Trong thông báo mới nhất đưa ra ngày 8/12, Standard & Poor’s (S&P) cho biết tổ chức xếp hạng tín dụng này đã ngừng việc đưa ra đánh giá đối với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) kể từ giữa tháng 10 năm nay.
Quyết định được S&P đưa ra do sự “mù mờ” của các thông tin mà tổ chức này nắm được liên quan đến khả năng trả nợ và kế hoạch tái cấu trúc của Vinashin. Cùng với đó là tính chính xác cũng như kịp thời của những báo cáo tài chính liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Xếp hạng tín dụng của các tập đoàn kinh tế Nhà nước bị ảnh hưởng lớn bởi sự kiện Vinashin. |
Trước đó 3 ngày, cũng chính S&P đã đưa ra quyết định hạ xếp hạng tín dụng nợ dài hạn (đối với nợ trong nước và nước ngoài) của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từ mức BB xuống BB-, với triển vọng ổn định.
Theo quan điểm của S&P, trong điều kiện hiện nay, khả năng Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện những biện pháp đặc biệt để giải cứu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong trường hợp các doanh nghiệp này phải đối phó với khủng hoảng là tương đối thấp.
“Đánh giá của chúng tôi về mức độ hỗ trợ từ Chính phủ đối với các tập đoàn hiện khá thấp, so với mức cực cao trong giai đoạn trước”, chuyên gia phân tích tín dụng Wee Khim Loy của S&P giải thích. Cũng theo ông Wee, xếp hạng tín dụng hiện tại được S&P dành cho Vinacomin đang phản ánh quan điểm của tổ chức này về thực trạng tài chính của doanh nghiệp, nếu không có sự giúp đỡ từ Chính phủ.
Xếp hạng tín dụng của Vinacomin theo đánh giá của S&P |
Với trường hợp của Vinashin, việc không được xếp hạng tín dụng còn liên quan đến khả năng cũng như tiến độ trả nợ của tập đoàn này đối với các khoản vay quốc tế. Theo thông tin được các hãng thông tấn lớn như Bloomberg hay Financial Times loan báo hồi cuối tháng 11 vừa qua, Vinashin đang tiến hành đàm phán để hoãn trả khoản nợ trị giá 60 triệu USD cho các đối tác vào cuối tháng 12 này. Đây cũng là vấn đề được một tổ chức xếp hạng tín dụng khác là Moody’s đặt nhiều quan ngại.
Trong khi đó, khi trả lời thắc mắc xung quanh vấn đề nợ của Vinashin tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 2/12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nợ của Vinashin sẽ được giải quyết theo nguyên tắc tự vay, tự trả”. Điều này càng khiến các tổ chức xếp hạng tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ khó áp dụng những giải pháp “chưa có tiền lệ” để giải cứu khoản nợ trước mắt cho Vinashin.
Về lâu dài, giới phân tích cho rằng những đánh giá tín nhiệm kém lạc quan được đưa ra ở trên sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng huy động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Đơn cử như trường hợp của Vinacomin, hãng tin Bloomberg cho biết tập đoàn này vừa phải ngừng đợt phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế do những khó khăn của thị trường vốn cũng như ảnh hưởng của sự kiện Vinashin.
Trong khi đó, theo S&P, Vinacomin sẽ phải huy động một lượng vốn tương đương 4,4 tỷ USD trong vòng 2-5 năm tới để phục vụ cho các dự án của mình (trong đó có cả dự án bô xít Tây Nguyên). S&P cho rằng mặc dù triển vọng kinh doanh được đánh giá là tương đối ổn định nhưng khả năng tìm kiếm vốn của Vinacomin trong thời gian tới vẫn phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam.
Nhật Minh