Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng hai đồng phạm Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc AIC và Trần Đăng Tấn, Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP HCM vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cả ba đang bỏ trốn.
Cùng vụ án, ông Dương Hoa Xô, cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Liên quan vụ án, 8 người khác cũng bị đề nghị truy tố.
Theo kết quả điều tra, ông Xô gặp và quen bà Nhàn tại sự kiện đầu năm 2014. Biết Trung tâm Công nghệ sinh học đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, bà Nhàn đề nghị và được ông Xô đồng ý cho AIC thực hiện.
Bà Nhàn cử Trần Đăng Tấn, Trưởng đại diện AIC tại TP HCM phối hợp cùng ông Xô và Nguyễn Đăng Quân (Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học) để xây dựng lại danh mục thiết bị và giá có lợi cho AIC. Để sớm triển khai dự án, ông Xô ký tờ trình đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM phê duyệt dự án và kế hoạch đấu thầu. Trên cơ sở này, tháng 7/2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM phê duyệt 12 dự án phòng thí nghiệm, gần một năm sau phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo ba giai đoạn. Giai đoạn một năm 2015 gồm 4 gói thầu, trị giá gần 150 tỷ đồng.
Khi kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với ông Xô cho AIC xây dựng lại danh mục thiết bị để đảm bảo lợi nhuận cho công ty này 40% giá trị mỗi gói thầu (giá thực tế của thiết bị khoảng 60% giá trị gói thầu). Ông Xô đồng ý, giao ông Quân cùng cấp dưới thực hiện. Do nhân viên xây dựng lại danh mục không đảm bảo chất lượng nên ông Quân tự làm để vừa đảm bảo chất lượng và lợi nhuận cho AIC.
Đầu năm 2015, ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Công ty Gene Việt, đề nghị bà Nhàn cho tham gia liên danh thực hiện dự án. Bà Nhàn đồng ý với điều kiện Gene Việt thực hiện toàn bộ khâu chuyên môn như mua hàng, bàn giao, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bảo hành, bảo trì... Lợi nhuận AIC vẫn phải đảm bảo như ban đầu.
Cơ quan điều tra xác định AIC sẽ đứng đầu liên danh, lo ngoại giao và chi phí. Phần lợi nhuận do Gene Việt đàm phán giảm giá với nhà cung cấp thì công ty này được hưởng. Tuy nhiên, do Gene Việt chưa đủ năng lực nên ông Vũ để Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt tham gia liên danh (Gene Việt có 10% vốn góp của Việt Á).
Để tránh khiếu kiện nếu trúng nhiều gói thầu, Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới nhờ Công ty Vimedimex đứng tên hộ một gói thầu. Các bị can thỏa thuận liên danh AIC - Việt Á sẽ trúng hai gói thầu giai đoạn một; Vimedimex trúng một gói.
Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt còn đề nghị thay đổi một số thiết bị trong danh mục do ông Quân lập, nhưng không phù hợp nên chỉ được đồng ý một số ít. Sau đó, ông Quân chuyển danh mục, dự toán thiết bị đã thay đổi được ông Xô phê duyệt cho phía Việt Á biết để chuẩn bị tham gia đấu thầu.
Việc thay đổi thiết bị mà vẫn phải đảm bảo 40% lợi nhuận cho AIC nên dự toán bốn gói thầu cao hơn 20 tỷ đồng so với giá đã duyệt. Để tháo gỡ, ông Xô chỉ đạo cấp dưới thuê tư vấn thẩm định hợp thức giá dự toán.
Hồ sơ mời thầu được xây dựng theo hướng có lợi cho liên danh AIC - Việt Á và Vimedimex, dựa theo năng lực, thế mạnh các công ty này. Quy định về nhân sự trong hồ sơ mời thầu cũng cao hơn mức tối thiểu để hạn chế nhà thầu khác tham gia. Diện hợp đồng tương tự từ công nghệ sinh học/y dược được mở rộng thành khoa học công nghệ/y dược để liên danh AIC - Việt Á và Vimedimex đủ điều kiện dự thầu.
Theo cáo buộc, do được ông Xô chỉ đạo, biết rõ hồ sơ mời thầu do Trần Vinh Vũ (Giám đốc Công ty tư vấn Hồng Hà) tạo lập có lợi cho liên danh AIC - Việt Á, nhưng ông Nguyễn Viết Thạch (Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học) và Nguyễn Trần Long (chuyên viên ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình) vẫn thẩm định, thông qua.
Các công ty nhóm Gene Việt như Nam Anh, Đông Dương được cử tham gia liên danh với nhóm AIC như Công nghệ cao, Uy tín toàn cầu, làm "quân xanh" tham gia đấu thầu.
