Trong thư gửi nhân viên mới đây, CEO Airbus Guillaume Faury cho biết nhà sản xuất máy bay này đang "chảy máu tiền mặt" và cần cắt giảm chi phí ngay để thích ứng với sự lao dốc của ngành công nghiệp hàng không.
"Chúng tôi đang chảy máu tiền mặt với một tốc độ chưa từng thấy – có thể đe dọa sự tồn tại của công ty. Chúng tôi hiện phải hành động nhanh chóng để giảm chi phí, lấy lại cân bằng tài chính và cuối cùng là lấy lại quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình", Faury cho hay.
Theo CEO Airbus, với các khách hàng hiện phải chật vật để tồn tại và không thể nhận máy bay mới, hãng đang sắp xếp lại lịch giao hàng trong khi đánh giá lại triển vọng dài hạn của ngành công nghiệp hàng không. Faury cũng cảnh báo kế hoạch cắt giảm công suất một phần ba hồi đầu tháng này vẫn có thể chưa phải kịch bản tồi tệ nhất.
Chuyên gia phân tích Sash Tusa tại Agency Partners dự báo Airbus sẽ phải cắt giảm sản công suất thêm 30% để phù hợp với nhu cầu máy bay giảm trong 2 đến 3 năm tới. Airbus đã cho khoảng 3.000 nhân viên người Pháp nghỉ việc và Faury cho biết cần thực hiện các biện pháp sâu rộng hơn.
Lúc này, bảo tồn tiền mặt là chìa khóa. Hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đã đốt tiền với mức kỷ lục trong quý I, theo tính toán của Carter Copeland tại Melius Research. Chuyên gia này ước tính Airbus mất khoảng 6,5 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD) còn Boeing là 8 tỷ USD. Cả Airbus và Boeing sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I vào 29/4.
Hiện tại, Airbus và đối thủ Boeing cố gắng vượt qua sự sụt giảm nhu cầu vì Covid-19. Airbus đã tăng thanh khoản lên 15 tỷ euro để vượt qua đại dịch, trong khi Boeing cũng đang đàm phán về gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ. Cả hai công ty đều đang chuẩn bị cắt giảm việc làm trong lúc họ đánh giá độ sâu của suy thoái và tốc độ phục hồi.
Cuối tuần trước, Boeing đã rút khỏi thỏa thuận trị giá 4,2 tỷ USD để hợp tác sản xuất máy bay phản lực thương mại với Embraer. Doanh nghiệp Mỹ dự kiến giảm sản lượng dòng Dreamliner xuống một nửa và thông báo về số nhân sự bị cắt giảm trong báo kết quả kinh doanh sắp tới. Với Airbus, sự sụp đổ thỏa thuận của Embraer và Boeing củng cố lợi thế của nhà sản xuất châu Âu trên thị trường máy bay thân hẹp – nơi khối lượng giao dịch cao hơn.
Tú Anh (theo Bloomberg)