Vài ngày trước, Nghị viện Châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua quy định mới về bản quyền kỹ thuật số. Theo đó, Google, Facebook và nhiều hãng công nghệ khác có thể sẽ phải đàm phán tiền bản quyền cho các nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ, đồng thời cải thiện khả năng sàng lọc.
Quy định mới vẫn cần được Ủy ban Châu Âu (EC) và các nước thành viên EU thông qua. Tuy vậy, nó hứa hẹn giúp các nghệ sĩ và hãng xuất bản nội dung có nhiều quyền lực hơn, đồng thời đặt thêm gánh nặng chi phí lên các hãng công nghệ. Các công ty truyền thông xã hội dựa trên nội dung của người dùng, như YouTube, Facebook và các trang tổng hợp tin tức, như Google News sẽ bị ảnh hưởng.
Những người nắm bản quyền nhạc, ảnh và các nội dung khác tin rằng quy định mới là cần thiết để đàm phán với các hãng công nghệ như Google hay Facebook khoản phí phù hợp cho các tác phẩm của họ. Họ luôn cho rằng các công ty này kiếm lời gián tiếp từ việc hiển thị nội dung và chạy quảng cáo trên các nội dung của mình.
Với các tác phẩm có bản quyền, những dịch vụ như YouTube của Google đã áp dụng công nghệ quét và phát hiện nội dung được bảo vệ có trong nội dung được đăng tải. Vì thế, người giữ bản quyền có thể chọn gỡ nội dung đó xuống, hoặc vẫn cho chạy quảng cáo và chia sẻ doanh thu với người đăng. Tuy nhiên, với quy định mới, Google và Facebook sẽ bị yêu cầu chặn các nội dung này hiển thị trên nền tảng của mình, dù người nắm bản quyền có yêu cầu hay không.
Một số dịch vụ, như Spotify chọn nội dung họ muốn đăng tải và đàm phán phí bản quyền với chủ sở hữu. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của rất nhiều nền tảng công nghệ, như YouTube, lại phụ thuộc vào nội dung do người dùng đăng tải. Trên đó, họ có thể chia sẻ ảnh, nhạc và đoạn trích từ các phim.
Vì vậy, quy định mới có thể buộc nhiều công ty cân nhắc lại mô hình này. Theo Guardian, chi phí mà Google, YouTube và Facebook phải trả cho các hãng xuất bản nội dung, hãng thu âm và nghệ sĩ có thể lên tới hàng tỷ USD.
Còn nếu đàm phán bản quyền thất bại, các hãng công nghệ sẽ phải lọc ra nội dung có bản quyền từ những gì người dùng đăng tải. Chi phí phát triển bộ lọc cũng sẽ rất lớn. YouTube cho biết họ đã phải chi hơn 100 triệu USD cho hệ thống ID nội dung hiện tại, nhằm phát hiện các nội dung có bản quyền sau khi nó được đăng tải.
“Chi phí sẽ rất lớn, mà không phải đầu tư một lần là xong. Anh còn phải bảo trì hệ thống đó nữa”, Siada El Ramly - Giám đốc EdiMA - một tổ chức tại Brussels đại diện cho Facebook, Google và các nền tảng Internet khác cho biết.
Một điểm khác gây tranh cãi trong quy định mới là yêu cầu các trang như Google News trả phí cho các hãng xuất bản nếu hiển thị một phần nội dung. Google đã cảnh báo rằng việc này có thể khiến làm giảm lượng người dùng từ Google đến các trang báo thông qua tìm kiếm và Google News, do “việc trả tiền để hiển thị một phần nội dung không phải phương án khả thi với tất cả mọi người”.
Trước đó, các quy định tương tự tại châu Âu đã phản tác dụng. Khi Tây Ban Nha áp dụng chính sách tương tự, Google đã đóng cửa dịch vụ Google News tại đây.
YouTube cho biết họ phản đối các quy định mới. Do nó sẽ ảnh hưởng đến sự tự do sáng tạo của những người làm video và ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn thu của những người này.
Những người ủng hộ thì cho rằng các hãng truyền thông, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia đang rất cần doanh thu. Họ đã mất một khoản đáng kể khi nội dung của mình bị phát tán trên các nền tảng kỹ thuật số như YouTube và Facebook.
Luật này lần đầu được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra năm 2016. Tuy nhiên, hồi tháng 7, nó đã bị EP bác bỏ và chỉ mới được thông qua cách đây vài ngày, khi nội dung được sửa đổi một số chỗ, như cho phép các nền tảng nhỏ không phải tuân thủ.
Hà Thu (theo Bloomberg/Guardian)