Trong báo cáo vừa công bố để chuẩn bị cho cuộc họp lãnh đạo tài chính các nước G20 tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét bất ổn tại Trung Quốc và các yếu tố khác, như dòng chảy vốn đảo chiều, đang làm tăng rủi ro lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cơ quan này cảnh báo các nền kinh tế phát triển và mới nổi cần tiếp tục hỗ trợ nhu cầu bằng các biện pháp cải tổ và đầu tư, để đảm bảo các biến động trên thị trường và những rắc rối từ Trung Quốc không đóng băng hoạt động kinh tế trên thế giới. "Sự chuyển dịch của Trung Quốc sang thời kỳ tăng trưởng chậm hơn, dù vẫn khớp với dự báo, dường như đang có ảnh hưởng lớn hơn dự kiến, phản ánh qua giá hàng hóa giảm và chứng khoán đi xuống", báo cáo cho biết.
Đặc biệt, "rủi ro suy giảm trong ngắn hạn với các nền kinh tế mới nổi đang tăng" do biến động gần đây tại Trung Quốc, giá hàng hóa đi xuống, USD mạnh lên và thị trường tài chính lao dốc.
Báo cáo này sẽ được đem ra thảo luận tại cuộc họp của nhóm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 cuối tuần này. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay vẫn được IMF giữ nguyên tại 3,3%.
Tuy nhiên, từ đầu tuần này, Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde cũng đã nhận xét tăng trưởng toàn cầu "có thể yếu hơn dự báo". "Giờ tình hình đã thay đổi rồi. Chúng ta đều đang nhận thấy ảnh hưởng từ sự tái cân bằng của Trung Quốc và việc nước này chuyển sang mô hình tăng trưởng mới", bà nói.
Dù vậy, báo cáo vẫn bày tỏ sự tự tin rằng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục nhích lên trong nửa cuối 2015 và 2016, nhờ giá dầu giảm. Trái lại, giá dầu thấp sẽ là đòn giáng lên các nước đang phát triển, vốn đang chịu ảnh hưởng từ đồng đôla mạnh và NDT yếu. Đôla tăng giá cũng sẽ khiến các công ty có khối nợ bằng tiền tệ này thêm nặng gánh.
IMF nhấn mạnh các rủi ro với kinh tế toàn cầu đang ngày một nhiều lên. Đó là Trung Quốc sẽ không tung biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, giá hàng hóa sẽ giảm sâu, USD tiếp tục tăng mạnh và các công ty ngày càng nặng nợ.
"Nếu các rủi ro này thành hiện thực cùng một lúc, triển vọng toàn cầu sẽ còn yếu hơn nhiều", IMF dự báo. Cơ quan này cũng đề nghị các nước phát triển duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và các chính sách tài khóa "hỗ trợ tăng trưởng". Họ cũng nhấn mạnh các cải tổ cấu trúc sẽ giúp giải phóng nhiều thị trường và khuyến khích tiêu dùng, đầu tư.
Còn tại các nước mới nổi, sự lựa chọn sẽ khó khăn hơn. Giới lãnh đạo "sẽ phải cân bằng giữa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và quản lý các biến động".
Hà Thu (theo AFP)