Hôm 21/5, tờ New York Times đăng một bài viết nói Bắc Kinh "phá hủy một cách có hệ thống" hoạt động của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Trung Quốc trong giai đoạn từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2012. Bài báo cho biết khoảng 18 - 20 điệp viên CIA đã bị giết hoặc tống giam ở Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, đằng sau mối quan hệ có chiều hướng ấm dần lên giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã và đang diễn ra một cuộc chiến bí mật nhằm thu thập các tin tình báo về công nghệ quân sự cũng như nhiều thông tin khác.
Bài viết New York Times đăng tải chỉ tiết lộ phần nổi về hoạt động gián điệp, phản gián giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc gây tổn thất nặng nề cho hoạt động tình báo của Mỹ trong nhiều năm thì Mỹ cũng phanh phui hàng loạt điệp viên cộm cán làm việc cho Trung Quốc.
Larry Wu-tai Chin
Chin, người Mỹ gốc Hoa, là phiên dịch viên tiếng Trung Quốc cho Cục Thông tin Truyền thanh Nước ngoài (FBIS) thuộc CIA. Ông bị cáo buộc bán các tài liệu mật của Mỹ cho Trung Quốc từ năm 1952 đến năm 1985.
Chin đã cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến kế hoạch của tổng thống Mỹ Richard Nixon về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, hai năm trước khi Nixon đến thăm Bắc Kinh.
Năm 1986, Chin bị kết án với 17 tội danh gián điệp, thông đồng với các điệp viên Trung Quốc để chuyển những tài liệu quốc phòng của Mỹ và trốn thuế. Chin đã tự tử trong buồng giam ở bang Virginia bằng cách trùm bao đựng rác vào đầu khi nhân viên an ninh chuẩn bị dẫn giải ông ra tòa. Chin được cho là đã nhận một triệu USD tiền công từ Trung Quốc.
Gwo-Bao Min
Gwo-Bao Min, kỹ sư hàng không người Mỹ gốc Đài Loan, năm 1975 bắt đầu làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore ở bang California, nơi ông nghiên cứu các tài liệu về vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa. Năm 1981, Min bị các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ khi chuẩn bị lên một chuyến bay tới Trung Quốc.
FBI phát hiện ông mang theo những tài liệu trả lời chi tiết cho 5 câu hỏi nhạy cảm, bao gồm một câu hỏi về cách thu nhỏ vũ khí hạt nhân. Các nhà điều tra tin rằng Min đã cung cấp cho Trung Quốc bản thiết kế đầu đạn hạt nhân W70 gắn trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-52 Lance của Mỹ.
Tuy nhiên, các công tố viên sau đó từ chối truy tố Min vì nhận thấy không có bằng chứng thuyết phục để khép ông vào tội gián điệp. Min được đề xuất hai lựa chọn, hoặc tự nguyện thôi việc ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore hoặc nhận quyết định sa thải. Cuối cùng, Min chọn tự xin thôi việc.
Moo Ko-Suen
Suen là doanh nhân Hàn Quốc, từng là đại diện cao cấp cho tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ trên lãnh thổ Đài Loan. Tháng 5/2006, một tòa án liên bang ở bang Miami, Mỹ, tuyên án Suen 6,5 năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Ngoài ra, Suen cũng bị tòa phạt một triệu USD.
Các đặc vụ bắt giữ Suen khi ông đang tìm cách mua thiết bị quân sự Mỹ để gửi về Trung Quốc. Những thiết bị này gồm một động cơ phản lực chiến đấu cơ F-16, một tên lửa hành trình AGM-129A, động cơ trực thăng Black Hawk và các tên lửa không đối không AIM-120.
Katrina Leung
Năm 1982, đặc vụ FBI James Smith, người phụ trách tổ phản gián chống Trung Quốc tại văn phòng FBI ở Los Angeles, tuyển dụng Katrina Leung, người Mỹ gốc Hoa, 28 tuổi. Là một nhà tư vấn doanh nghiệp có tiếng tăm, Leung được đánh giá cao nhờ những mối quan hệ của cô với các quan chức hàng đầu Trung Quốc.
