Ở nhà, cháu rất thích múa, hát, đọc thơ, thường biểu diễn cho mẹ xem. Cháu cũng rất ham xem các chương trình ca nhạc thiếu nhi, nhưng dù bố mẹ hay cô thuyết phục thế nào cũng không chịu tham gia đội văn nghệ. Cháu thuộc rất nhiều bài hát và điệu múa. Tôi cũng muốn con tham gia các hoạt động tập thể cho cháu bạo dạn, tự tin hơn. Tôi nên làm thế nào đây? (Phương Minh)
Trả lời
Chào bạn,
Trẻ ở nhà với bố mẹ thì hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng ra ngoài lại thu mình không dám thể hiện gì là băn khoăn của khá nhiều gia đình. Nguyên nhân của vấn đề này là do kỹ năng hòa đồng, thích nghi với môi trường mới của trẻ chưa tốt nên trẻ cảm thấy không tự tin, không an toàn khi phải làm điều gì đó một mình mà thiếu người thân bên cạnh.
Với trường hợp bé nhà bạn, cháu ngoan và nhận thức tốt là nền tảng thuận lợi để trau dồi các kỹ năng khác. Chỉ cần cố gắng vượt qua rào cản tâm lý e ngại lần đầu tiên thì trẻ sẽ nhanh chóng tiến bộ trong những lần tiếp theo. Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau để giúp con bạo dạn, tự tin hơn:
- Bạn hãy trò chuyện, tâm sự để hiểu cảm giác của trẻ, biết rõ lý do tại sao trẻ cảm thấy xấu hổ, từ đó có cách giải thích phù hợp cho con gỡ được các trở ngại tâm lý. Bạn có thể tỏ ra đồng cảm với trẻ bằng cách kể lại những tình huống từng khiến bạn cũng cảm thấy bối rối, đồng thời không quên chỉ ra những ưu điểm và nhấn mạnh sự tin tưởng vào khả năng làm tốt mọi việc của trẻ để trẻ tự tin hơn vào bản thân.
- Không nên tạo áp lực bắt trẻ phải thể hiện bản thân trước một nhóm đông người lạ mà trẻ không muốn vì điều này sẽ dẫn đến hành vi chống đối. Trước hết, hãy để cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc thể hiện mình trong phạm vi nhỏ mà trẻ cảm thấy thoải mái sau đó mới dần dần tăng phạm vi số lượng.
- Gia đình hãy quan tâm khen ngợi khi trẻ đạt được những thành công hay tiến bộ nhỏ.
- Để trẻ làm quen với việc thể hiện trước đám đông từ những chuyện nhỏ nhất hàng ngày như: gọi món khi đi ăn ngoài, nói chuyện điện thoại hay khuyến khích trẻ phát biểu bài trên lớp, và có thể nhờ sự trợ giúp của giáo viên một vài lần đầu khi trẻ trả lời xong dù đúng sai cũng hãy khích lệ tinh thần trẻ.
- Gia đình có thể tạo điều kiện cho trẻ giao lưu với môi trường xung quanh nhiều hơn, cho trẻ đi cùng bố mẹ đến nơi đông người và để trẻ tự kết bạn, tự giao tiếp, giảm tối đa sự chú ý tới trẻ khi ở nơi tập thể. Gia đình không nên bao bọc quá mức khiến trẻ càng thêm nhút nhát vì trẻ quen được nâng đỡ, làm thay sẽ dẫn đến thiếu niềm tin vào bản thân, lo lắng khi phải tự đưa ra quyết định của mình.
- Cho trẻ tham gia các lớp ngoại khóa như múa, hát, vẽ, đàn, kỹ năng sống... cũng là môi trường tốt để trẻ phải thể hiện mình nhiều hơn.
Chúc bạn thành công!
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thế Anh
Trường mầm non Hoàng Gia