1. Tôn trọng trẻ
Bạn không chỉ chấp nhận bé như con người vốn có của bé mà bạn còn cần phải tin tưởng và tôn trọng con. Miễn là được ở trong môi trường phù hợp với mình, những đứa trẻ hướng nội vẫn cón thể trở thành một người bạn đồng hành tốt, chu đáo, biết quan tâm và rất thú vị.
2. Dù chậm nhưng vẫn phải đi
Nếu bé ngần ngại không muốn thử những thứ mới hay gặp những người mới, hãy tạo điều kiện cho bé làm quen dần dần. Đừng để bé đứng ngoài cuộc, nhưng hãy tôn trọng giới hạn của bé, ngay cả khi bé có vẻ cực đoan. Bạn hãy cùng bé từng bước tham gia những hoạt động mà bé sợ sệt. Khi bé gặp những vấn đề ngoài xã hội, hãy nói cho bé biết bạn luôn đánh giá cao những nỗ lực của bé: “Hôm qua mẹ thấy con chơi cùng với mấy người bạn mới, mẹ biết là rất khó khăn với con. Nhưng con đã làm được và mẹ rất tự hào về con”. Khi bé không thoải mái với những điều mà bé từng nghĩ là bé không thích hoặc cảm thấy sợ, hãy phân tích cho bé hiểu là điều đó vẫn rất tuyệt vời và không đáng sợ. Cuối cùng, bé sẽ học được cách điều chỉnh cảm xúc và sự lo lắng của mình.
3. Tránh dán nhãn
Nếu con của bạn là đứa trẻ nhút nhát, đừng bao giờ để bé nghe thấy lời nhận xét rằng “bé nhút nhát lắm” từ miệng bạn. Khi đó, bé sẽ coi sự căng thẳng, lo lắng như là một đặc tính cố hữu của mình chứ không phải là một cảm xúc mà bé có thể học được cách điều khiển. Bé cũng đủ biết rằng nhút nhát là tính cách bị chê trách trong xã hội của chúng ta. Khi có người khác nói bé là nhút nhát trước mặt bé (hoặc là họ sẽ định nói thế) bạn hãy nhẹ nhàng nói những câu kiểu như: “Con bé thích dành thời gian để khám phá xung quanh”.
4. Đừng áp đặt bé
Nếu bạn là một người sống nội tâm, đừng hướng lịch sử của bạn vào con bạn. Sự hướng nội của bạn có thể từng khiến bạn phải chịu nhiều uất ức thời còn trẻ. Tuy nhiên, đừng suy diễn rằng điều đó cũng sẽ xảy ra với con cái bạn, hoặc cho rằng bé sẽ không thể xử lý các vấn đề khó khăn của mình. Bé có thể giải quyết mọi việc và bé vẫn có thể phát triển. Điều tốt nhất bạn có thể làm cho bé là hãy để cho bé vui vẻ với phẩm chất tích cực của mình, tin tưởng rằng những phẩm chất ấy có thể giúp bé tiến bộ và dạy cho bé các kỹ năng để đối phó với các thách thức bên ngoài.
5. Hãy tưới nước cho cây phong lan của bạn
Nếu con của bạn là một đứa trẻ rất nhạy cảm - nhạy cảm với cả ánh sáng, âm thanh, các trải nghiệm cảm xúc hay các tình huống mới, bé có thể chính là một “đứa trẻ phong lan”. Theo các nghiên cứu, đa số trẻ em giống như hoa bồ công anh, nghĩa là chúng đều có khả năng phát triển trong bất kỳ môi trường nào, nhưng cũng có những bé giống như phong lan, có thể bị héo dễ dàng. Tuy nhiên, nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường phù hợp, phong lan sẽ phát triển mạnh hơn cả bồ công anh. Nếu được nuôi dưỡng tốt, trẻ phong lan sẽ là những đứa trẻ khỏe mạnh, học tập tốt và có những mối quan hệ lành mạnh.
6. Nuôi dưỡng niềm đam mê.
Trẻ sống nội tâm thường có khả năng lớn để theo đuổi một đam mê nào đó. Bạn hãy chú ý đến những niềm đam mê của bé và nuôi dưỡng chúng. Gắn bó với một hoạt động nào đó chính là con đường dẫn bé đến hạnh phúc. Khi tài năng của bé được phát triển và công nhận, bé sẽ tự tin hơn rất nhiều. Các hoạt động truyền thống cho trẻ nhỏ như đá bóng, chơi piano có thể tốt cho một số đứa trẻ nhưng bạn cũng không nên bỏ qua một số hoạt động khác. Có thể bé phù hợp với những việc viết lách, sáng tạo. Vì thế, bạn hãy đi theo những gì bé mong muốn.
Kim Kim (theo Working Mother)