Kể lại cao điểm giãn cách xã hội vào quý III vừa qua, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nói rằng đó là lúc mà hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long dứt gãy ở hai chiều. Một là đứt gãy ở từng địa phương, hàng hóa các tỉnh không luân chuyển với nhau và với TP HCM được. Hai là đứt dãy liên kết dọc của chuỗi cung ứng.
"Có thời điểm gạo ở An Giang rất dư nhưng lại không có bao bì để đóng gói. Đó chính là đứt gãy trục dọc trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Hoạt động logistics hoàn toàn bị tê liệt", ông Đức nói tại Diễn đàn Mekong Connect 2021 chiều 17/12.
Từ chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, cho đến hầu như người tiêu dùng nào ở TP HCM cũng đều cảm nhận được sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng với miền Tây trong thời điểm đó. Có thời điểm, nông dân nhìn cá trong ao, rau trên ruộng mà không thể thu hoạch vì vắng bóng thương lái. Trong khi đó, người nội trợ ở nhà trong thời gian giãn cách dõi theo giá thực phẩm leo thang vì khan hiếm.
"Khi đánh lại hệ thống cung ứng nông sản thì nhận ra nó đứt gãy ngoài suy nghĩ chúng ta", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND Đồng Tháp nhìn nhận tại phiên thảo luận về chuỗi cung ứng của Diễn đàn.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng quan hệ giữa TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long là quan hệ cộng sinh, hai chiều. Không chỉ vừa qua nông sản rớt giá do nông dân ế hàng vì không bán được đến thành phố, mà ngược lại hàng phi nông nghiệp của thành phố cũng khó về miền Tây. Chuỗi cung ứng lao động cũng như vậy.
"Khi 420.000 lao động hồi hương về các tỉnh miền Tây thì riêng An Giang có 120.000 người, nên gặp khủng hoảng không thể giải quyết đủ việc làm cho họ, trong khi TP HCM lại phải đi kiếm lao động. Vấn đề phải làm cho mối quan hệ cộng sinh này không bị đứt gãy trong bất kỳ tình huống nào", ông nói.
Quan điểm không thể để ra đứt gãy của ông Thư được đồng thuận cao của nhiều chuyên gia, nhà quản lý khi nhìn lại cao điểm dịch vừa qua, gây hậu quả không nhỏ về kinh tế cho 13 tỉnh miền Tây và TP HCM.
Nhưng làm thế nào để chuỗi cung ứng này bền vững được trong mọi hoàn cảnh? Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan, các sở của TP HCM như Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đứng ra chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các tỉnh để xây dưng các giải pháp liên kết, phục hồi phát triển, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động.
Ông Nguyễn Anh Đức góp ý rằng, để làm được trong liên kết địa phương, liên kết vùng thì các nhà quản lý nên đặt vào góc nhìn bao quát hơn, về sứ mệnh của vùng chứ không phải theo góc độ từng tỉnh. "Lúc này cần cởi mở bắt tay, ngần ngại nói ra khó khăn vì che bài riêng thì rất khó lòng phát triển. Những việc làm đó là không dễ", ông Đức nói.
Ngoài ra, theo ông Đức, để liên kết theo ngành dọc trong chuỗi cung ứng phát triển thì cần sự chú ý hỗ trợ hơn của các bộ ngành từ công thương đến nông nghiệp, cũng như sự tham gia tích cực của các hiệp hội. Ông Trần Anh Thư cũng nhấn mạnh vai trò của hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp.
"Lãnh đạo các nơi bắt tay với nhau là chưa đủ mà doanh nghiệp phải là chất xúc tác. Doanh nghiệp chủ động kết nối với nhau và nhà nước chúng tôi sẽ đi theo hỗ trợ cho quý vị", ông Thư nói.
Bên cạnh hợp tác điều hành vĩ mô, nhiều chuyên gia cho rằng miền Tây đang cấp thiết phát triển các chiến lược logistics cụ thể. Đầu tiên là ý tưởng một trung tâm phân phối hàng hóa hoặc cụm logistics. Ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần thêm nhiều kho lạnh hàng hoá, hoặc trung tâm sản xuất, trung tâm tích hợp logistics.
Ngay tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Anh Đức bày tỏ thiện chí tham gia vào ý tưởng này. "Cứ 2-3 tỉnh sẽ thành lập một trung tâm thu mua thì hoàn toàn phù hợp với Sài Gòn Co.op. Chúng tôi có đủ thực lực và trách nhiệm để thực hiện điều đó. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó", ông Đức nói.
Để các trung tâm hàng hóa, cụm logistics chế biến bảo quản có thể thực sự vận hành được, ông Steven Starmans, CEO Kim Delta cho rằng cần phải tính đến việc phát triển cơ sở hạ tầng.
"Xin nói thẳng là logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long rất tệ. Cải thiện hạ tầng cơ sở phải là ưu tiên hàng đầu nếu muốn xây dựng sàn giao dịch hàng hóa", ông lưu ý.
Ông Đỗ Hoà, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị cho rằng, hàng hóa của miền Tây không thể nào có lợi thế cạnh tranh về giá nếu không có chuỗi cung cấp tốt. Vì vậy, vùng này cần 2 chiến lược rõ ràng, bao gồm chiến lược kết nối với thế giới để xuất khẩu và chiến lược kết nối nội địa giữa vùng và TP HCM. Khi vạch ra chiến lược cụ thể riêng thì trên cơ sở đó, hàng hóa được thiết kế chuyên biệt, tối ưu cho từng chuỗi.
Theo ông, với hạ tầng giao thông của miền Tây thì phải thiết kế một chuỗi vận tải hàng hóa hợp lý, không thể đi tranh đường với vận tải hành khách như hiện tại. "Các nông sản cồng kềnh, giá trị thấp mà dùng đường bộ thì không cạnh tranh mà nó phải có giải pháp tính toán dùng các phương thức đường sông, sắt hay biển riêng", ông nói.
Viễn Thông