Theo các chuyên gia tuyển sinh đại diện cho 60 trường cao đẳng, đại học tại Triển lãm Giáo dục Mỹ 2022 chiều 4/10 ở Hà Nội, một số bài thi chuẩn hóa từng được coi là yếu tố bắt buộc trong hồ sơ ứng tuyển như SAT (Scholastic Assessment Test - bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic) và ACT (American College Testing - kỳ thi được chuẩn hóa của Mỹ) hiện không còn được các đại học Mỹ quá chú trọng.
"Các học sinh châu Á muốn du học Mỹ đều nghĩ rằng cần phải thi SAT. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi", ông Ian Boley, diễn giả tại hội thảo Triển lãm, từng là giáo viên dạy SAT, ACT với kinh nghiệm 1.600 giờ dạy, nói.
Ông Joshua H. Jaquins, Đại diện tuyển sinh Đại học Drexel, ở Philadelphia, bang Pennsylvania, cho biết bài thi SAT cần đầu tư về tài chính, thời gian và công sức. Điều này gây ra sự bất bình đẳng với những học sinh không có điều kiện kinh tế.
"Đó là lý do trường không yêu cầu SAT từ năm 2020. SAT chỉ là một bài thi chuẩn hóa, không phải yếu tố quyết định. Chúng tôi cần phải xem toàn bộ hồ sơ", ông Joshua nói. Đại dịch đã khiến các trung tâm tổ chức thi SAT phải đóng cửa. Việc yêu cầu điểm thi SAT tuỳ vào từng trường. Tuy nhiên, phần lớn các trường ở Mỹ hiện không bắt buộc hoặc chuyển thành phương án tuỳ chọn của ứng viên. Ông Joshua cho rằng điều này có lợi cho những học sinh thấy họ không phù hợp với các bài thi chuẩn hóa.
Ông David J. Wivell, đại diện tuyển sinh của Học viện Công nghệ Rochester (RIT), thành phố Rochester, bang New York, cho biết trường cũng không đòi hỏi ứng viên phải có điểm SAT hay ACT khi nộp hồ sơ. Nếu có điểm SAT, trường có thể dễ tiếp cận trình độ của học sinh nhưng nó gây ra nhiều khó khăn cho ứng viên.
"Chúng tôi không muốn học sinh lãng phí thời gian vào bài kiểm tra này. Thi xong, các em cũng không sử dụng lại kiến thức đó. Một số em ở các nước khác thậm chí còn phải bay sang nước khác để thi", ông David nói.
Ông cho biết trường sẽ xem các em đến từ trường nào và xét điểm số của học sinh ở các môn học. Với những em học chương trình AP (Advanced Placement) hay chương trình tú tài quốc tế (International Baccalaureate - IB), trường sẽ cân nhắc giữa một em có điểm cao nhưng ở các môn dễ với em đạt điểm khá ở các môn khó hơn để lựa chọn cấp học bổng.
Ông David đánh giá cao thư giới thiệu trong hồ sơ của ứng viên. Bức thư mà người viết làm nổi bật được thế mạnh của học sinh ở trường trung học sẽ gây được ấn tượng. Ngoài ra, các trường đều yêu cầu ứng viên phải có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL hay Duolingo.
Việt Nam hiện có khoảng 30.000 học sinh, sinh viên ở Mỹ, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều sinh viên học tập ở quốc gia này, theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Đến triển lãm tìm hiểu về cơ hội du học Mỹ, Triệu Hương Giang, lớp 10 chuyên Anh, THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn, thấy "thoải mái hơn nhiều" khi các trường em tìm hiểu không yêu cầu điểm SAT hay ACT.
Đặng Hương Giang, lớp 11 Anh, THPT chuyên Thái Nguyên cho rằng nếu không yêu cầu SAT, học sinh sẽ tiết kiệm được thời gian ôn luyện và có sự chuẩn bị kỹ hơn cho hồ sơ của mình. Em hy vọng thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa tích lũy trong những năm trung học sẽ giúp hồ sơ của em nổi bật khi nộp vào ngành Kinh tế, Luật hoặc Ngoại giao sau khi tốt nghiệp THPT.
Trung tâm Công bằng và Minh bạch thi cử Mỹ cho biết, tới học kỳ mùa thu năm 2023, khoảng 1.750 trường đại học Mỹ (hệ cử nhân bốn năm) không yêu cầu hoặc cho thí sinh tự chọn việc nộp SAT và ACT.
Trong khi đó, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ở Mỹ hôm 21/9, đại diện College Board, một trong những đơn vị tổ chức bài thi SAT, cho biết từ năm 2018 tỷ lệ học sinh Việt Nam dự thi SAT tăng 45%.
Nhiều đại học ở Việt Nam có phương thức xét tuyển đại học kết hợp điểm SAT, ACT như Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Bình Minh