Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ kết thúc mô hình tổng cục với Tổng cục Quản lý thị trường. Dự kiến Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa được thành lập, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương được chuyển về UBND các tỉnh thành, dự kiến theo mô hình chi cục thuộc Sở Công Thương.
Tại hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 23/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đề nghị lãnh đạo UBND, Sở Công Thương các tỉnh thành phố tiếp nhận nguyên trạng các Cục Quản lý thị trường sau khi có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền. Việc tiếp quản sẽ bao gồm cả người, tài sản, dự án đầu tư chuyển tiếp từ đơn vị quản lý thị trường ở địa phương.
"Việc này cần khẩn trương để mô hình mới của lực lượng quản lý thị trường sớm hoạt động ổn định, bảo đảm chức năng kiểm tra, giám sát thị trường", Bộ trưởng nói.
Theo ông, cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường hàng hóa sẽ rất sôi động, dễ phát sinh sai phạm trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, mọi hoạt động của quản lý thị trường vẫn phải bình thường, không được xảy ra lỗ hổng trong quản lý.
Tổng cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương) được thành lập năm 2018, trên cơ sở nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường. Hiện cơ cấu của lực lượng này được tổ chức theo ngành dọc. Cụ thể, các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của tổng cục. Các đội ở cấp huyện, quận... do cục tại địa phương quản lý.
Ngoài bỏ mô hình tổng cục, theo Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Bộ Công Thương trình Chính phủ, số đầu mối của cơ quan này sẽ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23, giảm 5 đơn vị, tương ứng 17,8%.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể chậm trễ hơn. Ông đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ thực hiện nghiêm chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo ông, Bộ Công Thương xác định việc sắp xếp bộ máy là cần làm ngay nhưng phải đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học. Việc này nhằm bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả, thay vì chỉ sắp xếp cơ học. "Đây là chủ trương nhằm giảm sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị", ông nói, thêm rằng các đơn vị "tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ, so bì, lơ là trong thực thi công vụ".
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý cấp dưới về xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp. Bên cạnh đó, các đơn vị phải chủ động rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với bộ máy mới để bảo đảm "mô hình này phải tốt hơn cũ".
"Mô hình mới phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, khoảng trống về thời gian, địa bàn phụ trách", ông Diên nói thêm.
Năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã thanh, kiểm tra 68.280 vụ, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Lực lượng này phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm, giảm 10% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, 178 vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển cơ quan điều tra. Qua xử lý vi phạm, quản lý thị trường thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phương Dung