"Tôi kêu gọi các lãnh đạo công nghệ và các nhà thực thi pháp luật cần khiến cho những kẻ khủng bố gặp khó khăn hơn khi sử dụng công nghệ để liên lạc ẩn danh", Obama tuyên bố.
Theo CNN, thông điệp của Obama không nói cụ thể, nhưng có thể ông nhắc tới công nghệ mã hóa. Các tổ chức khủng bố đang liên lạc qua những công cụ mã hóa để ngăn bị theo dõi khiến các nhà điều tra không thể lần theo.
WhatsApp và Telegram - công cụ nhắn tin yêu thích của khủng bố - là những ứng dụng hỗ trợ gửi tin nhắn mã hóa. Ứng dụng Signal thậm chí còn mã hóa cả cuộc gọi. Wickr cho phép gửi tin nhắn tự hủy và Facebook cũng đang thử nghiệm tính năng tương tự với một nhóm nhỏ người dùng. FaceTime mã hóa các cuộc chat hình trên thiết bị iOS trong khi PGP giúp bảo mật e-mail. Tất cả những công cụ trên đều là dịch vụ hợp pháp, được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Thực tế là, công nghệ giúp bảo vệ cuộc trò chuyện riêng tư giữa bạn và người thân cũng là công cụ an toàn cho kẻ khủng bố ở Syria liên lạc với tay sai của chúng tại Mỹ để thực hiện các vụ xả súng đẫm máu. Giới điều tra liên tục gặp khó khăn vì thiết bị mà khủng bố sử dụng bị khóa. Dù nắm trong tay điện thoại của kẻ tình nghi, cảnh sát đôi khi cũng không thể lấy được thông tin trên máy.
Sản phẩm của Apple và Google cho phép chỉ chủ nhân của thiết bị mới có thể mở được. Chính Apple thừa nhận, 90% smartphone và tablet của họ đang chạy bản iOS 8 trở lên, nên việc nhờ họ mở khóa là "bất khả thi". Những thiết bị này trang bị tính năng nhằm ngăn bất cứ ai, kể cả Apple, có thể truy cập trừ khi được chủ sở hữu cung cấp passcode (mã khóa). Tính năng này bắt đầu được Apple triển khai từ năm 2014 sau những thông tin rò rỉ từ cựu điệp viên Edward Snowden rằng nhiều chính phủ đang âm thầm thực hiện các chương trình theo dõi người dùng Internet.
Chính quyền Obama từng thuyết phục Apple, Google, Microsoft cài "cổng hậu" vào sản phẩm của họ, tức các hãng sẽ tạo một bộ khóa mã riêng phòng khi các nhà thực thi luật pháp cần đến để truy cập điện thoại và máy tính của người sử dụng.
Các hãng công nghệ đã lập tức phản đối với lý do họ cần bảo vệ sự riêng tư của người dùng. Chưa kể, nguy cơ chính phủ các nước khác và hacker tìm ra cách ăn cắp bộ khóa này là hoàn toàn có thể xảy ra.
Dù chấp nhận lý do trên, phát biểu của Barack Obama thể hiện mong muốn các công ty công nghệ cùng chung tay tìm kiếm những giải pháp khác để hỗ trợ việc lần tìm khủng bố hiệu quả hơn.
Minh Minh