Nhà văn Kim Dung qua đời ngày 30/10, thọ 94 tuổi tại Hong Kong. Ông để lại 15 tác phẩm võ hiệp, trong đó có một truyện ngắn (Việt Nữ kiếm) và 14 tiểu thuyết (Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Tuyết sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện, Bạch mã khiếu tây phong, Uyên Ương đao, Ỷ thiên Đồ long ký, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký).
Truyện của Kim Dung gây sức hút lớn, đi vào lòng người khi dựng nên một thế giới võ hiệp với đầy đủ cung bậc hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Nhân vật chính trong tiểu thuyết có tính cách đời thường, gần gũi, có yêu có hận. Ở mỗi tác phẩm, bên dưới các chiêu thức, bí kíp võ công, cố tác giả đều gửi gắm thông điệp sâu sắc, thường là ngợi ca sự nhân từ, lòng trung nghĩa, không ham muốn quyền lực. Nhất là ở cuốn cuối cùng - Lộc Đình ký, ông đưa ra các ý tưởng châm biếm xã hội sâu cay thông qua hành trình vươn đến địa vị cao của Vi Tiểu Bảo - chàng trai lớn lên trong lầu xanh.
Có hơn 90 tác phẩm điện ảnh và truyền hình chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ truyện Kim Dung. Ở thập niên 1990 - đầu thập niên 2000, nhiều người Việt Nam quen thuộc với việc ra cửa hàng thuê các video "phim chưởng" (danh từ chung chỉ phim võ hiệp) chuyển thể từ truyện Kim Dung. Những đài truyền hình trong nước chiếu phim của ông hàng năm, bao gồm tác phẩm của đài TVB (Hong Kong) lẫn phim mới do Trung Quốc đại lục sản xuất. Có thể nói, phim từ truyện Kim Dung đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng ở Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á nói chung.
Thiên long bát bộ (1997)
Với nội dung đậm tính Phật giáo, Thiên long bát bộ là một trong các tiểu thuyết nổi bật nhất của Kim Dung. Cả ba nhân vật nam chính - Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự - đều có cá tính đặc sắc và chiếm thiện cảm. Tiêu Phong khẳng khái, trượng nghĩa, Hư Trúc nhân hậu còn Đoàn Dự si tình, lương thiện. Do cơ duyên, họ kết bái huynh đệ trên chùa Thiếu Lâm.
Thông điệp xuyên suốt trong tác phẩm là việc lấy lòng từ bi, đức hy sinh để hóa giải oán thù quá khứ. Bản 1997 để lại dấu ấn với Huỳnh Nhật Hoa, Phàn Thiếu Hoàng và Trần Hạo Dân đảm nhận các vai chính. Câu thoại nổi tiếng ở cảnh Đoàn Dự, Hư Trúc giải cứu Tiêu Phong - "Chúng ta không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Nhưng nguyện chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày" - được nhiều khán giả nhớ đến về sau.
Thiên long bát bộ (2003)
Sáu năm sau, đài Trung ương Trung Quốc chiếu bản mới của Thiên long bát bộ. Đến nay, series do Trương Kỷ Trung sản xuất được xem là một trong những tác phẩm chuyển thể từ truyện Kim Dung tốt nhất của Trung Quốc đại lục. So với bản cũ, tác phẩm mới tiến bộ ở kỹ xảo, ví dụ như môn võ Lục Mạch Thần Kiếm được thể hiện là các luồng kiếm khí đẹp mắt, chứ không phải các tia sáng nhiều màu như trước.
Ngoài ra, Lưu Diệc Phi (vai Vương Ngữ Yên) chỉ mới 16 tuổi khi ghi hình, gần độ tuổi nhân vật trong truyện hơn Lý Nhược Đồng (đóng bản 1997 khi 24 tuổi). Vẻ trong sáng, thanh khiết của Diệc Phi gây sốt khi phim ra mắt, giúp cô thành ngôi sao về sau. Đến nay, Lưu Diệc Phi vẫn được fan gọi là "thần tiên tỷ tỷ" - dựa theo cách xưng hô trong phim. Các diễn viên Hồ Quân (Tiêu Phong), Cao Hổ (Hư Trúc) và Lâm Chí Dĩnh (Đoàn Dự) cũng đóng tròn trịa.
Tiếu ngạo giang hồ (1996)
Tiếu ngạo giang hồ có nhân vật chính là Lệnh Hồ Xung - đại đệ tử phái Hoa Sơn với tính lãng tử. Anh bị cuốn vào những âm mưu đen tối, thâm hiểm của những kẻ muốn thống trị giang hồ. Chủ đề chính của phim là sự phê phán tham vọng quá mức của con người - khi những ai muốn trở thành "lãnh tụ quần hùng" cuối cùng đều có kết cục cay đắng. Ở phiên bản năm 1996, Lữ Tụng Hiền được đánh giá cao. Dù không quá đẹp trai, tài tử lột tả được chất phong trần của Lệnh Hồ Xung qua các cảnh uống rượu, đối thoại. Lương Bội Linh thủ vai Nhậm Doanh Doanh - người yêu Lệnh Hồ Xung, còn Trần Thiếu Hà - Hà Bửu Sinh hóa thân Nhạc Linh San - Lâm Bình Chi.
Anh hùng xạ điêu (1983)
Tác phẩm lấy bối cảnh thời Nam Tống, xoay quanh Quách Tĩnh - chàng trai khù khờ nhưng trung nghĩa. Anh từng bước học được võ công cao cường, trong lúc quốc gia đang bị nước Kim và sau đó là Mông Cổ đe dọa. Thành Cát Tư Hãn - nhân vật lịch sử - cũng xuất hiện trong tiểu thuyết và là người cưu mang Quách Tĩnh.
