Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các nhà băng cơ cấu lại hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước 1/8 năm nay (phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính).
Trong khi theo quy định hiện nay, chỉ có các khoản vay phát sinh trước 10/6/2020 mới được phép cơ cấu nợ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước quy định khoản vay muốn được cơ cấu phải nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022. Ngoài ra, còn một số quy định cụ thể khác liên quan đến thời hạn thanh toán và trả nợ được xem là "điều kiện cần" nếu cơ cấu nợ cho khách hàng.
Việc nới diện khách hàng được cơ cấu nợ xuất phát từ đợt dịch Covid-19 lần 4 có phạm vi, mức độ ảnh hưởng rộng và nghiêm trọng. Qua tổng hợp ý kiến của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Trước đó, một số doanh nghiệp và ngân hàng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới thời hạn cơ cấu nợ dài hơn 12 tháng, do thời gian cơ cấu này là quá ngắn và doanh nghiệp chưa thể kịp hồi phục. Tuy nhiên, đề xuất này không được Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi trong dự thảo lần này.
Thời gian cơ cấu lại hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) theo dự thảo vẫn được quy định là 12 tháng kể từ ngày ngân hàng cơ cấu hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định ngân hàng được quyền miễn, giảm lãi, phí đối với dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 năm nay từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Ngân hàng Nhà nước quy định, việc cơ cấu lại hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng dự kiến thực hiện đến ngày 30/6 năm sau.
Quỳnh Trang