Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (HONECO) cho biết trong bối cảnh dich bệnh doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, thậm chí mở rộng thị trường, đơn hàng tăng đột biến. Bà Lê Thị Nga, Tổng giám đốc cho biết, vấn đề mấu chốt để tồn tại là tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tận dụng tốt các cơ chế, hỗ trợ của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Ong Tam Đảo đã xuất khẩu nhiều sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia chương trình "mỗi xã một sản phẩm", thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp mở rộng, đơn đặt hàng tăng lên.
Cũng theo bà Nga, trong bối cảnh đại dịch, nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội và chủ động thích ứng, linh hoạt tìm kiếm nguồn nguyên liệu, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thì vẫn phát triển tốt.
Tương tự Công ty TNHH Exedy Việt Nam, khu công nghiệp Khai Quang không chỉ duy trì việc làm ổn định cho người lao động mà doanh thu dự kiến tăng từ 5-10% so với năm 2020. Exedy là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản chuyên sản xuất các chi tiết động cơ, bộ ly hợp, hộp số xe máy cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy như: Honda Việt Nam, Suzuki, Yamaha.
Thời gian qua công ty linh hoạt trong điều hành, tổ chức sản xuất; yêu cầu 100% người lao động thực hiện tốt quy định 5K; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất; điều động bố trí lao động, thiết bị máy móc phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm sản xuất kinh doanh phù hợp, đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công ty thực hiện tốt việc chăm lo đời sống để giữ chân lao động.
Tính đến thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Exedy diễn ra suôn sẻ. Công ty đang tiếp tục tuyển dụng thêm lao động để kịp hoàn thành đơn hàng giao cho các đối tác dịp cuối năm. Theo lãnh đạo doanh nghiệp với đà ổn định dự kiến doanh thu sẽ đạt hơn 500 tỷ đồng trong năm nay.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện không có doanh nghiệp nào phải dừng sản xuất và không có lao động nào phải nghỉ việc do dịch bệnh. Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký trên 206 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 71,5% doanh nghiệp đang hoạt động. 9 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá, trong đó, ôtô các loại tăng xấp xỉ 11%; doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiên điện tử tăng 25,7%.
Ngành công nghiệp phát triển đã góp phần quan trong vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh, đưa GRDP tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với con số bình quân 1,42% của cả nước. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 15,17%, nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%, dịch vụ tăng 2,81%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.680 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sự phát triển ổn định của hàng nghìn doanh nghiệp ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh là minh chứng rõ nhất tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giúp Vĩnh Phúc vượt xa chỉ tiêu thu hút vốn FDI, DDI của năm 2021 ngay từ đầu quý III/2021, với 48 dự án mới, tổng vốn đầu tư đạt 992,48 triệu USD và 16,3 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng xấp xỉ 43% cùng kỳ.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong khó khăn chung, tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện mục tiêu kép, giúp người dân, doanh nghiệp dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch tốt vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Yên Chi