Julian Assange, người sáng lập trang WikiLeaks từng công bố hàng nghìn email về các hoạt động quân sự, tình báo tuyệt mật của Mỹ, đang bị Anh bắt và xét xử sau khi bị hủy cơ chế tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London. Vụ bắt người của cảnh sát Anh chấm dứt 7 năm ẩn náu trong đại sứ quán của Assange và mở ra tương lai đầy bất định với người đàn ông 47 tuổi này.
Cảnh sát Anh từng bắt Assange vào năm 2011 và Tòa án Cấp cao London tuyên bố cần dẫn độ ông này về Thụy Điển để điều tra cáo buộc cưỡng hiếp hai tình nguyện viên của WikiLeaks vào năm 2010. Sau khi kháng cáo bất thành, Assange nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại và trốn vào đại sứ quán Ecuador từ tháng 6/2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển. Ông được chính quyền tổng thống Ecuador khi đó là Rafael Correa cho phép tị nạn và được cấp quyền công dân vào năm 2017.
Dù Thụy Điển đã kết thúc cuộc điều tra đối với Assange từ giữa năm 2017, tòa án Anh vẫn xét xử ông này với tội danh vi phạm thỏa thuận bảo lãnh. Với hành vi này, Assange có thể bị kết án khoảng 12 tháng tù.
Thụy Điển từng tuyên bố họ có thể mở lại cuộc điều tra với Assange "khi tình hình thay đổi", bởi thời hiệu điều tra cáo buộc hiếp dâm của ông này chỉ hết vào giữa tháng 8/2020. Nếu Thụy Điển mở lại điều tra, họ có thể ban hành Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) và yêu cầu Anh dẫn độ Assange về nước này để xét xử.
Tuy nhiên, văn phòng Chánh Công tố Thụy Điển hôm qua tuyên bố vụ bắt Assange được tiến hành quá bất ngờ nên nước này chưa thể quyết định được sẽ làm gì tiếp theo với cuộc điều tra ông chủ WikiLeaks.
Bởi vậy, giới quan sát tin rằng nguy cơ lớn hơn đối với ông chủ WikiLeaks là kịch bản bị Anh dẫn độ về Mỹ, quốc gia vừa công bố cáo trạng cho rằng Assange đã cấu kết với cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning để tiếp cận một máy tính bảo mật của chính phủ. Một quan chức Mỹ hôm qua tiết lộ nhà chức trách nước này đã chuẩn bị sẵn lệnh bắt và giấy tờ dẫn độ đối với Assange.
Tài liệu tòa án Mỹ cho thấy Bộ Tư pháp nước này từ năm ngoái đã lập hồ sơ truy tố Assange nhưng không công bố tội danh. Đây là điều đáng chú ý, bởi chính bộ này dưới thời tổng thống Barack Obama đã từ chối truy tố Assange, với lý do cáo trạng của họ có thể vi phạm quy định về quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp trong trường hợp WikiLeaks được coi là một cơ quan báo chí.
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Assange bắt nguồn từ việc ông này tiết lộ các tài liệu nhạy cảm của chính phủ Mỹ liên quan tới Chiến tranh Iraq năm 2010, được Chelsea Manning bí mật tuồn cho WikiLeaks. Assange bị cáo buộc âm mưu tiết lộ thông tin mật có thể được sử dụng để gây tổn hại cho nước Mỹ.
Theo đó, Assange bị cho là đã hợp tác với Manning để bẻ khóa mật khẩu một hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ để chuyên gia phân tích tình báo này có thể đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản của người khác để tải dữ liệu về và sau đó trao lại cho WikiLeaks. Manning năm 2013 bị tòa án quân đội Mỹ kết án 35 năm tù vì tội cung cấp trái phép thông tin mật, nhưng đến năm 2017 được tự do theo quyết định giảm án của tổng thống Obama.
Cáo buộc với Assange không liên quan đến việc WikiLeaks công bố các email được đánh cắp từ máy chủ của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Chính phủ Mỹ cho rằng những email này đã bị tin tặc Nga chiếm đoạt như một phần trong nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử.
