Zhang Shiping là một trong 16 triệu thanh niên Trung Quốc được gửi về nông thôn trong cuộc Cách mạng Văn hoá. Nhiều thập kỷ sau, ông đã tận dụng triệt để những cuộc cải cách thị trường để xây dựng 2 doanh nghiệp tầm cỡ thế giới gồm một công ty may mặc và nhà máy luyện nhôm.
Năm 2019, sau khi Zhang qua đời ở tuổi 73, con trai ông là Zhang Bo, 52 tuổi, trở thành chủ tịch của China Hongqiao Group Ltd. và Shandong Weiqiao Pioneering Group Co., một công ty tư nhân sở hữu công ty Weiqiao Textile Co. Người em gái, Zhang Hongxia, 50 tuổi, đảm nhiệm vị trí chủ tịch Weiqiao Textile và là tổng giám đốc của tập đoàn tư nhân. Tổng số tài sản họ được thừa kế là 14 tỷ USD. Năm 2021, tài sản của gia đình họ Zhang đã tăng vọt khi lợi nhuận và giá cổ phiếu doanh nghiệp đều tăng.
Họ Zhang cũng trở thành gia đình đầu tiên tại Trung Quốc đại lục lọt vào bảng xếp hạng các gia tộc giàu có nhất châu Á của Bloomberg.
Trung Quốc có lượng tỷ phú đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Nước này cũng đang sở hữu các công ty công nghệ, công nghệ xanh và dược phẩm khổng lồ. Dù vậy, sự giàu có chủ yếu bắt nguồn từ số tài sản tích luỹ được từ thế hệ đầu tiên, cho thấy nước này chỉ mới tự do hoá nền kinh tế vào những năm 1970.
Bảng xếp hạng gia tộc của Bloomberg bao gồm các gia đình giàu có kéo dài ít nhất hai thế hệ. Ở Hong Kong, Ấn Độ hay Đông Nam Á, tài sản thường được chuyển giao trong 3-4 đời. Trong khi đó tại châu Âu, những gia tộc giàu có nhất đã chuyển giao tài sản trong nhiều thế kỷ.
Với Trung Quốc, sự dịch chuyển đang diễn ra. Các ông trùm của các tập đoàn hàng đầu đất nước đang có gần 1.100 tỷ USD tài sản tích luỹ và số của cải này sẽ sớm được chuyển cho những người thừa kế.
Hao Gao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Gia đình Toàn cầu của Đại học Tùng Hoa cho biết: "Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều cuộc chuyển giao điển hình khi thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc đại lục bước vào tuổi nghỉ hưu".
80 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc theo bảng xếp hạng Bloomberg có độ tuổi trung bình là 54-57. Điều này cho thấy việc chuyển giao quyền lực, tài sản cho người thừa kế sẽ diễn ra trong một thập kỷ tới.
Những người sáng lập công ty kinh doanh phụ tùng ôtô Wanxian Group, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi New Hope Liuhe, công ty xây dựng Country Garden Holdings hay Hopson Development Holdings đều đã chuyển giao tài sản và quyền lực cho thế hệ sau. Yang Huiyan, đồng Chủ tịch Country Garden, đã trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á năm 2005 sau khi được cha chuyển cổ phần tập đoàn.
Trong khi Trung Quốc đã bắt tay vào chiến dịch "Thịnh vượng chung" để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đất nước này lại chưa có thuế thừa kế dù giới quan chức đã liên tục đề cập.
Angela Zhang, Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong cho biết, thuế thừa kế vẫn chưa được tính đến ở Trung Quốc. "Điều này phần nào giải thích tại sao chính phủ Trung Quốc đang thúc ép các tỷ phú quyên góp nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện và các dự án cộng đồng để tái phân phối của cải.
Mặt khác, ông Hao Gao cho biết, cuộc chiến dịch trấn áp gần đây của chính phủ đối với các ngành như công nghệ, bất động sản và giáo dục đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của các tỷ phú. Điều này khiến họ có thể đẩy nhanh việc lên kế hoạch chuyển giao cho thế hệ kế cận.
"Hiện tại, khu vực tư nhân tại Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều sự thay đổi lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để thế hệ F2 phát triển nhanh hơn", Gao nói và lưu ý "Các tỷ phú Trung Quốc ngày càng nhận thức được việc phải chuyển giao sớm hơn.
Đức Minh (Theo Bloomberg)