Nhà tôi ở Hà Nội, có 3 tầng, sân thượng có diện tích 50 m2, đã tính toán khả năng chịu lực. Tôi mong muốn xây bể có kích thước khoảng 3x2 m, cao 0,8 m, nhưng không biết liệu có đủ cho cá phát triển.
Ngoài ra, xin chuyên gia tư vấn giúp tôi cách chống thấm, mái che, phương án thiết kế phù hợp với thời tiết và chi phí!
Lâm
Chuyên gia tư vấn:
Chào bạn, xây bể cá Koi trên sân thượng vừa tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho gia đình, vừa có tác dụng điều hòa không khí, làm mát không gian tầng dưới. Giải pháp này thường phù hợp với những ngôi nhà phố hoặc diện tích sân vườn hạn chế.
Tôi xin tư vấn theo từng ý bạn hỏi như sau:
Kích thước
Bạn dự tính làm thành bể cao 0,8 m, theo tôi là hơi thấp. Con số này chỉ phù hợp khi là mực nước trong bể, hoặc nuôi những loại cá nhỏ.
Trường hợp cần nuôi cá to và để phòng tránh việc cá nhảy ra ngoài, bạn nên thiết kế bể cao thêm khoảng 0,4 m nữa. Thành bể có thể xây trơn hoặc thiết kế dạng đá xếp cho phù hợp với cảnh quan xung quanh.
Sân thượng nhà bạn 50 m2, tương đối rộng so với các nhà phố ở Hà Nội. Vì vậy, ngoài 6 m2 bể cá, phần diện tích còn lại bạn nên bố trí chỗ ngồi ngắm cảnh, sân vườn để hài hòa.
Mái che
Về cơ bản, giống cá Koi dễ nuôi, có thể thích nghi tốt với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau dù nắng nóng hay lạnh, chủ yếu là môi trường nước phải phù hợp. Nên khi thiết kế bể cá trên tầng thượng có thể thiết kế mái che hoặc không tùy vào sở thích của gia chủ. Mái che có thể làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như kính cách nhiệt, tấm lợp nhựa poly, tôn, lá...
Nếu không muốn lợp mái thì khu vực bể hoặc xung quanh thành bể nên kết hợp đặt hòn non bộ tạo nơi trú ngụ cho cá. Ngoài ra, có thể trồng cây tạo bóng mát, cung cấp thêm oxy cho cá sinh trưởng.
Chống thấm
Bạn có thể cân nhắc giữa các cách chống thấm phổ biến như xi măng, sơn hay dùng bạt.
Trong đó, phương án sử dụng bạt lót dưới bể cá được nhiều người chọn do tốn ít chi phí, thi công nhanh, thuận tiện khi cần mở rộng hoặc thu nhỏ diện tích sử dụng. Nhược điểm là độ bền không cao.
Nếu bạn dùng xi măng hay sơn chống thấm thì nên dùng loại chuyên dụng cho bể cá Koi, để tránh tạo ra rêu mốc, giữ nước sạch. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ thành phần của vật liệu nhằm hạn chế rủi ro các chất hóa học có hại sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá.
Chi phí
Nhìn chung, chi phí làm bể cá Koi trên sân thượng sẽ cao gấp 3 lần so với làm dưới mặt đất. Ngoài diện tích, chi phí thực tế còn tùy thuộc vào vật liệu cấu thành, chi tiết phụ kiện đến tiểu cảnh trang trí.
KTS Đoàn Mạnh
Combo Home