Theo dự kiến, quy mô các sàn sẽ bị thu hẹp cho phù hợp với năng lực tài chính, đồng thời mỗi doanh nghiệp khi tham gia mở sàn sẽ phải có một lượng vàng dự trữ tối thiểu phù hợp với năng lực của mình, chưa kể những đòi hỏi về đội ngũ nhân lực, trình độ quản lý. Theo đại diện một sàn vàng trên phố Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), tùy quy mô sắp thành lập mà các doanh nghiệp, ngân hàng chỉ cần có 1-2 tỷ đồng là đã có thể bắt tay mở sàn vàng. Nhưng khi quy chế mới ra đời sẽ yêu cầu họ phải có số vốn lớn hơn.
Bên cạnh đó, quy chế mới dự kiến sẽ đưa ra những quy định cho nhà đầu tư như vốn tối thiểu, chứng minh năng lực tài chính, và hạn mức tối thiểu cho mỗi lần giao dịch qua sàn là bao nhiêu lượng. Những sàn lớn như ACB thì mức tham gia tối thiểu phải là 50 lượng, còn đối với các sàn nhỏ hơn có thể là 10 lượng.
Tỷ lệ ký quỹ có thể sẽ nâng lên 30% thay vì 7% hiện nay, nhưng điều này chưa đi đến thống nhất vì trên thực tế nhiều đại diện các sàn và nhà đầu tư muốn để ở mức 10-15% cho phù hợp với thực tiễn VN và thông lệ quốc tế, đồng thời giảm chi phí xã hội. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ đến 10%.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, từ giờ đến cuối năm nhiều khả năng Nhà nước sẽ chưa cho phép nhập khẩu vàng do lạm phát cao và để kìm chế nhập siêu. Tính chung từ đầu năm đến nay, VN đã nhập một lượng vàng quá lớn, khoảng 70 tấn vàng. Hơn nữa, vàng chủ yếu lưu thông dưới dạng tích trữ nên không trực tiếp tham gia vào đầu tư sản xuất, và cũng khó biết được chính xác lượng vàng trong cả nước là bao nhiêu.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc ban hành quy chế tạo khung pháp lý cho hoạt động của sàn vàng là cần thiết. Ngoài việc phải tham khảo kinh nghiệm ở một số nước và tình hình thực tiễn VN, quy chế mới sẽ giúp nhà đầu tư trong việc "chọn mặt gửi vàng", và đưa các sàn hoạt động có hệ thống và chuyên nghiệp hơn. Những quy định sẽ không quá chặt chẽ vì hiện tại đầu tư vào lĩnh vực này vốn được xem là cứu cánh khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Vàng cũng là kênh thu hút và bảo toàn nguồn vốn gián tiếp có hiệu quả.
Hiện VN đã có tới 8 sàn giao dịch vàng. Hoạt động của các sàn cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính vẫn ráo riết mở loại hình kinh doanh này. Chỉ tính riêng tiền phí giao dịch, những sàn lớn như ACB có thể thu về hàng tỷ đồng cho khoảng 300.000-400.000 lượng mỗi ngày, với mức phí 2.000 đồng một lượng. Lợi nhuận có thể nhìn thấy rõ nhưng bản thân các sàn cũng phải chấp nhận nhiều rủi ro trong trường hợp mọi giao dịch phải quy hết ra vàng hoặc tiền. Một số sàn thành lập nhưng lại chưa chính thức đi vào hoạt động. "Sau khi quy chế mới được công bố, chắc chắn việc mở sàn sẽ khó khăn hơn", đại diện một sàn giao dịch trên phố Đào Duy Anh (Hà Nội) nói. Vị giám đốc này cho biết, một số sàn đang mất khách, hoạt động cầm chừng. Nhà đầu tư có hai xu hướng, một theo sàn có lượng giao dịch tối thiểu mỗi lần lớn nhất là 50 lượng, hoặc ở mức thấp nhất, chỉ có 5 lượng.
Không ít nhà đầu tư do dự đoán sai và chịu thiệt khi bán khống, mua khống, nhất là thời điểm giá vàng tăng quá mạnh hoặc xuống quá nhanh chỉ sau một đêm, cũng khiến họ không kịp trở tay. Trong điều kiện các sàn VN còn chưa liên thông được với thế giới, chênh lệch múi giờ, nhiều khả năng quy chế mới sẽ hạn chế việc bán khống, mua khống, và không được mở nhiều tài khoản giao dịch đối với nhà đầu tư.
Thanh Phương