Stu Smith, giám đốc một công ty xây dựng, vẫn nhớ lời đề nghị tăng lương được nói ra ngượng ngùng thế nào. Thời điểm ấy anh có 10 nhân viên và đã mời một người vào phòng mình. Các công việc phụ của người này đã ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chính. "Chỉ cần tăng gấp đôi lương, tôi sẽ nghỉ tất cả việc kia", người nhân viên nói.
Các chuyên gia cho biết yêu cầu tăng lương có thể khiến nhân viên bị tổn thương. Theo Daniel Pink, tác giả người Mỹ với những cuốn sách bán chạy về công việc và hành vi, sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải là trì hoãn cuộc trò chuyện vì nỗi lo bị sếp từ chối.
"Mọi người đánh giá thấp cơ hội được đồng ý, trong khi cường điệu hóa những hậu quả tiêu cực của việc chỉ hỏi đơn giản", Daniel nói.
Để có được sự tự tin khi bắt đầu cuộc trò chuyện này, Daniel đề nghị mời một người bạn cùng tập dượt theo cả ba tình huống "có", "tôi sẽ suy nghĩ" và "không". Đồng thời thực hành trả lời câu hỏi: "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?". Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra là sếp của bạn nổi cơn thịnh nộ, ít nhất bạn cũng biết đã đến lúc tìm một công việc mới.
Ông Pink cho biết sai lầm lớn thứ hai mà mọi người có xu hướng mắc phải là đứng trên lập trường của mình, thay vì lập trường của cấp trên hoặc người ra quyết định. "Hãy thực sự nỗ lực để hiểu suy nghĩ, cảm xúc của người đang đưa ra quyết định", ông nói.
Để làm điều này, đừng chỉ nói về những điều mình từng làm, hãy mô tả mình là người nhân viên dự định trở thành, Alexandria Brown, nhà tư vấn nhân sự và người sáng lập The HR Hacker ở San Diego, Mỹ cho biết. Cô khuyên hãy đến buổi trò chuyện không chỉ với danh sách những đóng góp của bạn mà cả kế hoạch bạn muốn thực hiện trong năm.
"Danh sách này giúp người quản lý dễ xem xét và có quyết định, tránh được một số căng thẳng khi họ phải gặp trưởng bộ phận hoặc giám đốc tài chính để nói về trường hợp của bạn", Brown khuyên.
Cô gợi ý nên tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp để tận dụng tối đa giao tiếp phi ngôn ngữ. Hãy luôn tự tin và tích cực, đồng thời duy trì cuộc trò chuyện về công việc chứ không phải cuộc sống cá nhân của bạn.
Nếu có lý do khiến bạn phải chờ đợi, hãy sử dụng các nguyên tắc của nhà khoa học hành vi Robert Cialdini, người Mỹ. Ông khuyến khích bạn hình dung thông điệp của mình như một hạt giống đang muốn gieo trồng. Nó có cơ hội phát triển tốt hơn nếu bạn xới đất trước. Đừng để đến lúc muốn đề nghị tăng lương mới làm việc này.
"Để đến lúc đó thì quá muộn. Bạn phải chuẩn bị từ sớm, để sếp nhìn thấy được năng lực và con người bạn", Cialdini nói.
Để sếp nhìn bạn theo hướng này, chuyên gia đề nghị bạn tập trung vào các nhiệm vụ theo nhóm, sẽ cho thấy đóng góp của bạn. Nếu sếp ghi nhận và cảm ơn bạn, đừng đáp "Không có gì", mà hãy nói "Tôi rất vui khi được làm công việc đó. Mong muốn được đóng góp là lý do đưa tôi đến đây".
"Cấp trên có xu hướng nói đồng ý với đề nghị tăng lương dễ hơn cho những người họ coi là đồng đội của mình", Cialdini nói.
Đồng thời chuyên gia khuyên bạn nên coi mình là nhân tố hiếm có, đội nhóm, tổ chức không thể thiếu được bạn. Nếu làm được vậy, đề nghị tăng lương sẽ dễ hơn nữa. Bạn nên tạo sự khác biệt cho mình, ví như trở thành nhân viên chăm chỉ, đi làm sớm, hoặc người bán hàng giỏi...
Khi bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán, Cialdini khuyên nên mở đầu bằng việc đánh giá cao cấp trên. "Anh biết đấy, tôi luôn coi anh là người công bằng. Tôi rất mong muốn được nói chuyện với anh". Cách nói này có thể thúc đẩy người quản lý công bằng, vì ai cũng có xu hướng nhất quán hình ảnh của mình trong mắt người khác.
Theo Jazmine Reed, một nhà tuyển dụng cấp cao và huấn luyện viên nghề nghiệp ở Texas, Mỹ, phụ nữ và những người hướng nội thường là những người ít có khả năng yêu cầu tăng lương nhất.
"Tôi nghĩ hầu hết người quản lý, không phải tất cả, nếu họ có thể vung đũa thần cho bạn nhiều lương hơn thì họ sẽ làm vậy", cô nói.
Jazmine từng có bài học quan trọng thời đang hưởng mức lương 40.000 USD một năm. Cô gặp người quản lý với ý định muốn tăng lên 45.000 USD, nhưng khi cô vừa định nói, cấp trên đã ngắt lời và tuyên bố chỉ có thể trả tối đa 55.000 USD. Khoảnh khắc đó dạy cô rằng việc xin thêm lương là hoàn toàn bình thường.
"Suy cho cùng, và đây là sự thật, sẽ không có ai trả lương quá cao cho bạn. Vì vậy, có khả năng nhiều người đang bị trả lương thấp", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Nytimes)