Sau nhiều lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 31/1 tuyên bố nước này không muốn cuộc chiến thuế quan với Mỹ, song "nếu ông ấy quyết làm, chúng tôi cũng sẽ hành động".
Dù vậy, lời răn đe này không ngăn được ông Trump một ngày sau đó thông báo áp thuế 25% với hàng nhập khẩu từ Canada, trừ mặt hàng năng lượng chịu mức thuế 10%.
Thuế quan được xem là một phần chính trong tầm nhìn kinh tế của ông Trump. Tổng thống Mỹ coi đây là cách để phát triển nền kinh tế trong nước, bảo vệ việc làm cho người dân và tăng doanh thu thuế, nên ông sẵn sàng tung đòn thuế với cả đồng minh thân cận như Canada.
Các nhà kinh tế nhận định động thái của Mỹ có thể lập tức tác động tiêu cực đến nền kinh tế Canada, nhưng cũng khiến giá cả ở Mỹ gia tăng.
"Tôi không thể phủ nhận rằng chúng ta có thể phải đối mặt những thời điểm khó khăn trong thời gian tới", ông Trudeau nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
![Ông Trump (trái) và ông Trudeau tại Anh năm 2019. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/04/2019-12-04T000000Z-870616314-R-9793-4440-1738654395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Dvd54-9u5fC_Rls1Lb9Tgg)
Ông Trump (trái) và ông Trudeau tại Anh năm 2019. Ảnh: Reuters
Canada đang cố tránh cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ và những nỗ lực thuyết phục ông Trump dường như có kết quả. Ông Trudeau ngày 3/2 thông báo Mỹ hoãn áp thuế nhập khẩu với nước này thêm một tháng.
Chính phủ nước này trước đó cam kết chi hơn một tỷ CAD (khoảng 690 triệu USD) để tăng cường an ninh biên giới chung với Mỹ, khi chính quyền ông Trump muốn Ottawa ngăn chặn dòng chảy ma túy fentanyl buôn lậu vào Mỹ.
Tuy nhiên, nếu hai nước không thể tiến tới thỏa thuận ngừng cuộc chiến thuế quan sau một tháng, giới quan sát cho rằng ông Trudeau sẽ có những lựa chọn tiềm năng khác để đối đầu với Mỹ.
Đầu tiên là tung đòn thuế đáp trả đối với một số hàng hóa của Mỹ, như cách Canada đã làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Tổng thống Mỹ từng áp thuế 10% đối với các sản phẩm nhôm và 25% với mặt hàng thép của Canada, viện dẫn lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Ottawa đã đáp trả bằng cách áp thuế với một số hàng hóa Mỹ gồm nước cam Florida, rượu whisky và rượu bourbon từ Tennessee và Kentucky. Kentucky là quê hương của lãnh đạo thượng viện Mỹ thời điểm đó Mitch McConnell. Hai nước cuối cùng nhất trí dỡ bỏ thuế quan một năm sau đó.
Các quan chức cấp cao của Canada gần đây nói rằng nếu ông Trump áp thuế lần nữa, nước này sẽ có phản ứng ngay lập tức.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, 17% hàng xuất khẩu của Mỹ là tới Canada, trong khi 75% hàng xuất khẩu của Canada sang Mỹ.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Canada đạt 923 tỷ USD, trong đó Mỹ xuất khẩu 441 tỷ USD, nhập khẩu 482 tỷ USD. Nếu cuộc chiến áp thuế diễn ra, kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 467 tỷ USD (bằng 1,6% GDP) và nền kinh tế Canada khoảng 78 tỷ CAD (bằng 2,6% GDP), theo Phòng Thương mại Canada.
Đòn thuế sẽ khiến hai bên tổn thất, nhưng giới quan sát nhận định Canada sẽ phải chịu đòn giáng kinh tế lớn hơn. Sự mất cân bằng rõ rệt giữa hai nước là lý do khiến đánh thuế có chọn lọc là lựa chọn hàng đầu và an toàn nhất đối với Canada, theo Peter Clark, luật sư từng phụ trách các vấn đề về chính sách thương mại trong Bộ Tài chính Canada.
