Hãng bia lớn thứ hai thế giới InBev, vốn hình thành từ sự sáp nhập của công ty Interbrew của Bỉ và Ambew của Brazil, mới đây thông báo kế hoạch mua lại hãng Anheuser-Busch của Mỹ với giá 46 tỷ USD. Thương vụ này của Inbev nhằm giảm bớt số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Nếu vụ sáp nhập thành công, hãng bia mới từ 2 nhà sản xuất tiếng tăm này sẽ có doanh số hàng năm 36 tỷ USD, vượt xa đối thủ đứng sau là SABMiller với 21 tỷ USD.
Về phần mình, SABMiller cũng đã sáp nhập chi nhánh tại Mỹ với Molson Coors hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi Heineken và Carlsberg liên kết để cùng mua lại một công ty bia của Anh.
Đồng euro mạnh giúp các thương vụ sáp nhập của các hãng bia châu Âu diễn ra thuận lợi. Ảnh: Getty Images. |
Theo các nhà phân tích, động lực phía sau việc các hãng bia tìm cách thâu tóm các đối thủ là nhằm mở rộng phạm vi kinh doanh. Nhà phân tích Kris Kippers của hãng môi giới Petercam tại Bỉ cho hay, việc sáp nhập không chỉ tạo ra mạng lưới phân phối rộng lớn, mà còn mang lại cho các hãng này một lợi thế lớn khi mua nguyên liệu.
"Nếu mua khối lượng nguyên liệu lớn, giá cả có thể sẽ khác, nhất là khi giá đại mạch và hoa hublông (nguyên liệu làm men bia) đang tăng chóng mặt", ông này nói.
Trong khi đó, đồng đôla mạnh đang trợ giúp một cách đắc lực cho các hãng bia của châu Âu trong các thương vụ mua bán công ty. "Nếu tôi là ông chủ của doanh nghiệp châu Âu, tôi sẽ rất sẵn lòng mua các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt khi chi trả bằng đôla", một nhà phân tích cho biết.
Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ tại các thị trường truyền thống của các hãng bia như Tây Âu và Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường tại châu Á và Nam Mỹ lại đang phình rộng, do người dân các nước này ngày càng tiếp cận nhiều với văn hóa phương tây, đặc biệt thế hệ trẻ.
Theo hiệp hội các nhà sản xuất bia châu Âu, trong năm 2007, châu Á "ngốn" 31,8% sản lượng bia toàn thế giới, bằng cả Tây Âu và Mỹ gộp lại. Đây cũng là lý do khiến các hãng bia tăng cường sáp nhập, nhằm có lực mạnh để mở rộng sang các thị trường mới.
Thu Nga (theo AFP)