Điều đó chứng tỏ Assange nhiều khả năng sẽ tránh được nguy cơ bị truy tố theo Đạo luật Gián điệp và có thể sẽ phải chịu mức án tối đa 5 năm tù nếu bị tòa án Mỹ tuyên có tội. Nếu bị truy tố về hành vi phản bội theo Đạo luật Gián điệp, Assange có thể phải đối mặt với án tử hình, mức án vẫn được áp dụng tại một số tòa án cấp bang và liên bang của Mỹ.
Tổng thống Ecuador Lenin Moreno hôm qua tuyên bố ông đã nhận được giấy đảm bảo của Anh rằng sẽ không dẫn độ Assange tới quốc gia có thể tra tấn hoặc kết án tử hình ông này. Tuy nhiên, với việc Mỹ truy tố ông chủ WikiLeaks hành vi với án tù có thời hạn, London sẽ không vi phạm thỏa thuận nếu giao nộp Assange cho Washington.
Assange từ lâu tuyên bố rằng vụ bắt ông ở Anh là tiền đề cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ. Điều này được thể hiện rất rõ qua lời nói, hành động của ông khi bị bắt. Trong video được truyền thông công bố, Assange có những cử chỉ phản đối và nói rằng "nước Anh cần phản kháng" trong khi bị nhóm cảnh sát mặc thường phục áp giải lên xe chuyên dụng.
Tuy nhiên, thẩm phán tòa án Anh lại có nhiều lựa chọn để xử lý vụ này, không phải chỉ có duy nhất phương án dẫn độ về Mỹ như Assange lo sợ. Chẳng hạn như ông chủ WikiLeaks có thể được thả tự do sau khi chấp hành bản án 12 tháng tù nếu thẩm phán cho rằng cáo trạng của phía Mỹ đối với ông này mang động cơ chính trị.
Kịch bản này hoàn toàn có khả năng, bởi đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ có nhiều lý do để tức giận với Assange vì đã công bố các email của họ được cho là bị tình báo Nga đánh cắp trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Chính quyền Tổng thống Trump cũng muốn săn đuổi Assange để chứng tỏ rằng Trump không thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử và cũng không ủng hộ WikiLeaks vì hành động có lợi cho mình.
Bởi vậy, thẩm phán Anh có thể cho rằng phiên tòa xét xử Assange ở Mỹ chắc chắn sẽ bị tác động bởi yếu tố chính trị và từ chối dẫn độ. Tòa án Anh thỉnh thoảng vẫn từ chối yêu cầu như vậy của Mỹ. Theo số liệu được chính phủ Anh công bố với Hạ viện, họ đã từ chối 14 trong số 106 yêu cầu dẫn độ được Mỹ đưa ra trong giai đoạn 2007-2014, trong đó có hai trường hợp liên quan đến nhân quyền.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định khả năng London từ chối yêu cầu dẫn độ Assange do Washington đưa ra là rất thấp, bởi Anh là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và quyết định từ chối dẫn độ vì yếu tố chính trị có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Nếu Anh nhận được yêu cầu dẫn độ Assange từ cả Mỹ và Thụy Điển, Bộ Nội vụ Anh sẽ phải quyết định ưu tiên yêu cầu nào trước dựa trên nhiều yếu tố như tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở từng nước hay ngày họ nhận được yêu cầu dẫn độ.
Trong trường hợp Anh chấp thuận yêu cầu của Mỹ theo hiệp ước dẫn độ được hai nước ký năm 2003, Assange cùng đội ngũ luật sư của mình nhiều khả năng sẽ tham gia vào một cuộc chiến pháp lý lâu dài nhằm chống lại lệnh dẫn độ tại các tòa án của Anh. Assange sẽ dự phiên tòa tiếp theo xem xét khả năng dẫn độ vào ngày 2/5.
Để đưa ra quyết định cuối cùng về việc dẫn độ, tòa án Anh sẽ phải kết luận rằng không có bất cứ yếu tố nào cản trở quá trình đưa Assange tới Mỹ. Tháng 2/2018, Laurie Love, công dân Anh bị cáo buộc tấn công hệ thống máy tính chính phủ Mỹ, đã kháng cáo thành công phán quyết dẫn độ về Mỹ, sau khi một thẩm phán tuyên bố rằng việc dẫn độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Love.
Thành Nguyễn (Theo WP, Wired)