Theo báo cáo do không quân Iraq công bố hôm 23/4, vận tải cơ An-32 thực hiện tới 990 cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong 4 năm qua, nhiều hơn cả tiêm kích F-16IQ và chiến đấu cơ hạng nhẹ L-159 cộng lại, Drive đưa tin.
Hiện chưa rõ Iraq triển khai phi đội An-32 cho nhiệm vụ ném bom từ bao giờ, cũng như có bao nhiêu máy bay trong phi đội 6 chiếc có khả năng thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thống kê của không quân Iraq cho thấy vai trò chủ lực của những chiếc vận tải cơ mang bom trong cuộc chiến chống IS nhờ các biện pháp "độ chế" sáng tạo.
Khi IS hoành hành ở Iraq năm 2014, quân đội nước này thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng yểm trợ hỏa lực từ trên không, do các phi công và tiêm kích F-16 đầu tiên của không quân vẫn đang huấn luyện tại Mỹ.
Các máy bay cánh bằng có trong biên chế không quân Iraq lúc đó chỉ có cường kích Su-25 mua từ Nga và AC-208 Mỹ, buộc quân đội Iraq phải tính đến phương án hoán cải vận tải cơ An-32 thành máy bay ném bom để xoay chuyển cục diện chiến trường.
Chính phủ Iraq yêu cầu tập đoàn Antonov, nhà sản xuất máy bay An-32, hoán cải phi đội vận tải cơ thành máy bay ném bom trong thời gian ngắn nhất có thể. Các máy bay vận tải này được chế thêm 4 giá treo ngoài thân, mỗi chiếc mang được ít nhất một quả bom 250 kg. Đây là giải pháp từng được Liên Xô ứng dụng từ trước năm 1979.
Ngoài ra, một hệ thống giá đặc biệt được gắn trong khoang hàng, cho phép phi hành đoàn thả thêm 4 quả bom 250 kg ra khỏi đuôi máy bay. Hoa tiêu sẽ sử dụng cụm kính NKPB-7 để quan sát, tính toán điểm thả bom, tương tự phương pháp không kích thời Thế chiến II.
Những hình ảnh mới nhất cho thấy phi đội An-32 Iraq được lắp giá treo dài dọc hai bên thân, cho phép gắn hàng loạt bom 250 kg hoặc lớn hơn. Nhiều khả năng chúng cũng có thể vận hành các hệ thống cảm biến hiện đại, tăng tính linh hoạt cho nhiệm vụ. Một phần giá treo được trang bị cụm phóng mồi bẫy nhằm đối phó với tên lửa vác vai tầm nhiệt của phiến quân IS.
Giải pháp hoán cải vận tải cơ thành máy bay ném bom đã được áp dụng từ Thế chiến II, được coi là phương án rẻ tiền để nhanh chóng sở hữu số lượng lớn oanh tạc cơ. Không quân Ấn Độ từng cải tiến những chiếc An-32 cho nhiệm vụ ném bom từ năm 2013, Ukraine cũng biến nhiều chiếc An-26 thành oanh tạc cơ sau đó một năm.
Với sự yểm trợ hỏa lực hiệu quả của không quân, quân đội Iraq từng bước đẩy lùi IS ra khỏi các thành trì quan trọng. Nước này tuyên bố giải phóng hoàn toàn lãnh thổ khỏi sự chiếm đóng của IS từ năm ngoái.
Tử Quỳnh