Người tiêu dùng mong chờ giảm giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phía doanh nghiệp cam kết giảm giá bán với mặt hàng xe trong nước, đổi lại Bộ Tài chính tính toán điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô.
Tại cuộc họp bất thường sáng nay, cùng với các thành viên trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô (VAMA), còn có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất xe tải nằm ngoài hiệp hội.
Phía các doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết mặt hàng ôtô chiếm bao nhiêu phần trăm trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI. Đồng thời, họ tiếp tục "than thở" về những khó khăn đang gặp phải khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm và lượng xe cũ nhập khẩu có xu hướng tăng cao trên thị trường.
Bộ Tài chính cho rằng, tuy ôtô chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI song đây lại là mặt hàng "nóng" mà người tiêu dùng quan tâm. Theo bộ, thời gian qua, các nhà sản xuất trong nước đã "mang tiếng là bán sản phẩm chất lượng chưa tốt với giá cao". Do vậy, đây là thời điểm tốt để các nhà sản xuất lấy lại hình ảnh với người tiêu dùng. Hơn nữa, trong lúc cả nước đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt cơn sốt giá hàng hóa, việc giảm giá bán sản phẩm cũng là cách san sẻ gánh nặng với cơ quan Nhà nước.
Sau khi nghe lãnh đạo phân tích rõ thiệt hơn, đại diện các doanh nghiệp đều cam kết sẽ giữ ổn định giá bán, đồng thời xem xét cắt giảm tối đa chi phí, tiến tới hạ giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn bằng việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ôtô. Bởi một khi thuế giảm, hàng về nhiều, sản lượng xe trong nước sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu thị trường thì chẳng cần cơ quan quản lý "giục", xe trong nước sẽ tự giảm giá.
Trao đổi với báo giới ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nhìn nhận buổi đối thoại với doanh nghiệp đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán. Một số đơn vị cho biết sẽ giảm giá bán ngay, số khác thì cam kết cắt giảm chi phí để tiến tới giảm giá thành trong thời gian tới.
"Doanh nghiệp trong nước làm ăn như thế nào, khó khăn ra sao, cơ quan quản lý đều biết. Hiện nay, thuế chiếm gần 60% cơ cấu giá thành của các doanh nghiệp. Chúng tôi ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và sẽ xem xét đến việc giảm thuế linh kiện phụ tùng ôtô", ông Trung nói.
Chưa rõ thời điểm và mức giảm
Tuy nhiên, khi VnExpress đặt câu hỏi các nhà sản xuất cam kết giảm giá vào thời điểm nào, giảm đối với chủng loại xe nào thì Thứ trưởng Trương Chí Trung cho rằng đây là việc do các doanh nghiệp tự tính toán.
"Chúng tôi không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép doanh nghiệp vì mặt hàng ôtô do thị trường tự điều tiết. Tuy nhiên với tất cả các biện pháp mà doanh nghiệp áp dụng như cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân công, quảng cáo, khuyến mại... thì có quyền hy vọng giá xe sẽ giảm trong thời gian tới", vị Thứ trưởng này nhấn mạnh.
Trên thực tế, thời gian qua, mặt hàng ôtô trong nước đang chịu rất nhiều sức ép khi Nhà nước bắt đầu cắt giảm bảo hộ. Chỉ tính trong vòng 2 năm trở lại đây, thuế nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc 3 lần được cắt giảm từ 100% xuống 90%, 80% và hiện có mức 70%. Việc cho phép nhập khẩu ôtô cũ cũng là bước đệm tiếp theo để cơ quan quản lý tiếp tục cắt giảm bảo hộ, tạo sức ép để các nhà sản xuất nâng cao chất lượng và tiến tới giảm giá bán trong nước.
Hồng Anh