Khi đại dịch quét qua nước Mỹ, các công ty lớn đã tăng dự trữ đáng kể lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn, theo phân tích dữ liệu tài chính của S&P Global Market Intelligence.
Cụ thể, các công ty S&P 500, đã tăng trung bình lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn lên 13,9% trong quý đầu năm, so với mức dưới 4,1% trong ba quý trước. Mức độ mà các công ty đã chi hoặc tiết kiệm các khoản tiền đó sẽ được thể hiện rõ khi họ công bố kết quả quý II đầu tháng tới.
PepsiCo đã vay 7,6 tỷ USD trong quý đầu tiên, để tăng gấp đôi lượng tiền mặt trong bảng cân đối kế toán. Hilton Worldwide Holdings huy động được một tỷ USD. Hãng xây dựng Lennar dừng mua đất. Carnival thì rao bán 6 con tàu. Agilent rút các hoạt động ở nước ngoài để thu hồi lợi nhuận.
Các công ty dự trữ tiền mặt trong cuộc khủng hoảng này vì nhiều lý do tương tự như các hộ gia đình. Tiền mặt cung cấp sự linh hoạt trong một môi trường bất ổn, bảo vệ họ trước khả năng xấu hơn của khủng hoảng hoặc biến động đột ngột của thị trường vốn. Tiền mặt cũng là "nhiên liệu" sẵn sàng một khi kinh tế tăng trưởng trở lại và các cơ hội đầu tư mở ra.
"Điều rõ ràng thật sự sẽ đến khi mà họ biết sự lây lan của virus tác động đến hành vi của người tiêu dùng ra sao", Blair Effron, nhà sáng lập của ngân hàng đầu tư Centerview Partners, nhận định. Theo ông, các công ty biết nền kinh tế bây giờ rất tệ, nhưng họ cần hiểu rõ hơn những tháng tới sẽ đi về đâu.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã cam kết cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng và công ty. Kết quả là, trái ngược với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, khi vốn cho vay và đầu tư bốc hơi đột ngột khiến các công ty lành mạnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tiền mặt, thì nay, việc tích trữ tiền mặt với họ trở nên dễ dàng hơn.
Lãi suất cực thấp vốn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tiền mặt ngay cả khi chi tiêu để mở rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất vào tháng 3 đến gần bằng 0. Cơ quan này không chỉ mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp mà còn cho biết sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp, giảm chi phí đi vay.
Ngay cả các doanh nghiệp đang chật vật cũng có thể huy động thêm tiền mặt. Đầu tháng 5, Gap cho biết đã huy động được 2,25 tỷ USD, khoảng một tháng sau khi đóng cửa các cửa hàng ở Mỹ và vay hết toàn bộ khoản tín dụng 500 triệu USD. Hilton đã vay 1,5 tỷ USD từ hạn mức tín dụng của mình, được gọi là biện pháp phòng ngừa. Họ cũng huy động thêm 2 tỷ USD vào tháng 4.
"Giữ tiền mặt giúp các công ty có thể linh hoạt hơn về những gì họ nên làm", Lee Pinkowitz, Phó giáo sư tài chính tại Đại học Georgetown, nhận định. Theo vị chuyên gia, đại dịch, bất ổn dân sự và bất ổn chính trị đang khuấy động sợ hãi dẫn đến việc tích trữ tiền mặt. "Bất ổn càng cao thì lựa chọn này càng giá trị", ông nói.
Trong số các công ty phi tài chính của S&P 500, một nửa đã tăng nợ ít nhất 3,38% trong quý I/2020 so với quý IV/2019, theo phân tích của Wall Street Journal. Ngược lại, trong 3 quý trước, mức tăng nợ trung bình cho các công ty không bao giờ vượt quá 0,2%.
Phần lớn số tiền thu được chỉ để cất đi. Ví dụ, McDonald đã vay 4,8 tỷ USD, tăng 10% tổng nợ và kết thúc quý đầu tiên với số tiền mặt lên tới 4,5 tỷ USD. Intel cũng tương tự, vay 10,4 tỷ USD, nên tổng nợ tăng 35% và kết thúc quý với tiền mặt và các khoản đầu tư liên quan tổng cộng 7,7 tỷ USD.
Các công ty nhỏ hơn cũng đã sử dụng một loạt các công cụ để bảo tồn tiền mặt. Giám đốc tài chính Katie Anderson của Guess cho biết công ty đã cắt giảm hơn 60% chi phí vốn và 30% chi phí vận hành so với một năm trước đó. Choice Hotels International đã sa thải hoặc ngưng việc 20% lực lượng lao động, dừng mua lại cổ phiếu và cắt giảm các chi phí khác. Công ty cũng đã vay 250 triệu USD để dự phòng và để dành số tiền này.
Việc tích lũy tiền mặt trong một cuộc khủng hoảng có thể đem lại lợi ích lâu dài. Vào tháng 1, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Anh kết luận rằng các công ty Anh có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao có thể đầu tư nhiều hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính và phục hồi sau đó. Cuối cùng, các công ty giàu tiền mặt chiếm được thị phần và tăng lợi nhuận.
Các CEO hiện giờ cũng nhận ra bài học này. Ông Effron, chủ một ngân hàng đầu tư, với General Electric và PepsiCo là hai trong số các khách hàng, nói rằng các lãnh đạo doanh nghiệp thay vì sợ hãi đã suy nghĩ về các cải thiện công việc kinh doanh những năm tới.
Tuy nhiên, cũng có những giới hạn. Trong nhiều trường hợp, các công ty lớn đã chi mạnh tay trước tình hình doanh thu thấp hơn nhằm duy trì hoạt động và lực lượng lao động. Họ cũng tốn kém thêm khoản trang bị cho các cửa hàng, nơi làm việc hoạt động phù hợp trong đại dịch, hoặc giúp làm việc tại nhà dễ dàng hơn.
Có một số khoản chi tiêu đang bị trì hoãn, chẳng hạn như đi du lịch, thu hút khách hàng tiềm năng và tham dự các hội nghị. Nhưng khi mở cửa trở lại, các chi phí này cũng sẽ quay lại và gây áp lực lên ngân sách của các công ty.
Phiên An (theo WSJ)