Ngày 3/9, TS. BS Lê Thị Thu Nga, khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết HPV gây ra mụn cóc trên da. HPV được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc với bộ phận bị nhiễm bệnh của cơ thể. HPV có thể tồn tại trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
HPV được chia thành hai nhóm chính. Nhóm một là các loại HPV nguy cơ thấp, gây ra mụn cóc (u nhú) trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn của cả nam và nữ. Loại HPV này hiếm khi gây ung thư nên chúng được gọi là virus nguy cơ thấp. Nhóm còn lại là các loại HPV nguy cơ cao, có thể gây ung thư, phổ biến là HPV 16 và 18.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất liên quan đến HPV. Gần như tất cả bệnh ung thư cổ tử cung đều do HPV gây ra. Ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm và ngăn ngừa bằng các xét nghiệm sàng lọc định kỳ (xét nghiệm PAP) và bằng vaccine.
Hầu hết ung thư âm đạo và tổn thương tiền ung thư âm đạo đều do HPV. Những tiền ung thư này đôi khi được tìm thấy bằng xét nghiệm PAP - phương pháp được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung.
Ung thư miệng và họng liên quan đến HPV phổ biến nhất ở nam giới. Bệnh có thể được phát hiện sớm khi khám định kỳ.
Ngoài ra, HPV còn liên quan đến ung thư âm hộ, ung thư dương vật và ung thư hậu môn.
Theo bác sĩ Nga, không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa nhiễm tất cả loại HPV, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm khả năng mắc bệnh. Ví dụ sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục giúp hạn chế lây nhiễm virus HPV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Quan hệ chung thủy với bạn tình giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với virus sinh dục.
Vaccine HPV được sử dụng cho cả nam và nữ, có thể ngăn ngừa nhiễm một số loại virus HPV nhất định. Để có tác dụng tốt nhất, nên chủng ngừa vaccine trong độ tuổi từ 9 đến 12. Thanh thiếu niên và thanh niên từ 13 đến 26 tuổi chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi nên tiêm càng sớm càng tốt. Không khuyến nghị chủng ngừa HPV cho những người trên 26 tuổi.
Lê Nga