Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng cảnh báo về những rủi ro xung quanh khả năng FED nâng lãi suất sớm. Vì vậy, Financial Times cho rằng nếu quyết định nâng lãi từ tháng 9, tức là họ đang đi ngược lại quan điểm của 2 tổ chức tài chính lớn, vốn được thành lập với vai trò là "người bảo vệ" cho sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Việc này có thể sẽ tạo ra cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới tại thị trường mới nổi, đặc biệt khi tình hình kinh tế Trung Quốc đang trở thành lo ngại lớn của thị trường sau lần phá giá mạnh NDT hồi tháng 8, ông Basu cho biết. Theo ông, FED nâng lãi suất sẽ dẫn tới làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi và gây biến động mạnh trên thị trường tiền tệ. Khi đó, USD sẽ càng mạnh lên và chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.
"Tôi cho rằng việc FED quyết định nâng lãi suất sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng sẽ gây ra bất ổn ngay lập tức. Nó sẽ có tác động cộng hưởng cùng những số liệu kinh tế tiêu cực từ Trung Quốc. Trong bối cảnh này, nâng lãi suất sẽ gây ra sự hoảng loạn và bất ổn. Kinh tế thế giới sẽ rất chật vật nếu Mỹ hành động trong tháng này. Tôi nghĩ nó sẽ tác động rất lớn đến nhiều quốc gia", ông nói.
FED có thể sẽ phải trải qua một cuộc tranh luận gay gắt trong phiên họp ngày 16 - 17/9 tới về thời điểm nâng lãi suất, và làm thế nào để cân bằng nền kinh tế trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang lao đao vì Trung Quốc suy yếu. Thậm chí, đến nay, các nhà hoạch định chính sách của FED cũng chưa đưa ra được những tín hiệu đồng nhất. Dù thị trường lao động Mỹ vẫn đang cải thiện, các quan chức vẫn lo ngại áp lực lạm phát sẽ suy yếu do USD tăng giá và giá hàng hóa lao dốc.
Chủ tịch FED – bà Janet Yellen đã nhiều lần phát tín hiệu FED sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Từ giờ đến cuối năm, FED chỉ còn 3 cuộc họp. Tuy nhiên, giới quan sát hiện đồn đoán FED hoặc sẽ tăng lãi suất vào tuần tới hoặc chờ tới tháng 12.
Hôm qua, Trung Quốc đã công bố số liệu thương mại tháng 8. Theo đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo hồi tháng 6, World Bank dự báo kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2015, do triển vọng u ám của các thị trường mới nổi, như Trung Quốc và Brazil, và tăng trưởng yếu ớt tại các nước công nghiệp hóa, như Mỹ. Ông Basu cho rằng một khi kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng", các thị trường mới nổi đều sẽ bị ảnh hưởng.
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp. Thậm chí, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ u ám hơn nhiều so với dự đoán của World Bank, sau những gì đã xảy ra trong 2 tuần qua", ông dự báo.
Kim Dung (theo FT)