Một trong những phương pháp dạy con tích cực và đơn giản nhất là đặt mình vào vị trí, góc nhìn của trẻ. Khi đó, bạn sẽ thấy mọi chuyện đơn giản và bình tĩnh giải quyết vấn đề hơn. Trang Parent nêu một số tình huống và cách giải quyết hợp lý nếu như bạn đặt góc nhìn từ vị trí của trẻ.
Trẻ không chia sẻ đồ chơi với bạn bè
Chẳng hạn, đứa trẻ 3 tuổi sắp có buổi gặp gỡ với người bạn thân thiết và tỏ ra rất háo hức. Bạn nói về việc chia sẻ đồ chơi và nhận được sự đồng ý của trẻ. Tuy nhiên, bé bất ngờ đổi ý và từ chối việc chơi chung, chỉ giữ đồ cho riêng mình. Bạn tỏ ra bực bội vì cảm thấy trẻ không nghe lời.
Nếu nhìn từ góc độ của trẻ, có thể bé nhận ra mình không thích người ngoài chạm vào đồ chơi yêu thích và lo lắng bạn sẽ mang đồ của mình về nhà. Đôi khi, người bạn có thể làm gì đó khiến trẻ không muốn chơi chung nữa. Tiến sĩ Wendy Mogel, tác giả cuốn sách Voice Lessons for Parents, cho biết từ chối chia sẻ đồ chơi không có nghĩa trẻ ích kỷ hoặc không tử tế.
Wendy khuyên cho những đứa trẻ tham gia hoạt động khác. "Việc thay đổi khung cảnh sẽ khiến tâm trạng trẻ khôi phục khá nhanh, giúp quên đi chuyện không vừa ý", cô nói. Ngoài ra, bạn có thể gợi ý để hai đứa trẻ luân phiên nhau sử dụng đồ chơi và động viên sẽ không bị mất đồ chơi khi bạn ra về.
Trẻ nghịch ngợm tại nhà hàng
Giả sử, bạn đưa trẻ đến nhà hàng dùng bữa nhưng trẻ liên tục nghịch ngợm, không chịu ngồi yên trong lúc đợi thức ăn. Nếu không có món đúng yêu cầu, trẻ có thể tỏ thái độ, bỏ bữa hoặc la hét.
Bạn có thể vô cùng bực bội, thậm chí xấu hổ vì hành động này của trẻ ở nơi đông người. Tuy nhiên, khi ở nhà, trẻ không bị yêu cầu ngồi yên trong một thời gian nhất định trong bữa ăn. Ngoài ra, việc dùng bữa không đúng khẩu vị cũng sẽ gây cho bạn sự khó chịu, không riêng gì trẻ em. Trong nhiều trường hợp, ghế ngồi tại cửa hàng cũng khiến trẻ không thoải mái vì quá rộng và xa bàn ăn.
Trước khi xuất phát, bạn nên nói trước với trẻ về nhà hàng, gồm nơi sẽ ngồi, cách gọi món và mùi vị các món ăn. Bạn cũng có thể hỏi trẻ "Con muốn làm gì trong lúc đợi đồ ăn?" để cho trẻ lựa chọn và biết về những gì sắp diễn ra. Để trẻ không bị đói, bạn có thể mang thêm sữa hoặc đồ ăn nhẹ phù hợp với khẩu vị hoặc một vài đồ chơi không gây tiếng ồn và khiến nhà hàng trở nên bừa bãi.
Trẻ mè nheo tại cửa hàng tạp hóa, siêu thị
Tiến sĩ Wendy chia sẻ, khách hàng của cô kể trải nghiệm về lần đưa con trai 4 tuổi đi siêu thị. Đứa trẻ lấy hộp băng vệ sinh có vỏ ngoài bắt mắt và nhất định không chịu về nếu không được mua nó. Người mẹ rất bất lực về cách cư xử của con.
Tuy nhiên, từ góc độ đứa trẻ, chúng sẽ thấy khó hiểu khi chỉ bạn có thể lấy bất cứ món đồ nào mình muốn trong khi chúng không được chạm tay vào thứ gì. Ngoài ra, trẻ cũng không biết chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu và tại sao chúng không được uống sữa, ăn ngũ cốc đến tận khi về nhà.
Để giải quyết, bạn cần hướng dẫn trẻ trước khi ra khỏi nhà, tương tự việc đến nhà hàng. Nếu đến siêu thị không mất nhiều thời gian, hãy báo trước cho trẻ và rủ cùng chọn những món đồ cùng mua. Nếu mua sắm lâu, bạn cũng nên cho trẻ chọn trước món đồ mình yêu thích và mua cho trẻ đúng theo yêu cầu.
Trẻ sợ hãi điều gì đó
Mỗi đứa trẻ đều có những nỗi sợ riêng như bóng tối, chó mèo hoặc tưởng tượng có quái vật dưới gầm giường. Từ góc nhìn người lớn, bạn có thể thấy điều này thật buồn cười và trẻ thật vô lý khi sợ hãi.
Tuy nhiên, không chỉ trẻ em, người lớn cũng sẽ có nhiều nỗi sợ tương tự. Trẻ chưa đủ kiến thức khoa học để biết cái gì thật và không, do đó việc bạn cần giải thích cho trẻ trong thời gian dài. Bạn không nên gạt bỏ nỗi sợ của trẻ hoặc nói "điều đó thật nhảm nhí", khiến chúng cảm thấy phải giữ chặt hơn nỗi sợ của mình vì người lớn không hiểu được.
Thế giới của trẻ em đơn giản nhưng nếu không thực sự làm bạn và đặt mình vào vị trí của chúng, bạn sẽ không thể giải quyết những việc tưởng chừng đơn giản.
Thanh Hằng (Theo Parents)