Khi Pita Limjaroenrat bước lên sân khấu cho sự kiện vận động tranh cử cuối cùng trước cuộc bầu cử ở Thái Lan cuối tuần trước, những tiếng reo hò bên dưới vang lên không ngớt. "Thời khắc của chúng ta đã đến", ông nói với đám đông ủng hộ, chủ yếu là thanh niên, giữa một sân vận động chật cứng người ở thủ đô Bangkok.
Đảng Move Forward do doanh nhân, chính trị gia 42 tuổi này lãnh đạo đã xây dựng được nền tảng ủng hộ lớn mạnh và trung thành trong giới trẻ Thái Lan, những người đã chán nản sau 8 năm nhiều biến động trong nền chính trị đất nước.
Tại sự kiện, Pita vui vẻ giao lưu với hàng dài sinh viên và thanh niên đang chờ để chụp ảnh cùng ông. Trên TikTok, người hâm mộ đua nhau đăng hình ảnh họ với một filter đặc biệt hiển thị khuôn mặt chính trị gia trẻ tuổi đang cười ẩn hiện trên nền.
Với sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi, Pita đang là ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng Thái Lan, sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Đảng của ông xếp ở vị trí thứ nhất với 152 ghế Hạ viện, tiếp theo là đảng Pheu Thai với 141 ghế. Pita đã tuyên bố lập liên minh với Pheu Thai và một số đảng nhỏ khác để nắm quyền.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông tuyên bố sẽ kiềm chế ảnh hưởng của giới quân sự, cam kết gây được tiếng vang với những người trẻ đã chứng kiến hai cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và 2014.
Ông cũng hứa sẽ phá bỏ các công ty độc quyền hùng mạnh đang thống trị nền kinh tế Thái Lan và cải cách luật khi quân mà theo đó, những người chỉ trích nhà vua cùng chế độ quân chủ có thể bị phạt tới 15 năm tù. Move Forward là đảng duy nhất đưa ra cam kết rõ ràng về cải cách luật, trong khi các đảng bảo thủ đều phản đối quyết liệt việc làm này.
"Làn gió thay đổi đã nổi lên", Pita nói tại cuộc mít tinh tối 12/5, sự kiện vận động cuối cùng trước cuộc bầu cử ngày 14/5. "Điều chúng ta cần tự hỏi một cách cẩn thận và chín chắn là xã hội Thái Lan đang xây dựng một bức tường hay một tua-bin gió?".
Năm 2020, hàng nghìn thanh niên Thái Lan xuống đường kêu gọi cải cách chính quyền quân sự và kiềm chế quyền lực cũng như chi tiêu của hoàng gia, một thể chế trước đây được coi là bất khả xâm phạm. Kể từ đó, hơn 240 người biểu tình đã bị buộc tội khi quân, trong đó có cả những người đang tranh cử với tư cách ứng viên đảng Move Forward.
Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho rằng các cam kết cải cách của Pita gây chấn động bởi chúng hướng đến thay đổi quân đội, nền kinh tế, chế độ tập trung quyền lực và cả chế độ quân chủ.
"Đó là lý do cuộc bầu cử này không giống như bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đó", Thitinan nói. "Đó cũng là lý do cuộc bầu cử này quan trọng, bởi nó thúc đẩy những thay đổi tiến sát tới cốt lõi các vấn đề mà Thái Lan đang đối mặt".
Pita sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Cha ông, Pongsak Limjaroenrat, là cố vấn Bộ Nông nghiệp Thái Lan, và chú ông, Padung Limcharoenrat, là phụ tá thân cận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, quãng thời gian du học ở New Zealand khi còn là một thiếu niên mới thực sự khơi dậy tình yêu của ông đối với chính trị.
"Tôi tới học tại ngôi trường xa xôi ở New Zealand và hồi đó, bạn chỉ có thể xem ba kênh. Hoặc xem phim truyền hình dài tập của Australia, hoặc chuyển qua các kênh về những cuộc tranh luận tại quốc hội", ông nói với chương trình Aim Hour trên YouTube của Thái Lan. Pita vừa làm bài tập về nhà vừa lắng nghe các bài phát biểu của thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ là Jim Bolger.
Ông sau đó quay về Thái Lan, tốt nghiệp Đại học Thammasat ở Bangkok, rồi theo học thạc sĩ về chính sách công tại Đại học Harvard và lấy bằng MBA tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Ông từng là giám đốc điều hành của ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn Grab Thái Lan, trước khi bước chân vào chính trường.
Ông từng nói với Guardian rằng trong một thập kỷ qua, Thái Lan đã trải qua nhiều sóng gió sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Ông cũng cảnh báo nền kinh tế Thái Lan đang "lao dốc không phanh".
Pita thu hút cử tri trẻ tuổi với phong cách tranh luận quyết liệt nhưng lịch thiệp và ông cũng xếp hạng cao trong cuộc thăm dò về người được công chúng Thái Lan ưa thích cho ghế thủ tướng.
Nhưng đảng Move Forward cũng đã tạo ra không ít đối thủ bằng cam kết rằng sẽ thúc đẩy nhiều thay đổi căn bản trong nền chính trị bảo thủ có thiên hướng ủng hộ quân đội và hoàng gia.
Đảng Pheu Thai cũng từng bày tỏ lo ngại rằng các chính sách của Move Forward, đặc biệt là những chính sách liên quan đến chế độ quân chủ, là quá táo bạo và nhạy cảm. Pheu Thai cũng mong muốn thay đổi luật khi quân, nhưng tỏ ra thận trọng khi nói rằng sẽ để quốc hội Thái Lan quyết định vấn đề này.
Future Forward, tiền thân của Move Forward, cũng từng quyết liệt thúc đẩy thay đổi nền chính trị Thái Lan, nhưng đã bị giải tán vào năm 2020, sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết đảng này vi phạm các quy định tài trợ trong cuộc bầu cử.
Những người ủng hộ Future Forward cho rằng phán quyết trên mang động cơ chính trị và đây được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy phong trào biểu tình của người trẻ năm 2020.
Pita cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người phản đối nỗ lực thúc đẩy cải cách của Move Forward. "Định nghĩa của thay đổi là một số được hưởng lợi, nhưng số khác sẽ chịu tổn thất. Điều quan trọng là 99% sẽ được hưởng lợi từ các chính sách của chúng tôi", ông quả quyết.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, CNN)