Bằng cách nhắm mục tiêu một số mặt hàng nhất định, Canada có thể đáp trả Mỹ mà không gây tác động quá lớn đối với người dân trong nước, khi thuế quan luôn khiến giá cả leo thang. Cách tiếp cận này cũng là lý do khiến giới chức quốc gia Bắc Mỹ thúc đẩy chiến dịch "mua hàng Canada" như giải pháp nhằm giảm bớt tác động từ nguy cơ đáp trả của Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý ông Trump có thể chịu rất ít tổn hại về mặt chính trị trong cuộc đối đầu lần này, khi ông không thể tranh cử nhiệm kỳ 3 vào Nhà Trắng do quy định của Hiến pháp.
"Bạn sẽ không thể tạo ra tác động như lần trước", Julian Karaguesian, giảng viên kinh tế tại Đại học McGill ở Montreal và từng là cố vấn tài chính tại đại sứ quán Canada ở Mỹ, nói.
Một lựa chọn khác mà Canada có thể sử dụng để đối phó với đòn áp thuế từ ông Trump là thuế quan "đôla với đôla". Đây cũng là cách là Ottawa từng sử dụng trong cuộc chiến thuế quan trước đây.
Với cách tiếp cận này, Canada đã áp thuế với nhôm và thép của Mỹ, đảm bảo tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị đánh thuế bằng những gì Washington áp lên hàng xuất khẩu của Ottawa. Con số này lên tới hơn 11 tỷ USD vào thời điểm đó.
Lần này, khả năng áp thuế quan theo giá trị đôla có thể lớn hơn nhiều. Phạm vi thuế quan của ông Trump càng rộng, Canada càng có nhiều lựa chọn mặt hàng để đánh thuế đáp trả.
![Khu khai thác dầu gần thành phố Calgary, Canada hồi tháng 9/2023. Ảnh: Canadian Press](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/04/5789ea00c667fb9b2543c125d24bc9-2762-3514-1738654395.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rTAwlw8TqJ20oCm6mlT8JQ)
Khu khai thác dầu gần thành phố Calgary, Canada hồi tháng 9/2023. Ảnh: Canadian Press
Tuy nhiên, không phải tất cả người Canada đều đồng tình với cách tiếp cận này. Scott Moe, lãnh đạo tỉnh bang Saskatchewan giàu khoáng sản, đã nói rằng đánh thuế hàng hóa Mỹ với quy mô lớn sẽ "tàn phá" Canada.
Ông Karaguesian lập luận thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Canada có thể đẩy đất nước vào suy thoái. Và nếu Canada đáp trả bằng đòn thuế tương ứng, đất nước có thể đối mặt với lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng và giá cả leo thang.
Luật sư Clark cho rằng dù Canada lựa chọn cách nào, chính trị vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Canada ủng hộ động thái trả đũa thuế quan, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp muốn đánh thuế có mục tiêu hoặc giá trị tương đương với đòn thuế từ Mỹ.
Các chính trị gia Canada có thể phản ứng quyết liệt hơn trong cuộc chiến nếu điều đó giúp thúc đẩy ủng hộ của cử tri, theo Clark. "Chúng ta đang nói về các quyết định mang tính chính trị, dù chúng không phải lúc nào cũng hợp lý", ông nói.
Một trong lựa chọn đáng giá nhất trong kho vũ khí đáp trả của Canada là năng lượng. Các bang đông bắc Mỹ như Vermont, New York và Maine phần lớn dựa vào nguồn điện do các tỉnh bang lân cận của Canada cung cấp. British Columbia và Manitoba cũng cung cấp năng lượng cho các khu vực trung tây và phía tây nước Mỹ.
Khoảng 30 bang của Mỹ nhận nguồn cung điện từ Canada, theo dữ liệu chính phủ.
Canada cũng là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Mỹ, chiếm 60% tổng lượng dầu nhập khẩu, theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ. Doug Ford, thủ hiến Ontario, đề xuất Canada nên cắt nguồn cung năng lượng để gây sức ép với người Mỹ.
Tổng thống Trump ngày 31/1 nói rằng sẽ áp thuế thấp hơn với dầu nhập từ Canada, song Ottawa vẫn có thể lựa chọn hạn chế nguồn cung năng lượng để gây tổn hại cho Washington.
"Điều duy nhất có thể thực sự gây đau đớn trong ngắn hạn là giá năng lượng tăng, bởi bản thân ông Trump đã vận động tranh cử với cam kết rằng khiến giá năng lượng giảm nhanh", Karaguesian nói.
Tuy nhiên, động thái này sẽ gây tranh cãi, đặc biệt là với tỉnh bang giàu dầu mỏ như Alberta. Họ đã từ chối đánh thuế với dầu và khí đốt, cho rằng cách tiếp cận này sẽ gây tổn hại nền kinh tế địa phương.
![Giá trị xuất khẩu năm 2023 của Canada sang các bang Mỹ (tính theo đôla Canada). Đồ họa: BBC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/04/Untitled-1738653649-5103-1738654396.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ppdVSer_1Hu2ZAOLxl7oYA)
Giá trị xuất khẩu năm 2023 của Canada sang các bang Mỹ (tính theo đôla Canada). Đồ họa: BBC
Ngoài ra, Canada còn có một số lựa chọn khác. Chính phủ của ông Trudeau có thể để các thủ hiến tự quyết định đòn trả đũa. Thủ hiến Ford nói rằng Ontario có thể đáp trả bằng cách loại tất cả những mặt hàng rượu do Mỹ sản xuất ra khỏi kệ hàng.
Canada cũng có thể lựa chọn không trả đũa và tìm cách tháo gỡ vấn đề giữa hai nước bằng con đường ngoại giao. Ngoại trưởng Melanie Joly trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tuần trước đã truyền tải thông điệp rằng thuế quan sẽ không tốt cho cả hai nước và Ottawa đang giải quyết những lo ngại của Mỹ về an ninh biên giới và vấn nạn buôn lậu fentanyl.
Thủ hiến Alberta Danielle Smith trong bài đăng trên mạng xã hội gần đây cho biết tỉnh bang của bà sẽ "làm mọi thứ trong khả năng" để thuyết phục Tổng thống và quốc hội Mỹ, cũng như người dân nước này để đảo ngược cuộc chiến thuế quan.
Tỉnh bang Alberta kêu gọi chính phủ bổ nhiệm "trùm biên giới Canada" nhằm lãnh đạo nỗ lực bảo vệ biên giới chung giữa hai nước, chống người di cư bất hợp pháp và băng nhóm buôn lậu ma túy di chuyển theo cả hai hướng, theo bà Smith.
Lãnh đạo Alberta luôn phản đối việc Canada sử dụng thuế quan hoặc biện pháp trừng phạt khác đối với dầu mỏ để gây sức ép lên Mỹ. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa bà và các lãnh đạo tỉnh bang khác như Thủ hiến Ontario Doug Ford.
Canada đã báo hiệu có thể triển khai chương trình cứu trợ cho các doanh nghiệp bị tổn hại vì đòn thuế quan, tương tự biện pháp từng đưa ra trong đại dịch Covid-19.
Một số khác lập luận Canada nên tập trung đa dạng hóa mối quan hệ thương mại trên toàn cầu và tăng cường sản xuất trong nước.
"Chúng ta là siêu cường về tài nguyên thiên nhiên", Karaguesia nói, thêm rằng nước này có thể sử dụng thuế quan như cú hích để khai thác tiềm năng đó, cũng như xuất khẩu sản phẩm đi các nước khác.
Canada sở hữu nguồn tài nguyên giàu có gồm dầu mỏ, kali, uranium và các khoáng sản quan trọng khác, với trị giá lên tới 1,1 nghìn tỷ USD.
"Chúng ta cần tìm những thứ có thể khiến Mỹ chịu tổn thất và nhắm mục tiêu vào những thứ chúng ta có mà Mỹ cần. Đây là cách làm đúng đắn", Kevin Milligan, giáo sư kinh tế tại Đại học British Columbia, nói.
Thùy Lâm (Theo BBC, The Globe and Mail, CBC)