch có thể mắc phải và kịp thời điều trị.
- Chào bác sĩ Vũ, em có bé trai năm nay 3 tuổi, bé thường xuyên bị viêm mũi họng khi trở trời và dẫn đến ho kéo dài. Mỗi lần như thế em dẫn bé đi khám bác sĩ và uống thuốc (có kháng sinh)... Nhờ bác sĩ tư vấn giúp có cách nào chữa ho mà không dùng kháng sinh không? (Lê Trang, 32 tuổi, HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Viêm mũi họng không phải luôn luôn do nhiễm trùng, vì vậy có thể điều trị mà không cần kháng sinh. Các thuốc ho không dùng kháng sinh như tan đàm, nhóm thuốc kháng histamin... có thể sử dụng.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể do siêu vi không cần dùng kháng sinh nhưng sau đó trở nặng nhiễm thêm vi khuẩn cần dùng kháng sinh. Sốt, mệt lã, lưỡi dơ, lừ đừ, đàm xanh... là những triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp. Cần theo dõi mỗi 2-3 ngày để phát hiện nhiễm trùng sớm và sử dụng kháng sinh sớm ngay khi có nhiễm trùng.
- Tôi bị viêm xoang khoảng 10 năm nay, có khi viêm xoang dẫn đến viêm hô hấp khiến tôi phải đi nằm bệnh viện. Mỗi khi trời lạnh, chuyển mùa là tôi lại sốt, ho kéo dài, sổ mũi..., có khi ho dai dẳng khoảng 2-3 tháng không hết. Lúc ho nhiều, tôi còn bị són tiểu. Bạn tôi có giới thiệu thuốc ho Paxirasol nhưng tôi không biết thuốc này hiệu quả như thế nào, khi uống có ảnh hưởng gì không? Tôi bị viêm xoang uống thuốc này có được không thưa bác sĩ? Bên cạnh uống thuốc, tôi có cách nào để giảm ho khi bị viêm xoang kéo dài không? (Kim My, 42 tuổi, số 19/8, đường 34, quận 2)
- Dược sĩ Đặng Hà Phương:
Bạn bị viêm xoang nghĩa là trong xoang đọng lại chất nhầy, không lưu chuyển ra ngoài được, làm nặng thêm tình trạng viêm trong các hốc xoang dẫn đến các triệu chứng đau đầu, ho, chảy mũi, nghẹt mũi.
Loại thuốc có chứa hoạt chất bromhexine thuộc nhóm thuốc tiêu đàm, làm giảm độ nhầy của đàm, giúp đàm dễ ra ngoài theo phản ứng ho, giúp xoang thông thoáng, hỗ trợ giảm viêm xoang.
Bên cạnh đó, bạn có thể rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý, tránh các yếu tố làm nặng thêm tình trạng viêm xoang như bụi bẩn, vi khuẩn, giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, ngậm mật ong, uống nhiều nước ấm... Bạn có thể ăn thêm các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi...
- Tôi có cháu trai hơn 4 tuổi và cháu gái gần hai tuổi. Hai cháu đều hay bị bệnh về mũi và họng. Biểu hiện ban đầu thường là chảy mũi, mũi chảy gây ra ho, nếu không điều trị ngay thì rất dễ bị sốt, viêm tai giữa. Vì vậy khi có triệu chứng bị chảy mũi là tôi phải điều trị cho cháu ngay, bác sĩ sẽ kết hợp rửa mũi và uống thuốc khoảng 1 tuần thì khỏi. Cháu lớn vừa đi nạo VA được mấy tháng và có thấy đỡ hơn trước, tuy nhiên vẫn bị. Vậy tôi muốn hỏi bác sĩ là rửa hút mũi nhiều như vậy có ảnh hưởng gì không ạ? Nếu không hút rửa thì rất lâu khỏi nhưng nhiều người lại bảo không được hút rửa nhiều ạ Tôi xin cảm ơn (Phan Ngọc Diệp, 32 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Các bé dễ bị chảy mũi có thể do viêm mũi dị ứng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp tái phát thường xuyên.
Trong trường hợp viêm mũi dị ứng, điều cần quan tâm là kiểm soát tình trạng bệnh bằng các thuốc ngừa. Bé sẽ không còn chảy mũi nữa và tránh phải rửa mũi thường xuyên không cần thiết.
Ngược lại, các bệnh lý nhiễm trùng có thể cần rửa mũi để dẫn lưu tốt nhiễm trùng. Rửa hút mũi đúng cách không gây ra biến chứng nhưng cũng không nên lạm dụng.
- Làm cách nào để bảo vệ đường hô hấp của bé, tránh bị ho khi giao mùa thưa bác sĩ Vũ? Cảm ơn bác sĩ. (Mai Nguyen, 32 tuổi, Quận 1, TP HCM)
- Bác sĩ Lê Thượng Vũ:
Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dị ứng tái phát. Đồng thời cũng là thời điểm bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nhiễm siêu vi hô hấp trên.
Để bảo vệ đường hô hấp của bé, tránh bị ho khi giao mùa, bạn nên cho bé đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh. Bạn cũng nên tìm hiểu xem bé có dị ứng với phấn hoa hay không và tránh cho bé ra ngoài ở thời điểm phấn hoa phát tán mạnh.
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị trước lúc giao mùa bằng cách tăng cường sức đề kháng cho bé thông qua thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, chích ngừa cúm.
- Con tôi 6 tuổi, đang bị sổ mũi, ho, tôi ra nhà thuốc mua thuốc trị ho, dược sĩ bán cho tôi thuốc Paxirasol để trị ho cho bé. Vậy cho tôi hỏi, thuốc này có hiệu quả không, có thể dùng cho trẻ nhỏ được không? Khi dùng tôi có cần lưu ý gì không? Tôi cảm ơn. (Lê Thị Bích Liên, 38 tuổi, Cà Mau)
- Dược sĩ Đặng Hà Phương:
Chào chị,
Hoạt chất Bromhexine có tác dụng điều trị trong các bệnh lý đường hô hấp trên ở người lớn và trẻ nhỏ. Bromhexine sử dụng được cho trẻ từ 2 tuổi trở lên nên con bạn 6 tuổi có thể dùng được. Bạn cho bé uống thuốc sau khi ăn, trong quá trình uống thuốc nên uống nhiều nước sẽ giúp cho tác dụng làm tiêu đàm của hoạt chất này dễ dàng hơn. Nếu sau 2 tuần mà triệu chứng ho không giảm, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán. Bên cạnh đó, bạn nên giữ ấm cơ thể cho bé, mặc áo dài tay, ăn uống đầy đủ các chất, nhất là tăng cường rau, củ, quả chứa vitamin C. Bạn nên cho bé tập thể dục để tăng cường sức đề kháng.
VnExpress