FBI đã xây dựng kế hoạch nhằm giúp Leung được Bộ Công an Trung Quốc (MSS) tuyển dụng để làm việc với vai trò gián điệp hai mang cho Mỹ. Tháng 6/1984, MSS nhận Leung vào làm việc vì nghĩ cô là một nguồn tin hữu ích ở văn phòng FBI tại Los Angeles.
Trong quá trình công tác, Leung đã cung cấp cho Smith thông tin về các vấn đề chính trị, quân sự và hạt nhân Trung Quốc. Song Leung cũng bí mật sao chép các tài liệu quan trọng của Smith mà cô tiếp cận được và chuyển chúng cho phía Trung Quốc.
Tháng 6/1990, FBI nghi ngờ Leung cung cấp cho MSS những chi tiết bí mật trong chương trình phản gián chống Trung Quốc của cơ quan này. Smith bị chất vấn về vai trò quản lý nhưng ông phủ nhận các cáo buộc và thuyết phục cấp trên tin rằng Leung không bao giờ làm những điều như vậy mà không có sự cho phép từ ông.
Sau đó, Smith gặp riêng Leung để đối chất. Leung thừa nhận người quản lý ở Trung Quốc đã phát hiện cô là gián điệp hai mang và ép cô cung cấp thêm thông tin mật.
Một năm sau, FBI thu được đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa một phụ nữ tự xưng là Lou với một quan chức tình báo Trung Quốc. Đặc vụ FBI William Cleveland nghe đoạn băng và nhận ra giọng nói người phụ nữ chính là giọng của Leung. Tuy nhiên, Smith vẫn bảo vệ Leung và thuyết phục cấp trên không nên chấm dứt làm việc với Leung. FBI đã nghe theo lời khuyên này.
Năm 2001, FBI được tòa cho phép giám sát Leung theo Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài. FBI phát hiện Leung lén lút sao chép các tài liệu tối mật từ Smith và chuyển về cho người quản lý cô ở MSS.
Leung bị bắt giữ năm 2003 và khởi tố với tội danh sao chép trái phép thông tin quốc phòng với ý đồ làm lợi cho nước ngoài. Nhưng đến năm 2005, tòa án liên bang Mỹ tại California bác bỏ vụ án của Leung với lý do sai sót trong quá trình điều tra.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Leung thừa nhận tội nói dối FBI và kê khai thuế thu nhập gian dối. Leung bị kết án ba năm quản chế, 100 giờ lao động công ích và 10.000 USD tiền phạt.
Điều đáng nói là trong quá trình làm việc, Leung có mối quan hệ tình ái với cả Smith lẫn William Cleveland. Smith bị bắt vào năm 2003 và bị truy tố vì bất cẩn để Katrina Leung tiếp cận tài liệu mật. Ông cũng bị cáo buộc quan hệ tình ái với Leung suốt 20 năm. Năm 2004, ông thừa nhận tội che giấu FBI về mối quan hệ tình ái với Leung. Ông bị kết án ba năm quản chế tại gia và 100 giờ lao động công ích với tội danh này.
Candace Marie Claiborne
Cuối tháng 3/2017, FBI bắt giữ Candace Marie Claiborne, 60 tuổi, một nhân viên kỳ cựu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, với cáo buộc nhận hàng chục nghìn USD và quà tặng, bao gồm điện thoại iPhone, máy tính xách tay từ các điệp viên Trung Quốc. Bà cũng bị cáo buộc khai báo gian dối với FBI về mối quan hệ với điệp viên Trung Quốc.
Claiborne làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ từ thời tổng thống Bill Clinton và đã kinh qua nhiều vị trí ở các lãnh sự quán, đại sứ quán Mỹ tại Iraq, Sudan, Trung Quốc.
Cáo trạng từ Bộ Tư pháp Mỹ cho hay trong quá trình làm việc tại Bộ Ngoại giao, Claiborne biết rõ hai người đàn ông Trung Quốc mà bà thường xuyên tiếp xúc là nhân viên thuộc các cơ quan an ninh Trung Quốc. Theo cáo trạng, bà đã nhận tiền từ họ để cung cấp các thông tin mật của Mỹ.
Trong thông báo về quyết định khởi tố Claiborne, quyền trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Mary McCord cho biết: "Candace Marie Claiborne đã lợi dụng công việc của bà và khả năng tiếp cận những tài liệu ngoại giao nhạy cảm để trục lợi cá nhân".
Hồng Vân