Sau Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay ra đời, NXB Phụ Nữ tiếp tục thực hiện tuyển tập tác phẩm của các cây bút nữ từ 1986 tới hiện tại. Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương, người theo dõi sát sao đời sống văn học đương đại (vừa giành giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội), là người tuyển chọn tác phẩm cho cuốn sách này. Mục đích của tuyển tập nhằm khắc họa bức tranh toàn cảnh về văn chương nữ Việt Nam đương đại với những truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho các phong cách khác nhau, cách tiếp cận nghệ thuật từ góc nhìn riêng của nữ giới.
Sách tập hợp hơn 20 truyện ngắn, của thế hệ nhà văn nữ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước như: Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Trần Thùy Mai, Lý Lan, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Lập Em. Thế hệ nữ tác giả mới từ những năm 2000 như Đỗ Hoàng Diệu, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên, Phạm Điệp Giang, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy cũng có tác phẩm được chọn. Bên cạnh đó, sách còn đưa vào truyện ngắn của những nhà văn nữ hải ngoại như Mai Ninh, Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà, Thuận, Trần Thị Ngh.
Ở tuyển tập này, độc giả dù lứa tuổi, hoàn cảnh, tâm trạng nào cũng có thể tìm thấy tiếng nói đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu, ví như những xúc cảm chới với trong Mơ hồ quyến rũ của Trần Thanh Hà, sự đau đớn trước những trớ trêu của số phận trong Nhà có ba chị em gái (Võ Thị Xuân Hà), hay hy vọng về một ngày mai với Sông Hậu xuôi về (Nguyễn Lập Em). Các tác phẩm Chim trời day dứt (Dương Thụy) hay Nào ta cùng lãng quên (Nguyễn Thị Thu Huệ)... cũng đồng cảm với tâm trạng nhiều phụ nữ.
Không chỉ là tập hợp những tác phẩm nổi bật, Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay còn dựng chân dung thế hệ viết văn nữ đương thời của Việt Nam. Sách cũng phần nào phản ánh bức tranh văn chương đương đại với các phong cách nghệ thuật khác nhau.
Lam Thu