Tashfeen Malik, nữ nghi phạm tham gia vụ xả súng tại trung tâm dịch vụ xã hội Mỹ, đã đăng thông điệp thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook bằng tài khoản mang tên khác.
Cuối tuần qua, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng viên số một của đảng Dân chủ Hillary Clinton cùng kêu gọi các công ty công nghệ nên có những hành động cụ thể hơn để chống lại khủng bố và ngăn chặn các nội dung tuyên truyền của IS.
"Tôi kêu gọi các lãnh đạo công nghệ và các nhà thực thi pháp luật cần hợp tác và khiến những kẻ khủng bố gặp khó khăn hơn khi sử dụng công nghệ để liên lạc ẩn danh", Obama tuyên bố.
Nhiều năm qua, chính quyền Obama đã liên tục thuyết phục các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft cài "cổng hậu" (backdoor) vào sản phẩm của họ, tức là các hãng sẽ nắm một bộ khóa mã riêng phòng khi các nhà thực thi luật pháp cần đến để truy cập điện thoại và máy tính của người sử dụng.
Trong thư gửi Obama hồi tháng 5, Facebook đã phản đối đề nghị về backdoor. Tuy nhiên, mạng xã hội này hiện thừa nhận rằng hình thức liên lạc của khủng bố đã thay đổi và Facebook sẵn sàng hành động.
"Chúng tôi đồng tình với chính phủ trong việc gỡ bỏ nội dung khủng bố khỏi mạng xã hội. Facebook không chấp nhận những kẻ khủng bố, những nội dung tuyên truyền bạo lực và chúng tôi đã nỗ lực để xóa chúng nhanh nhất có thể", phát ngôn viên của Facebook trả lời IBTimes.
Mãng xã hội này đã gỡ bỏ nội dung của Tashfeen Malik cuối tuần trước, nhưng giới phân tích lo ngại rằng nữ nghi phạm này đã sử dụng Facebook và các công cụ trực tuyến khác để liên lạc, chia sẻ thông tin khủng bố. "Malik thường nói chuyện bằng tiếng Ả-rập với ai đó qua Internet vào buổi tối. Không thành viên nào trong gia đình ở Pakistan biết tiếng Ả-rập nên chúng tôi không biết nó nói về cái gì", một người thân của nữ nghi phạm tiết lộ với New York Daily News.
Các hãng công nghệ thường xuyên nhận được lệnh từ chính phủ, tòa án... trong việc giúp các nhà thực thi luật pháp tìm kiếm thông tin liên quan đến các nghi phạm. Từ năm 2013, Facebook, Apple, Google, Tumblr, Twitter, Verizon và Yahoo... đã công khai về số lần đề nghị hợp tác của chính phủ qua mỗi năm.
Các mạng xã hội luôn sẵn lòng đóng cửa các tài khoản khủng bố, như Telegram đã chặn 78 kênh liên quan đến IS sau vụ xả súng ở Paris giữa tháng 11, hay hồi tháng 4, Twitter từng đóng 10.000 tài khoản trong một ngày vì chứa thông điệp mang tính đe dọa.
Tuy nhiên, ngành công nghệ luôn phản đối việc tạo "cổng hậu" như yêu cầu của chính phủ Mỹ với lý do họ cần tôn trọng và bảo vệ sự riêng tư của người dùng. Chưa kể, nguy cơ chính phủ các nước khác và hacker tìm ra cách khống chế cổng hậu đó là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đầu tuần này, Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa của Hạ viện Mỹ, cho hay ông sẽ đề xuất thành lập một ủy ban đặc biệt với nhiệm vụ xem xét ngành công nghệ có thể làm gì để giúp chống khủng bố.
McCaul cho hay ủy ban đó sẽ không ép các hãng phải tạo backdoor trong sản phẩm, nhưng cần tìm ra một giải pháp hiệu quả khác bởi những kẻ khủng bố đang ở trong bóng tối, liên lạc qua những công cụ được mã hóa mà họ không thể tiếp cận được.
Công nghệ mã hóa ra đời để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng được lưu trong thiết bị và khi giao dịch qua Internet, như thông tin thẻ tín dụng, các tài khoản e-mail, các cuộc trò chuyện, hình ảnh và video riêng tư... Nhưng bản thân công nghệ không thể phân biệt người tốt kẻ xấu, nên đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho khủng bố.
Theo IBTimes, các công ty công nghệ từ chối bình luận về kế hoạch trên vì lo ngại phát ngôn của họ nếu không thận trọng sẽ gây hiểu nhầm và gây ra những phản ứng tiêu cực: hoặc bị quy kết là không bảo vệ người dùng, hoặc bị cho là không tích cực chống khủng bố.
"Chúng tôi muốn xem bản dự thảo cũng như mục đích của ủy ban đó là gì trước khi đưa ra những giải pháp. Chúng tôi không muốn nó là con đường đi vòng để dẫn đến việc tạo ra cổng hậu", lãnh đạo một hãng công nghệ lớn ở Mỹ nói.
Minh Minh