Khi Trung tâm Công nghệ sinh học mở thầu, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên Việt Á phối hợp với AIC làm hồ sơ dự thầu cho cả liên danh và các công ty "quân xanh". Đến thời điểm đóng thầu, nhân viên AIC nộp hồ sơ dự thầu cho liên danh AIC - Việt Á. Nhiều nhân viên Việt Á nộp hồ sơ dự thầu cho các công ty "quân xanh". Việt Á cũng hỗ trợ Vimedimex lập hồ sơ kỹ thuật, còn lại công ty này tự chuẩn bị hồ sơ pháp nhân, năng lực, nộp hồ sơ dự thầu.
Nhờ chiêu thức này, liên danh AIC - Việt Á trúng hai gói thầu, Vimedimex trúng một gói thầu, đúng như kế hoạch nhóm bị can đã thỏa thuận trước đó.
Sau đó, với các gói thầu liên danh AIC - Việt Á trúng, Việt Á đứng tên ký hợp đồng mua hàng từ nhà cung cấp rồi bán lại cho Gene Việt để bán cho AIC đưa vào dự án. Với gói thầu Vimedimex trúng, Công ty Mopha (do bà Nhàn lập, điều hành) ký hợp đồng với các nhà cung cấp, sau đó bán lại cho Vimedimex để bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học.
Kết quả thực hiện, Trung tâm Công nghệ sinh học thanh toán cho AIC hai gói thầu trị giá hơn 106 tỷ đồng. AIC thanh toán cho Gene Việt gần 89 tỷ đồng nguồn hàng đầu vào. Vimedimex được Trung tâm Công nghệ sinh học thanh toán một gói thầu 53,4 tỷ đồng, trong khi tiền hàng 52,5 tỷ đồng, được hưởng 800 triệu đồng.
AIC được đảm bảo lợi nhuận 40%
Bằng thủ đoạn tương tự, Công ty AIC của bà Nhàn tiếp tục trúng nhiều gói thầu giai đoạn 2 và 3 thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm Trung tâm Công nghệ sinh học.
Do việc thực hiện bốn gói thầu giai đoạn đầu chậm, danh mục thiết bị dự toán dự án từ năm 2011 nên bị lạc hậu. Để triển khai tiếp, ông Xô giao Quân nghiên cứu, điều chỉnh danh mục thiết bị giai đoạn 2 và 3 sao cho đảm bảo chất lượng và lợi nhuận dự kiến cho AIC, trước khi trình Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh dự án.
Thực hiện chỉ đạo này, ông Quân thay đổi các thiết bị dự kiến mua theo hướng điều chỉnh cấu hình, nhằm đảm bảo 40% lợi nhuận cho AIC và không vượt tổng mức đầu tư đã duyệt.
Lập xong danh mục thiết bị giá gần 300 tỷ đồng, ông Quân gửi cho phía AIC để công ty này chuẩn bị trước khi đấu thầu. Căn cứ hồ sơ của Trung tâm Công nghệ sinh học, tháng 3/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM phê duyệt dự toán giai đoạn hai và ba tổng gần 300 tỷ đồng.
Tháng 4/2018, theo chỉ đạo của ông Hà, nhân viên AIC tại Hà Nội đã nhờ Công ty Kim Ngân làm "quân xanh" rồi gửi hồ sơ vào chi nhánh AIC TP HCM để nhân viên tại đây nộp, đảm bảo đủ ba đơn vị dự thầu, không bị hủy, để Công ty Mopha trúng thầu.
Khi tham gia đấu thầu giai đoạn ba, nhân viên AIC tiếp tục nộp hồ sơ thay Công ty Tài Lộc và Việt Anh, đảm bảo đủ ba công ty dự thầu, tạo điều kiện để Công ty Mopha trúng thầu.
Trong cả ba giai đoạn, AIC và Mopha trúng 6 gói thầu. Các công ty do AIC chỉ định trúng ba gói thầu. Hành vi của các bị can gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng và phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ Luật Hình sự.
Tại cơ quan điều tra, ông Xô thừa nhận đã thỏa thuận, thông đồng nâng giá, tiết lộ danh mục thiết bị trước khi đấu thầu, thông đồng lập hồ sơ mời thầu tạo điều kiện cho AIC và các công ty AIC chỉ định trúng thầu "là vi phạm pháp luật". Đáp lại, ông Xô được bà Nhàn chỉ đạo nhân viên 6 lần đưa "quà cám ơn" tổng 14,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quân khai rằng việc lập danh mục thiết bị điều chỉnh mà không qua Hội đồng là "thực hiện theo chỉ đạo của ông Xô".