Steve Jobs đã qua đời cách đây hơn một thập kỷ, nhưng ông để lại cho Apple và các giám đốc điều hành câu nói truyền cảm hứng: "Dù điều gì đang diễn ra bên trong vỏ của một chiếc smartphone hay một chiếc máy tính, điều duy nhất quan trọng đối với người tiêu dùng là chúng mang lại trải nghiệm kỳ diệu".
Tại sự kiện ngày 8/3, Apple thể hiện sự "kỳ diệu" đó bằng việc giới thiệu chip M1 Ultra với sức mạnh hàng đầu. Theo FT, thông số chip mới khiến người dùng bình thường không khỏi mê mẩn. Quan trọng hơn, nó cho thấy sự nỗ lực tự chủ của Apple ở mảng bán dẫn đã lên tầm cao mới, không còn phụ thuộc vào các đối tác cung cấp CPU ở mảng máy tính.
Google cũng bắt đầu quá trình tự chủ tương tự khi phát triển chip xử lý Tensor cho smartphone năm ngoái. Theo Nikkei Asia, công ty đang có kế hoạch tung ra CPU cho laptop và tablet trong năm 2023. Trước đây, Google đã phát triển chip nội bộ cho trung tâm dữ liệu, nhưng vẫn hạn chế trên các sản phẩm tiêu dùng.
"Thiết kế chip tiên tiến là cuộc chơi tốn kém, nhưng Google với tư cách là một trong những công ty sử dụng chất bán dẫn lớn nhất thế giới, sẽ đủ khả năng để tham gia", Linley Gwennap, nhà phân tích của The Linley Group, nói với Tech Monitor.
Đầu năm nay, Nvidia - nhà cung cấp chip đồ họa GPU hàng đầu - cho biết đang thành lập đội nghiên cứu CPU tại Israel. Công ty đã thất bại trong việc mua lại ARM, nhưng vẫn quan tâm đến việc phát triển CPU và đặt mục tiêu cho ra sản phẩm mới trong tương lai gần.
Nhiều hãng công nghệ lớn khác, như Amazon, Microsoft, cũng bắt đầu thiết kế chip của riêng mình. Trong đó, Amazon phát triển chip cho máy chủ trung tâm dữ liệu và chip AI tùy chỉnh cho Amazon Web Services, Facebook nghiên cứu CPU cho trung tâm dữ liệu từ 2019, còn Microsoft dự kiến cho ra CPU mới cho máy tính Surface thời gian tới, theo Bloomberg.
Tại sao tự chủ CPU lại quan trọng?
Malcolm Penn, CEO của công ty nghiên cứu Future Horizons, cho rằng việc tự chủ chip giúp các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) có thể dễ dàng tùy biến sản phẩm của mình tốt hơn. "Về cơ bản, chip tùy chỉnh của từng OEM luôn cung cấp hiệu suất hệ thống tốt nhất. Chẳng hạn, nếu Google tự sản xuất bộ xử lý, họ sẽ có cách làm tăng hiệu suất hệ thống cho thiết bị của họ hơn là khi dùng chip từ bên ngoài", Penn giải thích với Tech Monitor.
Eric Tseng, CEO của Isaiah Research, đánh giá tự sản xuất chip là điều nên làm nhằm tích hợp phần mềm và phần cứng tốt hơn, ít bị các nhà cung cấp chip gốc đặt hạn chế về thông số sản phẩm. Bên cạnh đó, các công ty chủ động về nguồn lực R&D và phản ứng nhanh hơn với thay đổi của thị trường.
"Quan trọng nhất, việc tự chủ giúp các sản phẩm tăng sức cạnh tranh nhờ tạo sự khác biệt so với các đối thủ khác", Tseng nói với Tech Monitor.
Theo Penn, tạo một CPU giờ đây cũng không quá khó. Một công ty có thể thiết kế chip dựa trên kiến trúc ARM và thông qua nhà cung cấp phần mềm thiết kế điện tử tự động hóa điều khiển (EDA). Chip sẽ được sản xuất nhanh chóng qua những công ty chuyên gia công như TSMC.
"Làm chip giờ cũng dễ như thiết kế áo phông cho riêng mình vậy. Giá cả cũng phải chăng hơn", Penn nói. "OEM chỉ cần hoàn tất giai đoạn thiết kế, sau đó đi đến xưởng đúc để chế tạo các bộ phận. Tất nhiên, nói không dễ như làm, nhưng nó không còn quá khó khăn như cách đây 5-7 năm".
Ông Penn dự đoán tác động của xu hướng tự chủ CPU nói riêng và mảng chip nói chung đối với ngành công nghiệp bán dẫn sẽ rất lớn. Với xu hướng này, các công ty được lợi sẽ là ARM, cũng như TSMC và Samsung - hai tên tuổi hàng đầu có khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất trên thế giới ở quy mô lớn. Các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực sẽ là những hãng thiết kế chip đã thành danh như AMD và Intel.
Bảo Lâm