Bản phim năm 1983 không có nhiều hiệu ứng bắt mắt nhưng ghi điểm nhờ diễn xuất của Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh trong vai Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Việc Ông Mỹ Linh tự sát năm 1985 càng khiến khán giả nhớ mãi đến vai diễn nổi bật nhất sự nghiệp của cô. Sau bản này, TVB làm lại Anh hùng xạ điêu 11 năm sau đó với Trương Trí Lâm đóng vai Quách Tĩnh, còn Chu Ân hóa thân Hoàng Dung. Phiên bản này cũng được đánh giá cao về diễn xuất.
Anh hùng xạ điêu (2003)
Tác phẩm do Trương Kỷ Trung sản xuất quy tụ dàn sao nổi tiếng: Lý Á Bằng (Quách Tĩnh), Châu Tấn (Hoàng Dung) và Châu Kiệt (Dương Khang). Ngoại cảnh và kỹ xảo giúp phiên bản của Trung Quốc đại lục hoành tráng hơn bản của TVB. Lý Á Bằng có ngoại hình hợp với nhân vật khù khờ, còn Châu Tấn thể hiện được nét lanh lợi của Hoàng Dung. Tưởng Cần Cần trong vai Mục Niệm Từ (người yêu Dương Khang) cũng gây ấn tượng nhờ nhan sắc và các lớp diễn nội tâm.
Thần điêu đại hiệp (1995)
Thần điêu hiệp lữ (còn gọi là Thần điêu đại hiệp) được chuyển thể nhiều lần, trong đó bản 1995 ghi dấu ấn với Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng đóng chính. Bộ đôi của đài TVB có ngoại hình đẹp và lột tả được tình yêu vượt ngoài chuẩn mực đạo đức khi đó giữa nam đệ tử và nữ sư phụ. Sau 20 năm, hình ảnh đẹp không tì vết của Lý Nhược Đồng vẫn in sâu trong tâm trí nhiều khán giả.
Tác phẩm lấy bối cảnh Nam Tống thời mạt vận, khi Dương Quá từng bước thành cao thủ và phát hiện đại hiệp Quách Tĩnh có liên quan đến cái chết của cha anh (Dương Khang). Chàng trai đứng trước những thử thách của thời cuộc, ân oán, cũng như lời đàm tiếu của mọi người về mối tình giữa anh và Tiểu Long Nữ.
Ỷ thiên đồ long ký (1986)
Tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung được nhiều độc giả biết đến với tên Cô gái Đồ Long. Câu chuyện diễn ra thời Mông Cổ đã chiếm Trung Quốc nhưng đang dần suy yếu. Chàng trai lương thiện Trương Vô Kỵ may mắn học được võ công cao cường, trở thành giáo chủ Minh giáo - tổ chức nổi dậy chống Mông Cổ. Tuy nhiên, anh lại đem lòng yêu quận chúa Mông Cổ tên Triệu Mẫn.
Theo QQ, bản năm 1986 của TVB thành công nhất với diễn viên chính Lương Triều Vỹ, Lê Mỹ Nhàn. Bản năm 2001 cũng được nhiều khán giả nhớ đến nhưng bị chê với Ngô Khởi Hoa - khi đó đã 37 tuổi - đóng vai Trương Vô Kỵ. Ở truyện gốc, nhân vật này chỉ ngoài 20 tuổi. Bản năm 2003 của Trung Quốc thì bị chê ở diễn xuất cứng nhắc của nam chính Tô Hữu Bằng.
Lộc Đỉnh Ký (1998)
Lộc Đỉnh Ký la tiểu thuyết "phong bút" của Kim Dung (tức sau cuốn này, ông không còn viết truyện võ hiệp), diễn ra vào thời vua Khang Hy (nhà Thanh) mới lên ngôi. Tác phẩm có tình tiết khác hẳn các truyện khác của ông khi nhân vật chính - Vi Tiểu Bảo - là kẻ ranh ma và đến hết truyện cũng không thành đại cao thủ. Anh ta vốn xuất thân từ tầng lớp đáy xã hội và vươn dần đến địa vị cao nhờ mưu mẹo.
Lộc Đỉnh Ký có cái nhìn trào phúng với các chủ đề đạo đức cũng như tính xấu của con người - mà qua đó Vi Tiểu Bảo lợi dụng. Nhiều diễn viên từng đóng vai Vi Tiểu Bảo trong phim truyền hình như Lương Triều Vỹ, Trần Tiểu Xuân, Trương Vệ Kiện và Huỳnh Hiểu Minh. Trong đó, lối thể hiện của Trần Tiểu Xuân ở bản năm 1998 (do TVB sản xuất) gây ấn tượng. Vẻ ngoài không đẹp trai của anh cũng được cho là phù hợp với mô tả của Kim Dung hơn các diễn viên khác.
Tân Lộc Đỉnh Ký (1992)
Tác phẩm điện ảnh có tên tiếng Anh là Royal Tramp, gồm hai phần có nội dung nối tiếp nhau và ra mắt cùng năm. Châu Tinh Trì thủ vai chính, đóng cùng các diễn viên Lâm Thanh Hà, Ngô Mạnh Đạt, Lưu Tùng Nhân, Ngô Quân Như, Trương Mẫn, Khâu Thục Trinh và Từ Cẩm Giang. Ngoài nội dung từ truyện, vua hài Hong Kong còn bổ sung các lớp diễn mang đậm phong cách đặc trưng của ông. Tổng doanh thu hai phần đạt 9,9 triệu USD. Phần đầu lọt vào top năm tác phẩm có doanh thu cao nhất Hong Kong năm 1992.
Ân Nguyễn