"Chúng tôi có vẻ đã đạt sự đồng thuận mạnh mẽ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cho biết sáng nay tại Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước G20 ở Nhật Bản, "Vì thế, giờ chúng tôi cần giải quyết các vấn đề kỹ thuật và biến sự đồng thuận này thành thỏa thuận cụ thể".
Cuộc thảo luận tại G20 tập trung vào 2 trụ cột. Một là đánh thuế công ty theo nơi bán ra sản phẩm hoặc dịch vụ, bất kể công ty có văn phòng ở đó hay không. Nếu doanh nghiệp vẫn tìm ra cách ghi nhận lợi nhuận ở nơi có thuế thấp, các nước khi đó sẽ áp dụng thuế tối thiểu trên toàn cầu, theo trụ cột thứ 2.
Facebook, Google, Amazon và nhiều hãng công nghệ lớn khác từ lâu đã bị chỉ trích vì giảm số thuế phải nộp bằng cách ghi nhận lợi nhuận tại các nước có mức thuế thấp, bất kể khách hàng ở đâu. Luật mới đồng nghĩa các công ty đa quốc gia sẽ phải nộp thuế nhiều hơn. Tuy nhiên, nó cũng khiến các nước như Ireland hay Luxembourg khó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn dựa vào chính sách thuế cực thấp như hiện nay.
Anh và Pháp là những nước ủng hộ mạnh mẽ "thuế kỹ thuật số". Họ cho rằng thuế doanh nghiệp hiện tại không còn phù hợp trong bối cảnh lượng lớn dịch vụ và dữ liệu người dùng được kinh doanh qua Internet.
Chính phủ Mỹ từng lo ngại việc châu Âu tính "thuế kỹ thuật số" có thể bất công với các đại gia công nghệ Mỹ. Tại G20 sáng nay, ông Mnuchin cho biết các nước nên đưa ra đề xuất để các bộ trưởng thảo luận, nhằm đảm bảo tính kỹ thuật của thỏa thuận.
Nhóm bộ trưởng dự định họp lần hai trong năm nay để phác thảo chi tiết nội dung. Thỏa thuận có thể hoàn tất vào năm tới.
Hà Thu (theo Reuters)