Thống kê được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại hội nghị về tuyển sinh, ngày 15/3 tại TP HCM.
Theo đó, tỷ lệ tuyển sinh giữa các lĩnh vực có sự chênh lệch lớn. Nhóm Kinh doanh và Quản lý chiếm gần một phần tư (23,57%). Nhóm này được đào tạo ở nhiều trường với số lượng chỉ tiêu lớn, ở những ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán...
Hai nhóm ngành học tiếp theo là Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật với tỷ lệ lần lượt là 11,27% và 10,05%.
Các nhóm ngành còn lại đều chiếm dưới 10% tổng số thí sinh trúng tuyển đại học. Trong đó, nhiều lĩnh vực dưới 1% như Dịch vụ xã hội (0,41%), Thú y (0,48%). Các ngành khoa học cơ bản như Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê có tỷ lệ tuyển sinh ở mức 0,5-0,7%.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá tỷ lệ tuyển sinh theo lĩnh vực của năm 2023 khá tương đồng với năm 2022, không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, Bộ ghi nhận thay đổi tích cực ở một số lĩnh vực. Như với nhóm Công nghệ kỹ thuật, tỷ lệ nhập học có gia tăng khoảng 1% so với năm trước đó.
"Các lĩnh vực như Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê cũng ghi nhận tỷ lệ thí sinh nhập học tăng, dù còn khiêm tốn", bà Thủy nói.
Năm 2023, trong khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, hơn 546.000 em vào đại học, đạt tỷ lệ 53,1%, tăng gần 2% so với năm trước. Như vậy, trung bình cứ 100 em dự thi thì có 53 em vào đại học. So với tổng chỉ tiêu là hơn 660.000, tỷ lệ thí sinh nhập học đạt hơn 82%.
Xét theo địa phương, Bình Dương, Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế là 5 tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh vào đại học cao nhất. 5 địa phương có tỷ lệ này thấp nhất gồm Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên.