Tầm nhìn 'giao thông đi trước mở đường'
Nhờ vị trí là điểm kết nối, từ những năm 1990, với quan điểm "giao thông đi trước mở đường", Bình Dương đã chủ động đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 thành trục xương sống kết nối với TP HCM nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Nhờ đó, hàng loạt khu công nghiệp được hình thành như Sóng Thần 1, Vsip, Việt Hương, Mỹ Phước... được đầu tư, đưa hàng hóa đến gần với các cảng tại TP HCM. Đến nay Bình Dương có 30 khu công nghiệp (diện tích trên 12.600 ha), 12 cụm công nghiệp (gần 800 ha). Với lợi thế kết nối liên kết vùng ngày càng chặt chẽ, phát huy tiềm năng của các tỉnh thành Đông Nam bộ, Bình Dương đang tận dụng nó để "bứt tốc", trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, văn minh.
Theo thời gian, hàng loạt tuyến đường đầu tư trước đó trở nên "quá chật so với tốc độ phát triển" nhanh chóng của địa phương. Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn trùng với Vành đai 3 TP HCM) thường xuyên kẹt xe kéo dài, đặc biệt vào các giờ cao điểm, ảnh hưởng cuộc sống cũng như giá thành sản phẩm.
Anh Huỳnh Ngọc Tân, tài xế container chuyên chạy chở hàng cho công ty FDI tại KCN Mỹ Phước (TP Bến Cát) về cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết đã chạy tuyến đường gần 10 năm. Anh nhìn nhận 3 năm trở lại đây, tình trạng kẹt xe thấy rõ, đặc biệt là khu vực Ngã 6 Thuận An và nút giao với Quốc lộ 1 - Tân Vạn. "Các xe hàng hóa ở Bình Dương về cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Bình Dương, cảng Đồng Nai hay cảng Cái Lái vẫn chọn Mỹ Phước - Tân Vạn nên thời gian tới sẽ càng thêm nghiêm trọng", anh Tân nói.
Hạ tầng giao thông quá tải đã phần nào tạo thành "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng. Bên cạnh chính sách di dời các nhà máy ở vùng nội đô lên các huyện phía Bắc, việc "mở đường" để kết nối sân bay, cảng biển được Bình Dương xác định "cấp bách" hơn bao giờ hết.
Ngày 14/12, dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với tổng vốn đầu tư 17.400 tỷ đồng được khởi công. Đây là tuyến huyết mạch liên kết vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, công trình cũng giúp rút ngắn thời gian từ Bình Phước, Bình Dương đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư ở các địa phương mà tuyến đường đi qua. Dự án đoạn qua Bình Dương sẽ khởi công vào đầu năm 2025 với 52 km.
Trước đó, năm 2021 Cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, dự kiến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động với công suất 25 triệu khách mỗi năm. Đây là dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Cùng với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành sẽ tạo thành sợi dây liên kết logistics, "đòn bẫy" cho sự tăng trưởng trở lại của tứ giác kinh tế TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính vì vậy, ngoài đầu tư các tuyến đường giao thông nội tỉnh, Bình Dương đang tận dụng nguồn lực Trung ương và địa phương để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông liên kết vùng, "mở đường" kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Các tuyến đường đã đầu tư mang lại giá trị tích cực thời gian qua như: Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2... Bình Dương đang tăng tốc với hàng loạt dự án kết nối vùng như mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe, Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, đường sắt Bàu Bàng - Dĩ An, Metro Suối Tiên - TP mới Bình Dương với nhà ga WTC...
Chủ động tháo gỡ nguồn vốn đầu tư hạ tầng
Năm 2025, Bình Dương sẽ hoàn thiện hồ sơ để thực hiện hàng loạt dự án giao thông khác như: tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; nút giao Sóng Thần; cải tạo hạ tầng giao thông công cộng; hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến; đầu tư thí điểm hệ thống giám sát điều hành giao thông.... với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong đó, giao thông đường thủy, Bình Dương dự kiến khởi công cảng sông An Tây với 180 ha, trong đó diện tích khu cảng khoảng 97ha, diện tích khu đô thị - tái định cư khoảng 83 ha. Khu cảng nằm giáp ranh bờ sông Sài Gòn, kết nối trực tiếp với hai cảng lớn là Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cát Lái (TP HCM). Dự án có tổng vốn đầu tư 2.279 tỷ đồng, trong đó 453 tỷ đồng là kinh phí giải phóng mặt bằng.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Trong năm tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với bộ, ngành Trung ương thực hiện rà soát, đề xuất một số dự án giao thông đường bộ có nhu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đồng thời kiến nghị Trung ương chấp thuận cho các nhà đầu tư đang đầu tư, khai thác các tuyến đường giao thông theo hình thức BOT được tiến hành nâng cấp, mở rộng tuyến; song song với công tác khảo sát, đánh giá các dự án BOT trên địa bàn tỉnh để tiến tới sắp xếp, xóa bỏ các trạm thu phí BOT.
Tỉnh tăng cường kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án bằng phương thức PPP và các hình thức hợp pháp khác; nghiên cứu, triển khai phương án khai thác nguồn thu từ đất, tổ chức lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, TOD dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm để kêu gọi đấu thầu, đấu giá theo quy định nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách phục vụ đầu tư xây dựng.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 39 (mở rộng) khoá XI cuối tháng 11 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, do đó cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện ba đột phá đã đề ra. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đang chậm triển khai do các doanh nghiệp đang thực hiện, chủ đầu tư phải có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai, ngưng trệ.
Về nguồn lực đầu tư xây dựng, Bí thư Bình Dương cho rằng ngoài vốn Trung ương và địa phương, xã hội hóa, các ngành và địa phương tập trung cần nghiên cứu tham mưu điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền để tạo nguồn lực từ đất.
Ông Lợi yêu cầu UBND tỉnh rà soát lại công tác đầu tư công và đầu tư xã hội, đầu tư hạ tầng kết nối, tập trung đầu tư các dự án kết nối cảng biển, sân bay, kết nối các tỉnh, thành, phát triển công nghiệp sinh thái.
Trong chuyến làm việc với tỉnh ủy Bình Dương hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bình Dương có vị trí quan trọng, kết nối các vùng trọng điểm, kết nối quốc gia, quốc tế, cần khai thác tối đa thế mạnh này để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu địa phương phát triển bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Tiên phong kết nối nền kinh tế với Vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa với Campuchia, với Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua TP HCM, kết nối quốc gia, quốc tế qua sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải...
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Bình Dương hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030 có 43 tuyến đường tỉnh, gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới.
Tỉnh này sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh, gồm cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, đường Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ khu công nghiệp Bàu Bàng đến Cảng Cái Mép - Thị Vải... Cùng với đó, Bình Dương đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa, gắn với lộ trình phát triển công nghiệp và đô thị.
Đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông theo các quy hoạch ngành, quốc gia đã được phê duyệt. Địa phương cũng tiếp tục đầu tư phát triển đường trên cao, nút giao liên thông trên các tuyến giao thông huyết mạch theo trục Bắc - Nam, vành đai Đông - Tây... nhằm tăng cường hơn nữa tính kết nối, năng lực thông hành hệ thống giao thông của tỉnh. Địa phương sẽ chú trọng đầu tư các cảng cạn dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính, hình thành các đầu mối trung chuyển hàng hóa đến các cảng thủy nội địa lớn trong vùng bằng đường thủy.
Phước Tuấn