Năm 1696, cho rằng người giàu sẽ sống trong ngôi nhà to hơn và có nhiều cửa sổ hơn, các nhà lập pháp Anh đã áp dụng tính thuế dựa trên số lượng cửa sổ của như một dạng thuế thu nhập cá nhân.
Mức thuế được chia làm nhiều cấp: nhà có ít hơn 10 cửa sổ đóng mức cố định hai xu (giai đoạn này, một bảng Anh = 20 shilling = 240 xu), nhà có 10-14 cửa sổ phải đóng 6 xu cho mỗi ô cửa, nhà có 15-19 phải đóng 9 xu mỗi ô, 20 hoặc hơn phải đóng một shilling cho một ô. Loại thuế này được tăng 6 lần trong giai đoạn từ năm 1747 tới 1808.
Tính toán của người làm luật chỉ đúng trên lý thuyết với tầng lớp nghèo ở nông thôn, trong khi người thu nhập thấp ở thành thị hoặc thị trấn thường cư trú chung trong những khu nhà tập thể lớn với nhiều cửa sổ.
Có nhiều hộ riêng sống chung dưới cùng một mái nhà, quy định của đạo luật thuế vẫn coi đây là một hộ cư trú và áp thuế cửa sổ rất nặng. Ngoài ra, định nghĩa "cửa sổ" theo đạo luật cũng rất hẹp, chỉ cần trên tường có lỗ hổng cũng có thể bị coi là cửa sổ và bị đánh thuế, dù kích cỡ nhỏ tới mức nào.
Theo Parliament, thuế cửa sổ tác động mạnh tới mức vào năm 1766, khi lượng cửa sổ miễn thuế bị giảm xuống dưới 7, số căn hộ có 7 cửa sổ biến mất gần 2/3. Là người bị trực tiếp đánh thuế, chủ cho thuê nhà buộc phải bít kín cửa sổ những ngôi nhà đã xây. Nhiều căn xây mới không có đủ cửa sổ cho sinh hoạt bình thường.
Người thuê nhà vẫn phải chịu "thuế" gián tiếp. Giá thuê trọ bị đẩy lên cao, trong khi chất lượng sống không đảm bảo vì nơi ở không đủ ánh sáng hoặc lưu thông khí. Tác động tiêu cực của thuế cửa sổ đối với sức khỏe được phổ biến rộng rãi trong những bài hát đương thời. Những người sống trong điều kiện thiếu sáng, thiếu khí thường bị sốt phát ban, đậu mùa và thổ tả.
Dù không được người dân ủng hộ, thuế cửa sổ vẫn tồn tại tới giữa thế kỷ XIX. Một chiến dịch phản đối mạnh mẽ nổ ra khi tác động tiêu cực của nó dần hiển hiện trên quy mô lớn. Người ủng hộ chiến dịch cho rằng đạo luật cần bị bãi bỏ vì nó đánh thuế lên sức khỏe, ánh sáng và khí thở của người dân. Đạo luật cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 1851, 155 năm sau khi có hiệu lực.
Giai đoạn này còn sinh ra cụm từ "daylight robbery", nghĩa cổ là "cướp ánh sáng ban ngày", nhưng hiện thường được dùng theo nghĩa "giá cả quá cao như muốn ăn cướp giữa ban ngày".
Thuế gạch
Đây là loại thuế áp lên gạch và đá lát, có hiệu lực tại Anh dưới thời vua George III, nhằm mục đích có tiền chi trả cho chiến tranh tại thuộc địa Mỹ. Theo đó, người sản xuất gạch sẽ phải trả hai shilling 6 xu cho 1.000 viên gạch, 3 shilling cho 1.000 viên đá lát nền, và 8 shilling cho 1.000 viên gạch gói.
Người ta đánh thuế trực tiếp lên những viên gạch mới ra khỏi khuôn trước khi bị nung nên dù bị hỏng trong quá trình nung, viên gạch ấy vẫn đã trả thuế. Khuôn được dập chữ "thuế tiêu dùng" để đóng dấu vào gạch, nhằm bảo vệ nguồn thu thuế. Như các loại thuế khác, thuế gạch dần được tăng và đạt tới mức 5 shilling 10 xu mỗi 1.000 viên gạch vào năm 1805.
Để giảm chi phí, nhà sản xuất bắt đầu lách luật bằng cách tăng kích cỡ viên gạch, lên tới 28 x 12.7 x 9 cm. Chính phủ đối phó bằng cách sửa luật để đặt ra giới hạn về kích cỡ, viên gạch nào vượt quá quy định sẽ bị tính thuế gấp đôi.
Thuế gạch ảnh hưởng tới kiến trúc của thời kỳ, dẫn tới các vật liệu khác như gỗ và được sử dụng nhiều hơn trong việc xây nhà. Tới năm 1850, chính phủ bãi bỏ thuế gạch vì tác động tiêu cực của nó với kiến trúc và kĩ thuật xây dựng.
Thuế mũ
Vào 1784, dưới thời trị vì của vua George III, nhà làm luật Anh đã đặt ra thuế mũ với nam giới để tăng thu ngân sách nhà nước. Họ tin rằng đạo luật này rất công bằng vì người giàu sẽ sở hữu nhiều chiếc mũ đắt tiền, trong khi người nghèo chỉ có một chiếc mũ rẻ tiền hoặc không có mũ đội. Mũ của phụ nữ được miễn thuế.
Đạo luật thuế mũ yêu cầu mọi người bán mũ phải mua giấy phép và treo biển "Đại lý bán lẻ mũ" trước cửa ra vào. Giấy phép có giá hai bảng tại London và 5 shilling ở các nơi khác. Mức thuế trực tiếp tùy vào giá của một chiếc mũ. Mũ có giá dưới 4 shilling phải đóng ba xu tiền thuế, giá 4-7 shilling phải đóng 6 xu thuế, mũ 7-12 shilling phải đóng một shilling thuế. Với những chiếc mũ đắt tiền hơn 12 shilling, mức thuế lên tới hai shilling.
Ngoài ra, một chiếc mũ hợp pháp phải được gắn loại tem đặc biệt vào đường chỉ. Người vi phạm, cả người bán lẫn người đội, đều sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm. Hình phạt lên tới mức tử hình đối với những kẻ làm giả con tem gắn mũ.
Để tránh nộp thuế, người làm mũ dùng những từ khác để gọi sản phẩm, khiến luật bị sửa để bao gồm định nghĩa thế nào là mũ. Đạo luật thuế mũ bị bãi bỏ vào năm 1811.