Rất nhiều người trong chúng ta lớn lên với suy nghĩ khi được công ty tuyển dụng, sẽ phải làm chính xác những việc được ghi trong bản mô tả công việc.
Công bằng mà nói, điều này chỉ đúng trong quá khứ, khi hầu hết mọi người được khen thưởng lúc hoàn thành công việc. Nhưng ngày nay, tư duy đó không còn thích hợp nữa. Giữa những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và kỳ vọng của khách hàng, nhiều vai trò không thể thích ứng đủ nhanh.
Nếu chỉ làm chính xác những điều ghi trong thông báo tuyển dụng, nguy cơ là bạn và công việc của bạn cuối cùng sẽ trở nên lạc hậu. Thêm vào đó, bạn sẽ thấy buồn chán và không có hứng thú.
Mỗi người trong chúng ta đều có những ý tưởng riêng, thiên bẩm và mong muốn học hỏi những điều mới. "Làm đúng những gì được bảo" không phải là phương thức tốt để đạt được thành tựu ... hoặc dành cho một công việc tuyệt vời. Nhưng có một giải pháp, gọi là "Job Crafting", tạm dịch là "chế tác công việc", tức bạn làm việc như một nghệ nhân.
Về cơ bản, "Job Crafting" là việc chủ động cá nhân hóa vai trò hiện tại của bạn. Đây là một tư duy – cũng là một kỹ năng cho phép bạn định hình, rèn luyện và sắp xếp lại công việc sao cho đầy năng lượng và luôn phù hợp. Bạn có thể bắt đầu luyện tập ngay từ hôm nay, từng chút một và sử dụng nó trong suốt khoảng thời gian còn lại của sự nghiệp.
"Job Crafting" đạt hiệu quả nhất khi bạn cá nhân hóa công việc xung quanh tiềm năng của bản thân, hoặc những điểm mạnh và sở thích đặc biệt giúp bạn vượt trội. Có ba cách để kết hợp tiềm năng bản thân vào công việc, gồm: quy trình, con người và mục đích.
Quy Trình: Cách tôi sử dụng thế mạnh bản thân nhằm có thêm nhiều hứng thú hơn trong công việc?
"Chế tác công việc" phù hợp với thế mạnh bản thân sẽ đạt được thành tựu nhiều hơn so với làm một công việc bạn không thích, chỉ để nhận lương.
Lấy Charles làm ví dụ. Charles là người hướng ngoại, bắt đầu sự nghiệp từ vị trí nhân viên bán hàng công ty bia. Anh thích giao lưu cùng mọi người và việc bán hàng luôn mang lại cho anh nguồn năng lượng tràn trề. Sau một thời gian, anh được bổ nhiệm làm trưởng nhóm kinh doanh và không lâu sau, anh lại được thăng chức lên làm giám đốc kinh doanh.
Charles kiếm được nhiều tiền hơn và lãnh đạo một nhóm có 20 người, nhưng lại còn thật sự hứng thú với công việc. Anh thuê người tiếp xúc với khách hàng, nhưng anh hiếm khi có cơ hội tự mình trò chuyện với họ. Anh dành phần lớn thời gian dự các buổi họp mà anh cho là "buồn chán", hoặc xử lý những việc giống như công việc bận rộn của quản lý trước đây. Anh cảm thấy công việc không còn ý nghĩa nữa.
Sau đó, anh bắt đầu "chế tác công việc". Mỗi tuần, Charles quyết định lái xe đến thăm một khách hàng. Không phải với mục đích bán bất kỳ thứ gì, mà chỉ để nói chuyện với họ, nhằm luyện tập tiềm năng bản thân. Đây không phải là một phần trong công việc chính, nhưng anh lại yêu thích nó và nhiều nhiệm vụ khác cũng bắt đầu có ý nghĩa khi anh thêm phần việc phụ này vào công việc chính.
Nếu đang phỏng vấn ứng viên xin việc, anh nhận thấy bản thân hiện có thêm những câu chuyện mới mẻ để trò chuyện. Nếu có cuộc họp với thành viên trong nhóm, anh có thể hiểu rõ hơn thị trường họ đang đối mặt.
Những việc Charles làm là điều tất cả chúng ta cũng có thể làm với tư duy đúng đắn: chủ động đưa nhiệm vụ mới đầy thú vị dù lớn hay nhỏ vào công việc của chúng ta. Hãy coi đây như là cách tạo ra phần thưởng phi tài chính của riêng bạn, điều gì đó giúp tràn đầy năng lượng mỗi khi thức dậy vào buổi sáng.
Con người: Cách tôi có thể cải thiện các mối quan hệ ở nơi làm việc để chúng trở nên đầy cảm hứng hơn.
Có vẻ như bạn không có nhiều lựa chọn khi nói đến đồng nghiệp. Nhiều người trong chúng ta nghĩ là "buộc phải chấp nhận" các mối quan hệ trong công việc. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất, trong hầu hết trường hợp, ta có thể lựa chọn bạn bè để giao tiếp và làm việc cùng.
