Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố hôm 24/11, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Hai ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại.
Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người. Nhà virus học Lawrence Young, giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh, cho biết biến chủng này "rất đáng lo ngại" bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách của giới khoa học hiện nay là điều tra khả năng trốn tránh miễn dịch, giảm hiệu quả vaccine của Omicron đến đâu. "Chúng tôi nghiên cứu khả năng trên theo hai cách", Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tiến sĩ Francis Collins, cho biết.
Đầu tiên, các chuyên gia sẽ xem xét tình hình dịch bệnh thực tế bằng cách thu thập mẫu virus của bệnh nhân, giải trình tự gene xem họ có nhiễm biến chủng Omicron hay không. Sau đó, họ lấy mẫu máu từ tình nguyện viên đã tiêm chủng đầy đủ hoặc người đã khỏi Covid-19 gần đây, trộn chúng với mẫu biến chủng mới nhằm xem xét khả năng trốn tránh miễn dịch. Song phương pháp này khá tốn thời gian. "Chúng tôi không thể làm gì nhiều để đẩy nhanh quá trình đó", ông Collins nói.
Theo Trưởng nhóm Kỹ thuật Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, để nghiên cứu như trên, thế giới cần "tăng nguồn virus dự trữ", ước tính thời gian tìm ra đáp án mất từ hai đến 4 tuần.
Cách khác là chủ động nuôi cấy phiên bản "virus giả" (pseudovirus) trong phòng thí nghiệm nhằm quan sát cách tế bào miễn dịch và vaccine phản ứng trước protein của Omicron. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đề cập đến nó hôm 3/11.
Phương pháp này khá quen thuộc với giới khoa học. Virus giả được tạo ra bằng cách kết hợp protein trên bề mặt một loại virus (trong trường hợp này là protein gai của nCoV) với bộ gene lõi hoặc vật liệu di truyền của một virus bất hoạt khác. Gene lõi của virus giả thiếu những gene thiết yếu cho quá trình sao chép, tức là chúng không thể nhân lên và gây bệnh.
"Từ đó, chúng tôi hiểu được huyết tương dưỡng bệnh, kháng thể đơn dòng, huyết thanh và kháng thể từ vaccine còn đủ sức vô hiệu hóa virus hay không", ông Fauci giải thích. Nếu Omicron có khả năng trốn miễn dịch, nó sẽ không phản ứng trước các kháng thể do vaccine tạo nên.
"Nghiên cứu cung cấp cái nhìn tổng quan về khả năng né tránh miễn dịch của Omicron. Quá trình kéo dài hai tuần hoặc ít hơn, tùy thuộc mức độ phát triển của virus trong những chủng phân lập mà chúng tôi thu thập được", ông nói thêm.
Tiến sĩ Janet Woodcock, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết cơ quan đang làm việc với nhiều hãng dược để thử nghiệm các liệu pháp, thuốc uống và vaccine với biến chủng mới.
"Theo truyền thống, công việc thu thập thông tin di truyền, mẫu bệnh phẩm chứa các biến chủng và thực hiện xét nghiệm cần thiết để đánh giá tác động của chúng cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng hoàn thành trong hai tuần tới", bà Woodcock nói.
Thục Linh (Theo CNN)