Tên sách: Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay
Nhiều tác giả, Đoàn Ánh Dương tuyển chọn
Nhà xuất bản Phụ Nữ
Cùng với công cuộc Đổi mới của đất nước, văn học có bước phát triển mạnh. Giai đoạn phát triển này vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên, khoảng thời gian từ 1986 tới nay đã có nhiều truyện ngắn đặc sắc. Trong một giai đoạn có nhiều tác giả thay đổi cách viết, nhiều gương mặt mới xuất hiện và một lượng lớn truyện ngắn hay ra đời, người tuyển chọn đã đưa ra những tiêu chí riêng để lựa tác phẩm đưa vào tuyển tập.
Nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương, người tuyển chọn và giới thiệu các tác phẩm đưa ra tiêu chí của mình là sự cân nhắc đồng thời ba yếu tố: Dư luận bạn đọc khi tác phẩm ra đời, thành tựu của nhà văn đối với thể loại truyện ngắn, và phong cách nghệ thuật của tác giả. Từ đó, anh lựa chọn được 25 tác phẩm đặc sắc cho cuốn sách.
Những năm nửa sau thập niên 1980, có rất nhiều nhà văn từ trong nền văn học lãng mạn cách mạng tự làm mới mình để thích ứng với đời sống thế sự. Hai tác giả đại diện cho giai đoạn này chính là Ma Văn Kháng và Lê Minh Khuê. Cả Ma Văn Kháng và Lê Minh Khuê đều chọn truyện ngắn là “nghiệp” viết của mình. Đổi mới đã mang tới những thay đổi trong cách viết của họ. Tác phẩm của họ hiện diện như một sinh thể mới với cái nhìn về nghệ thuật và cuộc đời khác hẳn. Những thay đổi mới mẻ đó được thể hiện rõ trong hai tác phẩm đưa vào tuyển tập này là Một chiều dông gió (Ma Văn Kháng) và Ga xép (Lê Minh Khuê).
Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm được lựa chọn Tướng về hưu đã dựng nên một tượng đài, một khởi đầu mới cho truyện ngắn giai đoạn Đổi mới tới nay. Tiếp sau đó là những tác giả mà nhà phê bình Đoàn Ánh Dương gọi là “những kiến trúc sư lứa đầu” của truyện ngắn thời sau Đổi mới như Nguyễn Quang Lập (Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri), Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền), Nguyễn Quang Thiều (Mùa hoa cải bên sông), Bảo Ninh (Gió dại).
Trong thế hệ nhà văn mới xuất hiện từ sau Đổi mới, nổi lên những cây bút nữ. Tác phẩm của họ đã để lại những dấu ấn sâu đậm về nữ tính và nữ quyền. Đó là Võ Thị Hảo với Người sót lại của Rừng Cười, là Trần Thùy Mai (Dòng suối cạn nguồn), Nguyễn Thị Thu Huệ (Hậu thiên đường), Võ Thị Xuân Hà (Đàn sẻ - ri bay ngang rừng), Phan Thị Vàng Anh (Khi người ta trẻ). Những truyện ngắn này cùng với các tác phẩm khác đã tạo nên một giai đoạn rực rỡ nhất trong văn học giới nữ ở Việt Nam từ trước tới nay. Bên cạnh đó, thế hệ những “kiến trúc sư lứa đầu” còn có những giọng văn hết sức độc đáo, tiêu biểu là Nguyễn Việt Hà với Mãi không tới núi và Miền cỏ hoang.
Sang thế kỷ 21, xuất hiện thế hệ nhà văn trẻ với giọng điệu riêng. Đó là Ngô Phan Lưu (Buổi sáng biến mất), Đỗ Bích Thúy (Ngải đắng trên núi), Nguyễn Ngọc Thuần (Bảo vệ), Trần Nhã Thụy (Băng đầu trọc), Nguyễn Ngọc Tư (Sầu trên đỉnh Puvan), Nguyễn Danh Lam (Mưa tháng mười một). Những nhà văn trẻ này thường chia sẻ về sự đổ vỡ của một xã hội tiêu dùng và sự lên ngôi của văn hóa đại chúng trong tác phẩm của mình.
25 truyện ngắn của 25 tác giả trong hơn 300 trang sách tuy không thể thể hiện đầy đủ những thành tựu của truyện ngắn Việt Nam từ Đổi mới tới nay. Song những tác phẩm xuất sắc ấy đủ giúp người đọc hình dung về một giai đoạn mà văn học phát triển rầm rộ, và khẳng định vai trò của thể loại truyện ngắn trong văn học.
Hiền Đỗ