Kecia, là một trường hợp điển hình. Kecia từng phải "xóa bỏ" một mối quan hệ trong công việc, mặc dù mối quan hệ này mang lại kết quả tốt. Khi bắt đầu công việc trong lĩnh vực học thuật, Kecia thực hiện một dự án nghiên cứu cùng với cấp trên đồng thời là cố vấn của cô.
Nghiên cứu được đăng trên một tạp chí hàng đầu. Trong gần một thập kỷ, cả hai tiếp tục hợp tác với tư cách là đồng tác giả. Nhưng theo thời gian, vị giáo sư cấp trên bắt đầu chỉ trích phong cách hành văn và tác phẩm của Kecia. Cô bắt đầu cảm thấy ngày càng bị áp lực trong mối quan hệ này.
Điều này gây ảnh hưởng xấu đến cách Kecia nhìn nhận về công việc. Sau một thời gian dài cân nhắc và tổn thương, cô quyết định chấm dứt quan hệ hợp tác giữa họ và làm việc với những đồng nghiệp khác tiếp thêm năng lượng cho cô.
Từ ví dụ của Kecia, hãy tự hỏi: "Làm thế nào tôi có thể tương tác nhiều hơn với những đồng nghiệp truyền cảm hứng cho bản thân, hơn là làm giảm đi chất lượng cuộc sống?"
Ngay cả khi bạn không có lựa chọn nào về người bạn làm việc cùng, bạn vẫn có thể tái tạo chất lượng mối quan hệ. Hãy thử cách này: Chọn hai người bạn thường xuyên tương tác và gửi email kể hai kỷ niệm giữa bạn và họ, về những lần họ dùng tiềm năng bản thân đóng góp đặc biệt cho công việc hay công ty của bạn.
Hãy chắc chắn đề cập nhiều chi tiết. Bạn càng chi tiết, càng tạo nên mối liên kết vững mạnh hơn. Câu chuyện về lòng biết ơn luôn có tính kết nối. Mọi người sẽ đánh giá cao nỗ lực của bạn, và mối quan hệ sẽ được cải thiện.
Mục đích: Tôi tự kể câu chuyện nào về lý do tôi làm công việc hiện tại, và liệu có thể khiến câu chuyện này truyền thêm cảm hứng không?
Về cơ bản, mục đích chính là câu chuyện bạn tự kể. Bạn có thể xây dựng một câu chuyện hay hơn về lý do thúc đẩy hành vi của bạn. Hãy dành chút thời gian tìm hiểu về "khách hàng" - những người cần công việc của bạn để hoàn thành mục tiêu của họ.
"Khách hàng" ở đây có thể là nhân viên khác trong công ty, người thông qua công việc của bạn để đưa ra quyết định và kết quả của riêng họ. Hoặc, khách hàng cũng có thể là người bên ngoài công ty, chẳng hạn như một người bạn phải gây ảnh hưởng hay bán thứ gì đó cho họ.
Trò chuyện cùng khách hàng. Hỏi họ điều gì trong công việc của bạn khiến cuộc sống của họ trở nên tốt hơn hay tệ đi. Luôn tò mò và cởi mở trong những cuộc trò chuyện này, và tìm cách cải thiện. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra những nhiệm vụ mới, nhằm đem lại hứng thú cho bạn và hữu ích cho họ.
Sau đây là cách khác để tìm hiểu ảnh hưởng của công việc: Đối với mỗi hoạt động bạn thực hiện ở công ty, hãy tự hỏi, "Tại sao tôi làm điều này?". Ví dụ, nếu bạn phải làm báo cáo hàng tuần, hãy hỏi, "Tại sao tôi phải làm báo cáo này". Tự cảm nhận về nhiệm vụ của bản thân. Bạn có thể nhận thấy mình không thích. Thậm chí bạn có trả lời là "Bởi vì tôi phải làm, đó là công việc của tôi".
Nếu đúng như vậy, hãy cố gắng cá nhân hóa nhiệm vụ để nó đầy hứng thú hơn. Ví dụ: sau khi làm quen với khách hàng, bạn có thể "phục chế" câu trả lời, "Tôi làm báo cáo hàng tuần để mà lãnh đạo có thể đưa ra quyết định tốt hơn". Sau đó, tiếp tục tự hỏi, "Tại sao tôi lại quan tâm liệu họ có đưa ra quyết định tốt hơn hay không?". Có vẻ giống như một trò chơi, nhưng nếu có thể tìm ra câu chuyện có sức ảnh hưởng đến bản thân, bạn sẽ hứng thú hơn với công việc và đầy sinh lực hơn.
Hãy nhớ, chuyển từ tư duy việc làm theo truyền thống sang tư duy "chế tác công việc" không thay đổi tất cả mọi thứ cùng một lúc. Bạn vẫn phải giúp công ty đạt được các mục tiêu. Bạn vẫn phải hoàn thành công việc để nhận được lương. Nhưng công việc sẽ trở nên đầy ý nghĩa hơn. Công việc sẽ ít giống như "phải đi làm mỗi ngày cho đến cuối tuần". Và sếp sẽ nhận được nhiều hơn từ bạn – năng lượng và sự gắn bó, sự đảm bảo, mà còn có sự kiên trì và sáng tạo khi bạn giúp ích cho công ty.
Phiên An (theo Harvard Business Reiview)